Sân trong Cung điện Nam Kỳ. (Nguồn: World Fairs) |
Tôi đến thăm anh P.H.V - một nhà sưu tập ở TP. Hồ Chí Minh vào những ngày mà thành phố mang tên Bác vừa thoát ra khỏi thời gian dài chìm đắm trong sự mất mát bởi đại dịch Covid-19.
Bước chân vào một không gian sưu tập nhỏ ấm cúng, tôi thực sự choáng ngợp trước gia tài văn hóa của anh. Nhưng nghe anh kể về hành trình gian nan để sở hữu những tác phẩm ấy và đưa chúng hồi hương về Việt Nam thành công - đó mới là điều khiến những ai có đam mê tương tự phải lượng lại sức mình.
Có những tác phẩm đã từng “đem chuông đi đánh xứ người” và giành được những đánh giá cao tại các cuộc thi quốc tế. Trải qua vài chục năm, thậm chí cả trăm năm, thật kỳ diệu là chúng đã trở về để bổ sung cho những khoảng trống mất mát về hiện vật văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong quá khứ.
Lạ lùng xóm Lò Gốm
Nhìn những món đồ gốm bày khắp căn phòng nhỏ, tôi nhớ đến những câu thơ trong bài phú Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, sáng tác vào đầu thế kỷ XIX:
Cắc cớ chợ Lò Rèn
Chạc chạc nghe nhà Ban đánh búa
Lạ lùng xóm Lò Gốm
Chơn vò vò Bàn Cổ xây trời.
Về tác phẩm khuyết danh này, nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký từng viết: “Xóm Lò Gốm ở làng Phú Lâm, rạch thông ra ngã tư, thông về cầu Khâm Sai. Chỗ người ta làm đồ gốm, xây vò, chậu, lu, mái, làm việc như ông Bàn Cổ xây trời”.
Xóm Lò Gốm được nhắc đến ở trên là một địa danh được nhắc đến trong sách Gia Định Thành thông chí và được ghi trên bản đồ Gia Định - Sài Gòn do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815.
Có thể nói, đây là những cứ liệu cổ xưa nhất nói về xóm Lò Gốm, xác định sự hiện hữu của nghề làm gốm ở xứ Đề Ngạn (Sài Gòn xưa). Thêm vào đó, hiện tấm biển “Đào Lư hội quán” (Hội quán Lò Gốm) được tạo tác vào năm Giáp Thân (1884) vẫn được bảo quản tại đình Phú Hòa (TP. Hồ Chí Minh) và danh mục các lò gốm được liệt kê trong tấm bia Xưởng thiết cơ khí thủy xa bi ký ở Hội quán Tuệ Thành (1898).
Theo các tài liệu, dấu vết lịch sử của xóm Lò Gốm còn sót lại là tên rạch và bến Lò Gốm, đường Lò Siêu và cả đường Xóm Đất ở quận 11, TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Một số lò gạch và lò gốm khác tọa lạc ở miệt Phú Định và Hòa Lục, hai bên kênh Ruột Ngựa.
Năm 1997-1998, Bảo tàng lịch sử TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành khai quật di tích này và gọi là “Di tích lò gốm Hưng Lợi”.
Theo nghiên cứu, ở xóm Lò Gốm hồi đó có khoảng 30 lò làm gốm. Trong số đó thì ở khu Cây Mai có lò gốm sản xuất đồ sành có trình độ chế tác cao sản phẩm được gia công kỹ lưỡng hơn cả. Các dữ liệu còn sót lại cho thấy lò này hiện ở vị trí được xác định trải dài từ góc đường Hùng Vương - Nguyễn Thị Nhỏ dẫn đến cư xá Đô Thành và trường đua Phú Thọ bây giờ.
Những tác phẩm nói trên được đánh giá là thành tựu của nghệ thuật điêu khắc của gốm Cây Mai nói riêng và gốm Việt nói chung. Nếu như ở miền Bắc có gốm Chu Đậu hay Bát Tràng nổi danh, ở miền Trung có gốm Gò Sành thì ở miền Nam - gốm Cây Mai đã nổi lên như một hiện tượng mới nhờ nước men độc đáo và kỹ thuật chế tác riêng có.
Nguyên liệu của đồ sành Cây Mai là thứ đất có chứa nhiều nước, được tạo hình chủ yếu bằng phương pháp in khuôn, một số ít thì vẫn dùng bàn xoay.
Với các sản phẩm có kích thước lớn, người ta dùng khuôn in rồi gắn kết các phần nhỏ lại với nhau bằng đất hồ và cạo gọt mối nối để tạo ra một sản phẩm hoàn mỹ. Khi tạo hình xong, người ta đem “hầm chín” sản phẩm rồi mới phủ men, hong khô rồi lại đem nung lần thứ hai.
Có thể nói, các sản phẩm gốm Cây Mai hầu hết được phủ men độc đáo, thoạt nhìn thô mộc, nhưng ẩn chứa nét công phu trong chế tác, chuẩn trong tạo hình và hài hòa trong bố cục. Nhờ những khác biệt này mà những sản phẩm gốm Cây Mai hiện trở thành đối tượng của các nhà sưu tập từ Nam chí Bắc và đã có nhiều phát hiện mới về số lượng, chủng loại gốm Cây Mai được sưu tập.
