![]() |
Qunng cảnh lễ khai mạc SEA Games 24 tại SVĐ trung tâm của tỉnh Nakhon Ratchasima (Thái Lan) |
“Hội làng" vui vẻ nhưng không ít đắng cay
Cho đến nay rất nhiều người trong chúng ta, kể cả các vị lãnh đạo của ngành thể thao, vẫn coi SEA Games là "hội làng" với đặc trưng vui vẻ là chính. Thế nhưng, điểm không đặc trưng ở đây là tính cạnh tranh không lành mạnh.
Dường như đã thành lệ là tất cả đều "chiến đấu" để mong giành được thật nhiều huy chương và theo đó là thứ hạng cao. Nhưng thay vì phải trên tinh thần fair-play, người ta cũng đã không từ các tiểu xảo, thậm chí là cả những thủ đoạn và hành động xa lạ với tính cao thượng cần có của thể thao.
Luật chơi không phải chưa có, nhưng vấn đề là ở chỗ vận dụng tuỳ tiện và thiếu nguyên tắc. Chính vì thế, "hội làng" của khu vực luôn không ổn định và thiếu công bằng khi tổng số môn và nội dung cụ thể các môn thi đấu mỗi kỳ một khác, trong khi đội ngũ trọng tài lại có quá nhiều vấn đề… mà ai cũng thấy là để tạo lợi thế cho nước chủ nhà.
Kết quả các kỳ SEA Games cho thấy nếu là chủ nhà, những nền thể thao mạnh chắc chắn sẽ vô địch và bỏ xa các đối thủ khác. Nếu kha khá thì cũng vẫn có cơ hội về nhất, hoặc chí ít cũng sẽ cán đích ở thứ hạng cao.
Cứ nhìn vào 3 kỳ gần đây nhất (tại Việt Nam, Philippines và Thái Lan), dù trình độ thể thao mỗi nước có khác nhau, nhưng nước nào tổ chức, nước đó đều đã về nhất một cách thuyết phục. Điều đó chứng tỏ thành tích thể thao của các nước tại "hội làng" này phụ thuộc không nhỏ vào việc họ có phải là nước đăng cai hay không và quan hệ của họ với nước chủ nhà thế nào.
Những phản ứng giận dữ của các đoàn có vận động viên bị xử ép hầu như đã trở thành "chuyện thường ngày ở phố huyện"; còn những đắng cay, phẫn uất của những vận động viên mất huy chương một cách tức tưởi thì không thể lấy gì bù đắp được. Kết quả là thể thao Đông Nam Á nói chung và của mỗi nước nói riêng qua mỗi kỳ thi đấu chẳng tiến thêm được là bao so với công sức và tiền của bỏ ra. Và cuối cùng là "vùng trũng" này mỗi ngày một trũng hơn so với các khu vực khác.
Việt Nam với SEA Games
Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, thể thao Việt Nam đã hội nhập thành công trong ASEAN. Qua 10 lần tham gia SEA Games với thành tích chung ngày càng cao, nhưng có thể thấy kết quả Việt Nam đạt được qua mỗi kỳ Đại hội không hoàn toàn phụ thuộc vào đẳng cấp và phong độ cụ thể của vận động viên. Các yếu tố khách quan xung quanh việc thi đấu ở đâu, với những môn nào và trước đoàn trọng tài do ai chi phối… thực tế đã đóng một vai trò không thể phủ nhận.
Là chủ nhà SEA Games 22 cách đây 4 năm, Việt Nam đã về nhất với kết quả nhảy vọt khi giành được kỷ lục 156 huy chương vàng và bỏ xa các đối thủ còn lại. Tuy nhiên, điều đó chưa đồng nghĩa với việc thể thao Việt Nam đã thật sự tiến bộ như vậy so với các nước khác. Bởi cũng giống như bất kỳ nước chủ nhà nào trong "hội làng" này, thể thao Việt Nam cũng đã được hưởng những lợi thế khi có tiếng nói quyết định nhất trong việc lựa chọn các môn thi đấu. Tuy vậy, chúng ta có quyền tự hào là Việt Nam đã nghiêm túc và công bằng trong vấn đề trọng tài.
