TIN LIÊN QUAN | |
Toàn cầu hóa và sự chia rẽ quan điểm chính trị | |
Brexit – Sự kết thúc của toàn cầu hóa? |
Sự phát triển của công nghệ mới sẽ tiếp tục tạo ra sự giàu có và có lợi cho các nước phát triển. Tiến trình khu vực hóa ngày càng cao của các nền kinh tế cũng như những khác biệt về tăng trưởng sẽ tạo ra bất ổn và thách thức các thỏa thuận an ninh toàn cầu.
Tờ The Economist từng định nghĩa toàn cầu hóa là “sự hội nhập toàn cầu của hàng hóa, vốn và việc làm”. Sự kết hợp giữa lợi thế chi phí lao động, hệ thống giao thông vận tải hiệu quả và các hiệp định thương mại đã đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa. Trong sáu thập kỷ qua, toàn cầu hóa đã giúp biến nhiều nước nông nghiệp thành các cường quốc công nghiệp.
Hồi kết của toàn cầu hóa? |
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã làm suy giảm hoạt động thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thương mại toàn cầu đã hồi phục tương đối nhanh chóng, và năm 2011 đã gần đạt mức trước khủng hoảng. Khi đó, những suy đoán về sự kết thúc của toàn cầu hóa tưởng chừng đã không còn. Thật không may, giao dịch thương mại cũng như tăng trưởng GDP toàn cầu không những không tăng, thậm chí còn giảm trong giai đoạn 2011 - 2014.
Những nhà phân tích lạc quan cho đây chỉ là những tác động ngắn hạn và hoạt động thương mại sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí tăng tốc. Tuy nhiên, sự hội tụ của các yếu tố công nghệ mới đang thay đổi và sự phát triển của công nghệ kết hợp với các xu hướng trong sản xuất năng lượng, nông nghiệp, chính trị và quản trị mạng sẽ dẫn đến tình trạng nội địa hóa các hoạt động sản xuất, dịch vụ, năng lượng và sản xuất lương thực. Điều này sẽ tác động đáng kể tới môi trường an ninh quốc tế.
Kỷ nguyên mới của tự động hóa
Sự ra đời của robot, trí tuệ nhân tạo và công nghệ in ấn 3D khiến mọi hoạt động dần chuyển sang tự động hóa. Theo Tập đoàn Tư vấn chiến lược Boston, tỷ lệ tự động hóa trong các hoạt động sản xuất sẽ tăng lên 25% vào năm 2025 từ mức khoảng 10% hiện nay. Theo báo cáo "Tương lai của việc làm" của tổ chức Frey và Osborne thuộc Đại học Oxford, năm 2014, 47% công việc hiện tại có nguy cơ phải nhường chỗ cho tự động hóa. Không thể phủ nhận, kỷ nguyên của tự động hóa đang bắt đầu. Từ năm 2010 đến 2013, tỷ lệ sử dụng robot trong sản xuất công nghiệp trên thế giới tăng trung bình 17%/năm. Riêng năm 2014, con số này là 29%. Tuy nhiên, các con số này chưa tính đến những robot được thiết kế để làm việc cùng con người.
Bên cạnh việc sử dụng robot thay thế dần phương thức sản xuất truyền thống, công nghệ in 3D cũng tạo ra cách thức hoàn toàn mới để nhanh chóng mở rộng thị phần của sản phẩm. Công nghệ 3D được sử dụng trong việc sản xuất từ các thiết bị y tế, các bộ phận máy bay cho đến các tòa nhà cao tầng. Công nghệ này được sử dụng chủ yếu để tạo mẫu và sản xuất ra các bộ phận có giá trị cao.
Tập đoàn vận chuyển quốc tế của Mỹ United Parcel Service (UPS) đã thành lập bộ phận vận hành công nghệ này vào việc xử lý nhanh chóng các yêu cầu của khách hàng. Công nghệ in 3D đã gây kinh ngạc khi tốc độ xử lý nhanh hơn tới 100 lần so với công nghệ cũ và cho ra 100% các sản phẩm giống nhau như đúc. Khảo sát gần đây của tập đoàn Price Waterhouse Cooper cho thấy 52% trong số 100 CEO được hỏi kỳ vọng công nghệ in 3D sẽ góp phần gia tăng sản xuất trong 3-5 năm tới. Rõ ràng, đây sẽ là một xu hướng mới của tương lai.
Trở về với nội địa
Khi tất cả đều áp dụng tự động hóa cũng có nghĩa là xu hướng sản xuất cho thị trường nội địa sẽ gia tăng nhanh chóng. Tập đoàn Tư vấn chiến lược Boston đã thống kê số lượng các nhà sản xuất Mỹ đưa cơ sở sản xuất của mình trở về nước có xu hướng gia tăng sau một thời gian dài hiện diện ở những nơi có lợi thế chi phí nhân công thấp như Trung Quốc. Từ 1998-2009, ảnh hưởng của toàn cầu hóa khiến Mỹ mất khoảng 8 triệu việc làm. Tuy nhiên, trong 6 năm qua, nước Mỹ đã “lấy lại” được khoảng 1 triệu việc làm.
