Công tác an ninh đã được thắt chặt tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, Thụy Sỹ, nơi diễn ra Hội nghị hòa bình về Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, mọi sáng kiến hòa bình đều quý giá. Chính vì thế, Hội nghị hòa bình về Ukraine diễn ra từ ngày 15-16/6 tại Thụy Sỹ được dư luận hết sức quan tâm.
Thông báo của nước chủ nhà cho biết, Hội nghị sẽ giúp định hình tiến trình rộng rãi nhằm đạt được hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine. Những người tham dự Hội nghị sẽ trao đổi về giải pháp dựa trên khuôn khổ hòa bình 10 điểm do Ukraine đề xuất vào năm 2022.
Khu nghỉ dưỡng Burgenstock sang trọng trên dãy núi Alps đã sẵn đủ các điều kiện cho Hội nghị. Nhưng điều quan trọng là các cuộc bàn thảo có đưa đến kết quả cụ thể hay không thì ít người dám chắc.
Việc Nga không được mời khiến những sáng kiến đưa ra rất khó có thể dự báo về khả năng hiện thực hóa. Bởi một nền hòa bình lâu dài không chỉ đòi hỏi sự tham gia chủ động và tích cực, mà còn cả nỗ lực thực sự và ý chí chính trị vững chắc của cả hai bên xung đột.
Đây chính là lý do khiến Trung Quốc từ chối có mặt tại Burgenstock. Theo Bắc Kinh, Hội nghị phải được cả Nga và Ukraine công nhận, cần có sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và cần thảo luận công bằng về tất cả các đề xuất.
Nhiều đối tác quan trọng khác từ phương Nam như Nam Phi, Brazil, thành viên trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cùng với Nga, cũng sẽ không có đại diện. Trong khi một thành viên khác của BRICS là Ấn Độ sẽ chỉ tham dự ở cấp thấp hơn.
Cho đến nay, Hội nghị mới dự kiến ra tuyên bố chung, tập trung vào các chủ đề như an ninh hạt nhân, an ninh lương thực và các khía cạnh nhân đạo, với hy vọng tạo nền móng cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình trong tương lai có sự tham gia của Nga.
Xung đột ở Ukraine cần phải sớm được kết thúc. Nhưng hiện tại, điều đó vẫn chỉ là hy vọng, bởi sáng kiến hòa bình vốn đã ít ỏi lại vướng nhiều hạn chế.