Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp theo thể thức Arria về chủ đề "Bảo vệ giáo dục trong xung đột" do Niger và Na Uy đồng tổ chức. |
Báo cáo tại cuộc họp có Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang Virginia Gamba, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Force, Giám đốc Văn phòng Liên lạc Pan-Africa của Liên minh châu Phi (AU) kiêm Đại diện của AU tại Tổ chức “Save the Children International” Doris Mpoumou và một em nhỏ đại diện cho trẻ em.
Tại cuộc họp, các nước thành viên HĐBA và các báo cáo viên kêu gọi chấm dứt các vụ tấn công vào trường học, giáo viên và học sinh, cũng như sử dụng trường học và cơ sở giáo dục vì mục đích quân sự. Các bên trong xung đột cần tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và ngay lập tức chấm dứt, ngăn ngừa các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em.
Trong vấn đề này, các nước, các tổ chức khu vực và tiểu khu vực cần tăng cường nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em, trong đó có phối hợp với Liên hợp quốc cải tiến quá trình phân tích, phát triển các chiến lược để bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các vi phạm nghiêm trọng và thúc đẩy quan hệ đối tác vì trẻ em.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp. |
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ, Đại biện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Phạm Hải Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ giáo dục trong xung đột. Đại sứ cho rằng, qua giáo dục, có thể dạy các em về lòng khoan dung, văn hóa hòa bình và thượng tôn pháp luật, đồng thời cũng giúp bảo vệ các em khỏi các tư tưởng cực đoan và khủng bố.
Về trách nhiệm của các nước, Đại sứ khẳng định các nước phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn và an ninh cho trẻ em. Các bên tham gia xung đột vũ trang phải chấm dứt các cuộc tấn công vào trường học, cũng như các hành vi vi phạm quyền trẻ em và ngăn ngừa việc tuyển dụng trẻ em vào các nhóm vũ trang.
Các quốc gia cần đầu tư và hỗ trợ lẫn nhau trong việc giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng, vốn được coi là nguồn gốc của xung đột.
Về chương trình cho trẻ em trong và sau xung đột, Đại sứ cho rằng vấn đề trẻ em phải được coi là trung tâm của các nỗ lực xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột với cơ chế tài trợ lâu dài. Các chương trình cần tập trung hỗ trợ tâm lý, xã hội và tạo môi trường tái hòa nhập thuận lợi cho trẻ em. Khi có được điều này, trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang có thể trở thành tác nhân thay đổi vì hòa bình.
Về hợp tác quốc tế, Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp các nguồn tài chính cần thiết cho trẻ em trong xung đột nhằm thúc đẩy sự phát triển của trẻ. Đại sứ bày tỏ ủng hộ vai trò điều phối của Liên hợp quốc cũng như sự đóng góp của các tổ chức khu vực trong nỗ lực xóa nghèo, thúc đẩy giáo dục phổ cập và phát triển bền vững ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Hải Anh tái khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên, đặt vấn đề trẻ em trong các chương trình phát triển quốc gia và cam kết hợp tác với tất cả các đối tác để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Cuộc họp theo thể thức Arria là một hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham gia của các nước thành viên HĐBA cũng như các nước thành viên LHQ ngoài HĐBA khác và các tổ chức quốc tế. |