📞

Hội đồng Bảo an tháng Tám: Việt Nam ghi điểm, 'nóng' vấn đề Afghanistan

Hà Phương 07:40 | 18/09/2021
Dưới sự chủ trì của Ấn Độ, Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) tháng Tám, HĐBA đã tiến hành 29 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên về các vấn đề nổi lên ở nhiều khu vực và thảo luận một số vấn đề chủ đề đáng chú ý. HĐBA thông qua 14 văn kiện, trong đó có năm Nghị quyết (riêng Nghị quyết về Afghanistan có phiếu trắng).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên Thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Tăng cường An ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, ngày 9/8. (Nguồn: TTXVN)

Tháng Tám, đại dịch Covid-19 tiếp tục gây nên nhiều tổn thất và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế - xã hội ở nhiều nước trên thế giới. Tình hình tại một số quốc gia, khu vực diễn biến phức tạp, trong đó đáng chú ý nhất là khủng hoảng ở Afghanistan. Bên cạnh đó, chiến sự leo thang tại bang Tigray (Ethiopia) và bất ổn tại Myanmar, Syria, Yemen và Palestine tiếp tục là các điểm nóng thu hút sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế.

Nghị quyết có phiếu trắng

Trước diễn biến nhanh chóng và khó lường tại Afghanistan, HĐBA đặc biệt quan tâm, tổ chức ba cuộc họp khẩn và thông qua bốn văn kiện, trong đó có Nghị quyết 2593 (Nga, Trung Quốc bỏ phiếu trắng, 13 nước HĐBA còn lại bỏ phiếu thuận).

HĐBA họp kín lần thứ ba kể từ tháng Tư về tình hình Myanmar với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Brunei trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Các nước đều hoan nghênh việc bổ nhiệm Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar và bày tỏ ủng hộ vai trò, nỗ lực tích cực của ASEAN trong thực hiện Đồng thuận năm điểm; đồng thời chia sẻ quan ngại về tình hình nhân đạo và khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 ở Myanmar.

Ở khu vực Trung Đông - châu Phi, tình hình xung đột gia tăng giữa chính phủ Ethiopia và “Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray” (TPLF) tại bang Tigray tiếp tục gây nhiều quan ngại tại HĐBA.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Tổng thống mới của Iran Ebrahim Raisi vừa nhậm chức và đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran tiếp tục bế tắc, các vụ việc va chạm giữa Iran và các bên tại khu vực Trung Đông tiếp tục gia tăng, trong đó có vụ tấn công tàu chở dầu Mercer Street do Israel quản lý. Các vấn đề khác như Lebanon, Somalia, Mali, Syria, Palestine và Iraq cơ bản được thảo luận định kỳ nhưng không phát sinh diễn biến mới phức tạp.

Liên quan đến châu Âu, các nước phương Tây đã tổ chức thảo luận dưới đề mục “Các vấn đề khác” về tình hình Grudia nhân dịp kỷ niệm 13 năm “Chiến tranh Nga - Gruzia”.

Về tình hình châu Mỹ, các nước bày tỏ tình đoàn kết và cam kết hỗ trợ Haiti sau trận động đất ngày 14/8 khiến hơn 2.200 người thiệt mạng và 12.000 người bị thương; ghi nhận nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cứu hộ và tăng cường hoạt động nhân đạo, giúp đỡ nhân dân và chính phủ Haiti sớm vượt qua khó khăn.

Lần đầu tiên thông qua tuyên bố về an ninh biển

Trong số các vấn đề chủ đề tại HĐBA tháng qua, nổi bật nhất là Phiên thảo luận mở Cấp cao của HĐBA ngày 9/8 với chủ đề “Tăng cường An ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì.

Phiên thảo luận thể hiện quan tâm cao và đa dạng của các nước về các khía cạnh, thách thức nhiều mặt, đan xen về an ninh biển tại các khu vực trên thế giới. HĐBA lần đầu tiên thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về chủ đề an ninh biển, tạo cơ sở quan trọng cho việc thiết lập khuôn khổ thảo luận và tiếp tục duy trì quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có HĐBA, về vấn đề quan trọng này.