Hal Sirkin, nhà phân tích của Tập đoàn Tư vấn chiến lược Boston, dự đoán: “Rồi chúng ta sẽ thấy xu hướng nội địa hóa gia tăng với quy mô lớn hơn. Điểm mấu chốt là ngày càng có nhiều sản phẩm sẽ được sản xuất tại địa phương đó, dẫn tới nhu cầu thương mại quốc tế trong sản xuất hàng hoá giảm dần”.
47% công việc hiện tại có nguy cơ phải nhường chỗ cho tự động hóa. (Nguồn: Youtube). |
Không dừng ở đó, nhiều yếu tố khác cũng đang ngăn cản quá trình toàn cầu hóa. Đặc biệt, chủ nghĩa bảo hộ ngày một gia tăng. Từ năm 2008, hơn 3.500 biện pháp bảo hộ và các yêu cầu hành chính đã được thiết lập trên toàn cầu. Nhiều chính phủ đã khuyến khích người dân mua các sản phẩm trong nước thay vì hàng nhập khẩu. Thậm chí, nhiều quốc gia còn tăng thuế nhập khẩu để ngăn chặn bán phá giá.
Gần đây, nhiều chiến dịch chính trị tại Mỹ và châu Âu cũng cho thấy mức độ mâu thuẫn ngày càng gia tăng. Trong đó phải kể đến hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là Donald Trump và Hillary Clinton đều không ủng hộ Hiệp định TPP. Hiệp định này vẫn đang trong quá trình chờ các nước phê chuẩn. Nếu thất bại, đây sẽ là một đòn chí tử với toàn cầu hóa như sự kiện Brexit vừa qua.
Không chỉ các nhà hoạch định chính trị, kinh tế, ngay cả người dân giờ đây cũng bắt đầu quay lưng lại với toàn cầu hóa. Kết quả thăm dò dư luận của tổ chức Pew Research cho thấy, tỉ lệ ủng hộ thương mại toàn cầu của người dân Mỹ năm 2008 đã giảm còn 53% từ mức 78% năm 2002. Năm 2014, chỉ có 17% người Mỹ tin rằng thương mại toàn cầu sẽ mang đến một mức lương cao hơn và chỉ 20% tin rằng nó sẽ tạo thêm công ăn việc làm mới.
Tác động tới an ninh chính trị quốc tế
Câu hỏi đặt ra là nếu toàn cầu hóa không còn mang lại những lợi ích kinh tế lớn cho Mỹ, nỗ lực sử dụng sức mạnh của nước này nhằm duy trì an ninh toàn cầu sẽ bị coi là lãng phí. Điều này sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong việc thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ. Cường quốc số một thế giới sẽ phải đảo ngược hơn 60 năm chính sách đối ngoại và an ninh của mình. Và điều này sẽ hoàn toàn thay đổi tình hình an ninh quốc tế. Trong khi đó, châu Âu, hiện đang phải vật lộn với những tác động của Brexit, sẽ phải xác định những mối đe dọa mới như làn sóng di cư cũng như cách thức đạt được thỏa thuận trong việc phân bổ nguồn lực an ninh.
Riêng các nước châu Á sẽ phải đối mặt với một kịch bản rất khác. Sự hiện diện của Mỹ và các nước phương Tây ở châu Á thời gian qua được xem như là góp phần mang lại sự ổn định và hòa bình ở khu vực. Khi quá trình đảo ngược toàn cầu hóa trở thành xu thế, khu vực không có tiền sử liên minh an ninh quân sự này sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Klaus Schwab, Chủ tịch diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng: “tốc độ của bước đột phá hiện tại là không có tiền lệ. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được phát triển với tốc độ của một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Cuộc cách mạng này cũng sẽ tác động sâu sắc đến các chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi sẽ dự báo sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người”.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra trong vài thập kỷ tới, đồng nghĩa với việc đưa những tiến bộ tuyệt vời vào sản xuất và dịch vụ. Không còn nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi theo nhiều cách. Sản xuất, dịch vụ, năng lượng và nông nghiệp..., tất cả dường như đang dần hướng tới sản xuất nội địa. Nếu quá trình đảo ngược toàn cầu hóa diễn ra, xu thế này cần phải được theo dõi chặt chẽ và các chính sách an ninh quốc gia sẽ phải được điều chỉnh theo thực trạng tình hình kinh tế và chính trị mới.
"Siêu thương hiệu" của Tây Ban Nha Sách lược ngoại giao văn hóa đúng đắn đang biến toàn bộ đất nước và con người Tây Ban Nha trở thành các thương hiệu ... |
Sẵn sàng lắng nghe khúc mắc của doanh nghiệp châu Âu Đó là khẳng định của các đại diện của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia tại Hội thảo “Đầu tư vào một ASEAN toàn cầu ... |
Toàn cầu hóa văn hóa: Các bình diện chủ yếu và cách tiếp cận Vấn đề toàn cầu hoá nói chung và toàn cầu hoá văn hoá nói riêng vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng xu thế hiện ... |