Thất truyền dòng gốm Cây Mai
Độc đáo là thế, nhưng đáng tiếc, dòng gốm Cây Mai bây giờ chỉ có thể tìm thấy trong các di tích lịch sử, tâm linh hoặc nhà dân.
Trong các di tích thì thường là đồ thờ, trong nhà dân thường là đồ dùng. Những tác phẩm tượng sành được đánh giá là có giá trị mỹ thuật cao nhất của dòng gốm Cây Mai khi đó hiện rất khó sưu tầm.
Ngay cả ở Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, các di vật của Làng Gốm Cây Mai đang được bảo tồn cũng có độ tinh xảo thấp hơn hoặc không trọn vẹn so với di vật mà nhà sưu tầm P.H.V đang sở hữu.
Cặp đôn gốm Cây Mai đắp nổi quần thể điển tích của lò Đồng Hòa được đưa ra đấu giá trên trang web của Nhà Asium (Paris, Pháp) vào năm 2018. |
Trong cuốn sách “Gốm Cây Mai - Đề Ngạn Sài Gòn xưa” của hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc đã đề cập: “Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, tình hình sản xuất gốm ở Nam Kỳ được một số tác giả người Pháp đề cập trong các tạp chí nghiên cứu và trong các địa phương các tỉnh ở Nam Kỳ, đặc biệt là bài khảo cứu về kỹ nghệ làm đồ đất nung ở Nam Kỳ của Đại úy công binh Derbès.
Ở đây, Derbès cho biết, ở Chợ Lớn, hồi cuối thế kỷ XIX, có 30 lò ở Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai, Vĩnh Hội và Liêng Thanh, sản xuất 14,5 triệu viên gạch/năm, 1,4 triệu gạch vuông và 200.000 viên ngói/năm cùng với lu hũ và đồ sành.
Cũng trong cuốn sách nói trên, hai đồng tác giả cũng nêu rõ: “Mười ba năm sau Derbès, M. Péralle đã tường thuật chuyến thăm quan lò gốm Cây Mai trên tạp chí của Hội Nghiên cứu Đông Dương.
Với cái nhìn của một nhà giáo trong chuyến đi ngắn ngủi, Péralle đã cho công chúng biết thêm một số chi tiết cụ thể về lò gốm Cây Mai. Trong đó, ông viết: Gốm Cây Mai được khen thưởng một huy chương Bạc ở triển lãm năm 1880 ở Nam Kỳ. Sản phẩm gốm này nổi tiếng ở Nam Kỳ và nước ngoài, nhất là tại thị trường Pháp”.
Nói về điều này, nhà sưu tầm P.H.V trầm tư: “Nước mình trải qua quá nhiều biến cố khiến nhiều di sản đã bị thất lạc và hiện được lưu giữ tại nhiều nơi trên thế giới. Ở Pháp, khá nhiều tác phẩm gốm Cây Mai được tìm thấy. Có cả những tuyệt tác mang tính tiêu biểu cho dòng gốm này”.
Trong số những sản phẩm mà nhà sưu tầm P.H.V đề cập, phải kể đến những sản phẩm gốm Cây Mai được các nghệ nhân tạo tác riêng biệt để tham gia cuộc đấu xảo năm 1889 tại Paris, nơi có Cung điện Nam Kỳ được trang hoàng bởi những đôn, chậu và tượng gốm Cây Mai rất đặc trưng.
Sau những cuộc đấu xảo (Hội chợ Quốc tế), những sản phẩm gốm Cây Mai đã được mua lại để trang hoàng nơi tư gia và trưng bày ở nhiều nơi trên đất Pháp. Hiện Bảo tàng Quai Branly còn có hẳn một bộ sưu tập gốm Cây Mai rất quý. Có những sản phẩm gốm Cây Mai sau một thời gian lưu lạc đã được đưa ra các sàn đấu giá tại Pháp và châu Âu.
Nghe những tâm sự của nhà sưu tầm dành nhiều tâm sức cho các di sản văn hóa Việt, tôi lại nhớ đến buổi tọa đàm về “Chiến lược hồi hương di sản của các nước Đông Nam châu Á và bài học kinh nghiệm” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia từng khẳng định: “Ở Việt Nam, hoàn cảnh lịch sử đã khiến các cổ vật bị thất tán phần lớn, theo các nhân vật lịch sử ra định cư ở nước ngoài hoặc theo con đường chảy máu cổ vật. Việc xây dựng một chiến lược quốc gia nhằm đưa trở lại những di sản văn hóa vật thể về Tổ quốc là vấn đề cấp bách. Việc đó không chỉ có ý nghĩa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia, niềm tự hào dân tộc và nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch”.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân cũng nêu rõ, để thực hiện chiến lược này cần có sự động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, với tấm lòng trân quý những di sản văn hóa của đất nước, chính những nhà sưu tầm tư nhân như anh P.H.V cũng đang gặp vô vàn gian khó khi đưa các di sản hồi hương.