"Nhận thấy những đổi mới về cả nội dung và hình thức"
Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 ngày 15/12 tại Hà Nội, Phó Giám đốc Công ty CP Thiết bị vật tư ngân hàng và an toàn kho quỹ Lê Trung Nhẫn chia sẻ với Thế giới & Việt Nam, ông đã nhận thấy những đổi mới về cả nội dung và hình thức.
"So với những lần tổ chức trước, Hội nghị Ngoại giao năm nay đã làm nổi bật công tác triển khai ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", ông Lê Trung Nhẫn nói.
Năm 2021 là một năm có nhiều biến động do đại dịch Covid-19 hoành hành ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bộ Ngoại giao đã cho thấy tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là một trong những nội dung ưu tiên quan trọng hàng đầu của Hội nghị lần này.
Với mục tiêu thống nhất phương hướng hợp tác đề xuất các giải pháp thực chất để ngành Ngoại giao có thể hỗ trợ thiết thực nhất cho các doanh nghiệp trong phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, đóng góp vào phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.
Chia sẻ về kế hoạch hợp tác quốc tế trong việc phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, ông Lê Trung Nhẫn cho biết: “Chúng tôi đã và đang chủ động, khẩn trương trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và trình độ quản lý để nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa lợi thế so sánh của nước ta.
Đồng thời, chúng tôi cũng không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ, bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng trên thị trường thế giới, tạo ra những ngành, những sản phẩm mũi nhọn để hàng hóa và dịch vụ của ta chiếm lĩnh thị phần ngày càng lớn ở trong nước cũng như trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”
Về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong giai đoạn bình thường mới hiện nay, ông Lê Trung Nhẫn bày tỏ, "sự lây lan mạnh của dịch Covid-19 và những bất ổn về kinh tế đã mang đến nhiều thách thức cho xã hội và doanh nghiệp. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã đánh trực tiếp vào các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…, khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn sản xuất kinh doanh, có doanh nghiệp phải dừng một phần, thậm chí toàn bộ hoạt động.
Trong những khó khăn đó, Công ty CP Thiết bị Vật tư Ngân hàng và An toàn kho quỹ cũng không ngoại lệ, Mặc dù đã nỗ lực hết mình, hoạt động hết công suất để có thể đáp ứng được nhu cầu của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng trong việc sản xuất, cung cấp giường cho các khu cách ly và các bệnh viện dã chiến, nhưng vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy và giá thành vật liệu bị tăng một cách đột ngột, nên việc bị đội giá thành lên cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty", ông Lê Trung Nhẫn chia sẻ.
Đến với Hội nghị Ngoại giao năm nay, ông Lê Trung Nhẫn muốn nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. "Chúng tôi mong muốn Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục cung cấp thông tin chi tiết về thị trường, giúp kết nối với chính quyền và các đối tác sở tại, đồng thời tăng cường hỗ trợ để các sản phẩm có giá trị của công ty chúng tôi nói riêng và các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nói chung có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, tìm kiếm đối tác đầu tư, sản xuất”, Phó Giám đốc Công ty CP Thiết bị vật tư ngân hàng và an toàn kho quỹ nêu đề nghị.
"Việc tương tác, kết nối với các Đại sứ mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp và địa phương"
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, Chủ Tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu Tư Dừa Bến Tre (BEINCO) nhận định, "việc tương tác, kết nối với các Đại sứ đã mở ra hướng đi mới cho công tác xúc tiến thương mại của cộng đồng các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre nói chung và của công ty chúng tôi nói riêng".
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO). |
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre khẳng định, Bộ Ngoại Giao, đặc biệt là các Đại sứ đang thực thi công vụ Đại diện đất nước ở sở tại là kênh hỗ trợ và thông tin rất uy tín, ngoài nhiệm vụ quốc gia, công tác ngoại giao kinh tế gần đây được tập trung đẩy mạnh và triển khai rất thực tế".
