📞

Hội nghị ASEAN 43: Sẽ thông qua 2 tuyên bố quan trọng

Thu Nhi 06:18 | 01/09/2023
Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 sẽ thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV với Tầm nhìn ASEAN 2045.
Một số công nhân xây dựng hoàn thành việc cải tạo Trung tâm hội nghị Jakarta (JCC) phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 năm 2023 tại Jakarta, hôm 23/8. Chuỗi chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 9 năm 2023 và sẽ được tổ chức tại JCC, Jakarta. (Nguồn: kemlu.go.id)

Ngày 31/8, một quan chức ngoại giao Indonesia cho biết một trong những văn kiện quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 là thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN IV với Tầm nhìn ASEAN 2045.

Vụ trưởng Hợp tác chính trị và an ninh thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Rolliansyah Soemirat cho hay, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023, quốc gia này sẽ đưa ra hướng dẫn cho ASEAN thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN IV với tầm nhìn mới cho ASEAN sau năm 2025.

Ông Rolliansyah cho biết thêm rằng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí bắt đầu thảo luận về Tuyên bố hòa hợp ASEAN IV, đồng thời hy vọng rằng dự thảo văn kiện này sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN 43 diễn ra từ ngày 5-7/9 tới để các nhà lãnh đạo thông qua.

Trước đó, ASEAN đã thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN I và II, hay còn gọi là Tuyên bố Bali I vào năm 1976 và Tuyên bố Bali II vào năm 2003. Tuyên bố Bali I là Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) quy định các khuôn mẫu ứng xử giữa các quốc gia thành viên trong đó ưu tiên các biện pháp hòa bình và không sử dụng bạo lực để giải quyết các tranh chấp.

Tuyên bố Bali II là thỏa thuận của ASEAN nhằm xây dựng cộng đồng trên 3 trụ cột chính trị và an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tuyên bố này dẫn đến sự ra đời của Hiến chương ASEAN khẳng định hiệp hội khu vực là một tổ chức dựa trên luật lệ, đồng thời là tiền đề cho việc hình thành Cộng đồng ASEAN.

Trong khi đó, Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2011 tại Bali đã thông qua Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu (sau này được gọi là Tuyên bố Bali III). Tinh thần của Tuyên bố này là bảo đảm sự tham gia và đóng góp tích cực của ASEAN trong việc giải quyết nhiều vấn đề quan trọng toàn cầu diễn ra trong thời đại hiện nay.

Cũng theo ông Rolliansyah, vấn đề Myanmar cũng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 với mong muốn giúp người dân quốc gia này có cuộc sống bình thường. Ông Rolliansyah nói rõ: “ASEAN quan tâm đến động lực ở Myanmar trong khi vẫn tôn trọng chủ quyền của nước này”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 31/8 thông báo sẽ dự Hội nghị cấp cao ASEAN 43, trong khuôn khổ lịch trình tháng 9, với nhiều chuyến công du tham dự các hội nghị đa phương quan trọng trên toàn thế giới.

Phát biểu với báo chí quốc tế, ông Guterres cho biết: “Sau khi rời Kenya, tôi sẽ tới Indonesia dự hội nghị với ASEAN và tới Ấn Độ dự hội nghị G20, cũng như các sự kiện sau đó là hội nghị G77 và Trung Quốc ở Cuba”.

Theo thông báo của nước chủ nhà Indonesia, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan sẽ có sự tham dự của lãnh đạo 22 quốc gia, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN, Timor Leste với tư cách quan sát viên, cùng 9 nước đối tác đối thoại đồng thời là các nước thành viên Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS - bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Nga, Mỹ), và 2 quốc gia khách mời là Bangladesh (Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia vành đai Ấn Độ Dương - IORA) và Quần đảo Cook (Chủ tịch Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương - PIF).

Đại diện một số tổ chức khác cũng sẽ tham dự hội nghị, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và Ban thư ký hợp tác ba bên (TCS), Liên hợp quốc (với tư cách đối tác toàn diện) và Diễn đàn thương mại thế giới.

Chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN 43 tập trung vào 4 trọng tâm chính, bao gồm việc thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng.

(theo kemlu.id/TTXVN)