Thực tế là tại SEA Games 22 đã không có sự cố tai tiếng nào về trọng tài như thường vẫn xảy ra và không ai có thể nói Việt Nam đã dùng tiểu xảo, thủ đoạn trong vấn đề trọng tài để giành vị trí số một chung cuộc.
Đối với SEA Games 24 vừa kết thúc, bên cạnh sự thất vọng tột cùng về môn thể thao vua và đội U23 của mình, phần đông chúng ta cũng chưa thật hài lòng với vị trí thứ 3 giống như tại Đại hội lần trước ở Philippines. Nhưng nếu nhìn vào những môn thể thao thuộc hệ thống thi đấu chính thức của Olympic, nhất là môn điền kinh, rồi đến thể dụng dụng cụ, đấu kiếm…, thì thành tích đoàn thể thao Việt Nam tại Thái Lan vừa qua là hết sức đáng trân trọng và cần được coi là một bước tiến về chất rất quý giá.
Olympic là đích hướng tới
Tại các nước ASEAN, ở các mức độ khác nhau, đây đó cũng đã có những tiếng nói mong muốn Olympic hóa Đại hội thể thao của khu vực. Dư luận chung và đặc biệt là báo chí ngày càng lên tiếng mạnh mẽ phê phán chất lượng và đặc biệt là tính địa phương và không phổ biến của các môn thi đấu tại SEA Games.
Đáng tiếc là tư duy "hội làng" và tâm lý giành thắng lợi bằng mọi giá vẫn còn khá bao trùm. Trong bối cảnh đó, điều Việt Nam có thể tự làm để thực sự góp phần thúc đẩy đổi mới SEA Games là mạnh dạn dứt bỏ tập quán chạy theo thành tích "ảo" như lâu nay. Tức là không nên đặt mục tiêu phải giành vị trí thật cao khi tham gia SEA Games, mà cần tập trung cao độ cho các môn phổ thông được quốc tế công nhận; và chỉ nên coi SEA Games chủ yếu là nơi cọ sát quan trọng giúp thể thao nước nhà nâng cao chất lượng thực sự trong các môn đấu phổ thông của thế giới, từ đó sớm có đủ khả năng tham gia có hiệu quả tại các sân chơi lớn hơn như ASIAD và Olympic Games.
Thể thao Hà Nội trong những năm qua đã có những chủ trương đúng đắn và cách làm mới thích hợp theo hướng đi tắt đón đầu, giúp mang lại nhiều thành tích cao và rất có ý nghĩa cho thể thao nước nhà. Trong bối cảnh hiện nay, cách làm đó cần được áp dụng đại trà trên phạm vi toàn quốc nếu chúng ta không muốn tiếp tục làm tòng phạm với những bất cập kéo dài và đã quá rõ của SEA Games. Theo đó, chúng ta cần tập trung toàn lực phát triển các môn thể thao trong hệ thống Olympic quốc tế, chứ không cần coi trọng và dàn trải nguồn lực vật chất và con người hiện còn có hạn cho toàn bộ các môn thi đấu vốn thường xuyên thay đổi tại mỗi kỳ SEA Games.
Theo hướng đi này, tại các kỳ SEA Games tới đây, dù tổng số huy chương có thể sẽ ít đi và vị trí chung cuộc có thể cũng sẽ không còn cao như hiện tại, nhưng nếu đoàn thể thao Việt Nam đạt được nhiều thành tích nổi bật trong những môn thi đấu chính thức của hệ thống Olympic, thì đó sẽ là thất bại ảo và thắng lợi thực của thể thao Việt Nam. Và chính điều đó mới có thể giúp chúng ta có hy vọng sớm mở mày mở mặt trên các đấu trường lớn của châu lục và thế giới.
Đào Vũ