"Ngay tại Hội nghị, các Đại sứ đã đề cập việc xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường ở sở tại (nước muốn nhập khẩu, nhất là châu Âu). Do vậy, tuỳ thị trường mà các doanh nghiệp nên chủ động chuẩn bị các chứng nhận phù hợp, như FDA, Halal, Kosher, BSCI, BRC, Organic, ISO, HACCP, SGS.. để nâng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần nâng tầm thương hiệu Quốc gia (chẳng hạn, thương hiệu Xứ Dừa Bến Tre)", ông Trần Văn Đức chia sẻ.
Về sự phối hợp của địa phương với các hoạt động ngoại giao kinh tế, ông Trần Văn Đức cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh Bến Tre, cụ thể là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, sự đồng lòng của lãnh đạo các sở, Văn phòng UBND tỉnh và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, trong 1 tháng qua, các doanh nghiệp BEINCO, Lương Quới, Mekong, Hương Sắc Dừa, Phú Long, Vĩnh Tiến, Thuận Phong, Beco... đã làm việc trực tuyến với 13 đại sứ và Tổng Lãnh sự cả đương nhiệm và mới được bổ nhiệm, trong đó có nhiều Đại sứ ở các địa bàn châu Âu, Trung Đông, Nam Phi, Bắc Phi, Nam Á và Mỹ Latinh.
"Qua các cuộc tiếp xúc kể cả trực tuyến hay trực tiếp, các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đã được tiếp cận nhiều thông tin mới và thực tế triển khai giao thương, nắm bắt nhiều thông tin bổ ích từ các thị trường mục tiêu. Tại các địa bàn cụ thể, doanh nghiệp đã được các Đại sứ hỗ trợ triển khai kết nối, giao thương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như nâng tầm chuyên nghiệp cho doanh nghiệp", ông Trần Văn Đức nhận định.
Hơn nữa, các hoạt động đã góp phần nâng cao năng lực của chính quyền địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại hay ngoại giao kinh tế, đồng thời tính chuyên nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp Bến Tre được nâng lên rõ rệt, trong đó có cả đội ngũ doanh nghiệp trẻ/khởi nghiệp trong kinh doanh quốc tế.
Giới thiệu về Công ty CP đầu tư dừa Bến Tre và sản phẩm khá đặc thù của địa phương, ông Trần Văn Đức cho biết, doanh nghiệp của ông chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ quả dừa như: Nước cốt dừa đóng lon, Nước dừa đóng lon, sữa dừa, Dầu dừa nguyên chất, Cơm dừa sấy… Bên cạnh phát triển thị trường nội địa, BEINCO xác định chiến lược kinh doanh là phát triển các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là EU và châu Mỹ. Do vậy việc hợp tác quốc tế là một trong ưu tiên hàng đầu của công ty
Từ thực tế và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, ông Trần Văn Đức cho biết, BEINCO nói riêng và Cộng đồng doanh nghiệp Bến Tre nói chung, rất quan tâm sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao, các CQĐD ở nước ngoài, nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, để phát triển thị trường. Đồng thời, việc tiếp cận nguồn vốn nhằm bổ sung năng lực tài chính cho doanh nghiệp cũng là mối quan tâm lớn.
"Theo tôi, nên tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa các doanh nghiệp và Đại sứ, đại diện các CQDD Việt Nam ở các nước thường niên. Nếu do điều kiện địa lý không cho phép, có thể mở kênh tương tác trực tuyến thường xuyên, để doanh nghiệp có nhiều hơn các cuộc trao đổi thông tin thực tế, hiệu quả", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre Trần văn Đức bày tỏ.
| Giá cà phê hôm nay 17/12, Sức ép chưa đủ lớn giá chỉ giảm nhẹ, nguồn cung vẫn thực sự căng thẳng Báo cáo mới nhất của USDA nhận định xuất khẩu cà phê robusta từ Việt Nam trong niên vụ 2021/2022 sẽ tăng nhẹ so với ... |
| Giá vàng hôm nay 17/12, Giá vàng tăng dựng đứng, tái chinh phục ngưỡng 1.800 USD, thời điểm để vàng tỏa sáng? Khi sự không chắc chắn xung quanh kế hoạch thắt chặt tài chính của Fed được giải tỏa, đây chính là thời điểm vàng để ... |