Tại Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA ngày 18/8 với chủ đề “Bảo vệ nhân viên gìn giữ hòa bình: Công nghệ và gìn giữ hòa bình” do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ chủ trì, các nước HĐBA đều ủng hộ việc tăng cường hiệu quả hoạt động và bảo vệ lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị - an ninh, thách thức xuyên biên giới về khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia tại các địa bàn.

Các mối đe dọa khủng bố đang gia tăng tại các khu vực có chiến sự được thảo luận tích cực tại Phiên họp cấp Bộ trưởng ngày 19/8 với chủ đề “Mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo ISIL (Da’esh) đối với hòa bình và an ninh quốc tế” do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ chủ trì.

Hiện nay, các lực lượng ủy nhiệm của ISIL/Da’esh đang tăng cường hoạt động tại địa bàn Tây Phi và Sahel, Đông và Trung Phi, Afghanistan và một số nước Nam Á khác.

Các nước đều kêu gọi đẩy mạnh các nỗ lực chống khủng bố ở mọi cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu; ủng hộ vai trò điều phối của Liên hợp quốc (LHQ) trong chia sẻ thông tin về khủng bố; đề cao nhu cầu cần tăng cường hợp tác quốc tế về chống khủng bố một cách toàn diện.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tham gia buổi thông tin với các nước thành viên Liên hợp quốc về hoạt động của Hội đồng Bảo an trong tháng Tám, ngày 31/8. (Nguồn: UN)

Bài phát biểu gợi mở sáng kiến

Việt Nam tiếp tục tham gia HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng.

Việt Nam duy trì quan hệ hợp tác tích cực với các nước trong và ngoài HĐBA, nhất là các nước Ủy viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc); trao đổi thường xuyên với các nước ASEAN, các nước Không liên kết, đang phát triển về các diễn biến, thảo luận cùng quan tâm tại HĐBA như với Iran (về vấn đề tàu Mercer Street), Ai Cập (về vấn đề Đập thủy điện Đại Phục hưng Ethiopia).

Việt Nam tranh thủ thúc đẩy quan hệ song phương với Ấn Độ thông qua việc ủng hộ tích cực các sáng kiến của New Delhi trong tháng Chủ tịch, đồng thời cũng là những vấn đề mà Việt Nam có lợi ích trực tiếp.

Trong tháng qua, nổi bật nhất là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần đầu tiên tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận mở Cấp cao về An ninh biển do Thủ tướng Ấn Độ chủ trì.

Thông điệp của bài phát biểu đã khẳng định mạnh mẽ chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thể hiện quan tâm, đóng góp trách nhiệm và quan điểm tích cực, toàn diện của Việt Nam đối với vấn đề an ninh biển đang được cộng đồng quốc tế rất quan tâm hiện nay.

Việt Nam cũng đề cao vai trò của ASEAN trong điều phối hợp tác về an ninh biển, tạo thuận lợi cho việc bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam tại Biển Đông.

Nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ thu hút sự quan tâm, đánh giá cao của nhiều nước thành viên LHQ, dư luận quốc tế, đồng thời gợi mở nhiều ý tưởng, sáng kiến để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tích cực, chủ động, dẫn dắt thảo luận, hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này.

Đối với một số vấn đề khu vực phức tạp khác, Việt Nam tiếp tục xử lý khéo léo, thỏa đáng và cân bằng.

Về tình hình Afghanistan, Việt Nam khẳng định lập trường nguyên tắc ủng hộ giải pháp chính trị tại Afghanistan do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ; ủng hộ đối thoại để ổn định tình hình và thúc đẩy hòa giải, hòa hợp dân tộc; nhấn mạnh khía cạnh nhân đạo, bảo vệ thường dân, các công dân nước ngoài, các cơ sở hạ tầng thiết yếu, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế; đề cao vai trò hỗ trợ của LHQ và các đối tác quốc tế trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Trong vấn đề Myanmar, Việt Nam tiếp tục đóng góp tiếng nói cân bằng, tích cực, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN; kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ và hỗ trợ thiết thực cho những nỗ lực triển khai Đồng thuận năm điểm của ASEAN.

Trước tình hình bang Tigray (Ethiopia), Việt Nam ghi nhận các nỗ lực cứu trợ nhân đạo của chính phủ Ethiopia, nhấn mạnh các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế trước tình hình ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của giao tranh, khủng hoảng nhân đạo, từ đó kêu gọi sớm chấm dứt chiến sự, bảo vệ tính mạng và an toàn của thường dân.