📞

Hội nghị đổi mới tư duy toàn diện về đối ngoại

17:34 | 18/08/2016
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, Hội nghị Ngoại giao 29 và Hội nghị Ngoại vụ 18 (từ 21 - 26/8) là hội nghị đổi mới tư duy toàn diện trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là tư duy ngoại giao phục vụ phát triển.

Phó Thủ tướng cho biết, Hội nghị Ngoại giao lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới hết sức biến động, nhanh chóng, khôn lường. "Tình hình bất ổn diễn ra ngày càng tăng ở nhiều khu vực trên thế giới với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, thiên tai vẫn diễn ra nhanh chóng, lan tỏa và tác động cả đến khu vực Đông Nam Á. Vấn đề tranh chấp chủ quyền cũng diễn ra phức tạp", Phó Thủ tướng nói.

Trong khi đó, kinh tế thế giới những năm vừa qua vẫn chưa thoát khỏi trì trệ, tạo ra nhiều thách thức với toàn khu vực. Trong khi đó, quá trình liên kết khu vực – tiểu khu vực phát triển nhanh chóng với khoảng 150 Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết trong 5 năm qua, tạo ra xu thế cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Ở trong nước, Hội nghị Ngoại giao 29 diễn ra sau khi Đại hội Đảng lần thứ XII được tổ chức thành công, định ra đường hướng phát triển quốc gia trong 5 năm tới, trong đó có đường lối đối ngoại, theo đó sẽ tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đây cũng chính là chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần này: “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII”.

Với những bối cảnh trong và ngoài nước như vậy, Hội nghị Ngoại giao lần này sẽ đánh giá lại công tác đối ngoại trong thời gian qua, đặc biệt là 5 năm nhiệm kỳ Đại hội Đảng; từ đó rút ra bài học, xác định tư duy mới, cách làm mới, trong bối cảnh mới, để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XII là tạo dựng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Theo đó, phải có những biện pháp hữu hiệu nâng cao hơn nữa hiệu quả của các quan hệ, các cơ chế, các khuôn khổ quan hệ với các nước quan trọng trên thế giới, đồng thời mở rộng, tăng cường thêm khuôn khổ quan hệ mới với các nước khác trên cơ sở lợi ích quốc gia. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là mục tiêu “hết sức quan trọng”.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng phải làm rõ những biện pháp để triển khai tiến trình hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực. Tiến trình này không chỉ của ngành ngoại giao mà của cả đất nước, của các bộ ngành, địa phương....

Theo Phó Thủ tướng, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là chủ đạo trên cơ sở hội nhập của các lĩnh vực khác. Do đó, ngoại giao sẽ phải thay đổi tư duy như thế nào để đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong việc tranh thủ cơ hội và thuận lợi từ hội nhập quốc tế nói chung cũng như các hiệp định thương mại tự do.

Đề cập đến thành tựu đối ngoại trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng cho biết Đại hội Đảng lần thứ 12 đã đánh giá hết sức chính xác về kết quả công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Kết quả đó là đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực thông qua hoạt động đối ngoại, tăng cường quan hệ với các nước, nhất là các nước có vai trò quan trọng trên thế giới; thông qua các hoạt động đối ngoại đã tăng cường được sự tin cậy về chính trị đối với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Đất nước đã và đang hội nhập tích cực với quốc tế. Từ chủ trương ban đầu là hội nhập một lĩnh vực kinh tế, trong 5 năm vừa qua chúng ta đã hội nhập trên tất cả các lĩnh vực, điển hình là hợp tác quốc phòng - an ninh, hay lần đầu tiên tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình.

Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế của Liên hợp quốc, là thành viên của Hội đồng nhân quyền, ECOSOC, đóng vai trò tích cực trong ASEAN… Đó là những thành tựu hết sức nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 được tổ chức đồng thời với Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 18. Đây là mô hình được Bộ Ngoại giao thực hiện trong ba lần Hội nghị gần đây – tổ chức Hội nghị Ngoại giao đồng thời với Hội nghị Ngoại vụ. Mô hình này giúp tạo điều kiện cho các tỉnh thành trong cả nước có sự kết nối cùng hội nghị Ngoại giao và có cùng "hơi thở” trong hoạt động đối ngoại của cả đất nước trên bình diện Việt Nam hội nhập sâu rộng quốc tế.

Thời gian qua, công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.

Bộ Ngoại giao hết sức quan tâm đến vấn đề đối ngoại của các tỉnh thành. Trong thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã thành lập Cục Ngoại vụ địa phương với mục đích hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố tăng cường hội nhập; tăng cường quan hệ với bên ngoài.

"Ý nghĩa của việc thành lập Cục Ngoại vụ là Bộ Ngoại giao luôn luôn song hành, hỗ trợ cho các tỉnh, thành từ việc giới thiệu mở rộng quan hệ của các địa phương với địa phương các nước đến việc giúp cung cấp thông tin về các đối tác của các địa phương", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, thời gian qua, ngành ngoại giao đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, mời các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam đến các địa phương để tăng cường giới thiệu về địa phương, hoặc giới thiệu cho các địa phương các địa chỉ cụ thể, cần thiết để kết nối hai bên.

Theo Phó Thủ tướng, Hội nghị ngoại vụ 18 lần này sẽ đánh giá các biện pháp đã thực hiện thời gian qua, lắng nghe ý kiến của các địa phương, nhằm hướng tới các biện pháp hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động đối ngoại của các địa phương. "Đó cũng là nhiệm vụ kiến tạo của Bộ Ngoại giao cho các địa phương trong quan hệ đối ngoại", Phó Thủ tướng nói.

(Ảnh: Minh Châu/TGVN)