Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (phải) - Chủ tọa phiên thảo luận. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tại phiên thảo luận, ông Trang Văn Lý - Giám đốc Sở Ngoại vụ Tây Ninh cho biết, trong thời gian qua Tây Ninh đã không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và phát huy mạnh mẽ tiềm năng và vai trò của mình nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng luôn gắn với an ninh biên giới, thể hiện qua các nội dung như: thúc đẩy quan hệ với các địa phương nước ngoài (Campuchia, Hàn Quốc), mở và nâng cấp cửa khẩu, tăng cường quản lý biên giới.
Tây Ninh là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với dân số khoảng 1,1 triệu người, diện tích tự nhiên 4.035km2, có đường biên giới dài khoảng 240 km, tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia là: Svay Riêng, Prey Veng và Tboung Khmum. Tây Ninh có 8 huyện và 1 thành phố loại III, với 02 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát; 2 cửa khẩu chính là: Ka Tum, Chàng Riệc và 12 cửa khẩu phụ. Với những điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biên mậu trong thời kỳ mở cửa của đất nước, với một tỉnh có đường biên giới dài như Tây Ninh đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để đảm bảo được yếu tố đẩy mạnh phát triển kinh tế luôn gắn với vấn đề an ninh biên giới.
Phát biểu của Tây Ninh về đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với an ninh biên giới, lợi thế và giải pháp. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại vụ 19, Giám đốc Sở Ngoại vụ Kiên Giang Phan Công Đấu cho rằng Kiên Giang, với vùng biển có điều kiện tự nhiên phát triển thuận lợi, có lượng tàu khai thác thủy sản lớn và là tỉnh có nhiều tàu đánh bắt xa bở nhiều nhất cả nước. Tỉnh xác định kinh tế biển là hướng phát triển chủ lực và tập trung phát triển bền vững thủy lợi thủy sản.
Ông Đấu khẳng định trong thời gian tới, Kiên Giang sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh phối hợp quản lý tàu cá ngư dân, chỉ đạo các cấp ngành triển khai các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đánh bắt thủy sản; chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi sát sao, xử phạt các tàu thuyền, đơn vị vi phạm,...
Phát biểu của Giám đốc Sở Ngoại vụ Kiên Giang về khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo hộ tàu cá, ngư dân. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trong thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hoá Thế giới góp phần tăng cường hội nhập quốc tế tại địa phương.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo đó, tỉnh đầu tư kinh phí bảo vệ, trùng tu, nâng cấp, tu bổ các di sản văn hoá, đồng thời tổ chức các hội thảo khoa học nhằm nghiên cứu, tìm ra các giải pháp, đúc kết kinh nghiệm trong việc bảo tồn các di tích.
Hai là, Quảng Nam tái hiện các phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian, phát triển làng nghề, qua đó làm sống lại các di tích.
Ba là, tỉnh khai thác tiềm năng phát triển du lịch thông qua các hoạt động quảng bá như các Lễ hội văn hoá, Festival di sản của tỉnh, Ngày hội giao lưu văn hoá, Lễ hội đêm rằm phố cổ,…
Bốn là, Quảng Nam tăng cường hợp tác quốc tế về văn hoá với các địa phương, các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế trên thế giới, qua đó giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về bảo tồn, trùng tu, nghiên cứu, giáo dục,…
Đại diện tỉnh Bình Định, ông Võ Đình Kha - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh, có bài tham luận chia sẻ về kinh nghiệm thu hút lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Võ Đình Kha cho biết trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại địa phương sâu sát theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; xác định tầm quan trọng của công tác đối ngoại đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Kha nhấn mạnh việc xây dựng Bình Định trở thành một điểm đến của các nhà khoa học luôn được các thế hệ lãnh đạo của tỉnh quan tâm và được coi là hướng đi mới trong thu hút đầu tư vào Bình Định. Từ năm 2013 đến nay đã có hơn 3.600 nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đến Bình Định tham dự các hội nghị khoa học tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, trong đó có 14 giáo sư đoạt giải Nobel, Fields, Kavli, Shaw.
Tiếp theo thành công của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, tỉnh đang khẩn trương triển khai xây dựng “Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn” với các công trình, dự án khoa học, công nghệ như: Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE); Dự án Công viên sáng tạo TMA (TMA Innovation Park); Khu Tổ hợp Không gian khoa học với nhà Mô hình vũ trụ và nhà Khám phá khoa học; các viện nghiên cứu khoa học; các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao...
Ông Võ Đình Kha. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Về kinh nghiệm thu hút lực lượng tri thức người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại địa phương, ông Võ Đình Kha chia sẻ: Một là, điều chỉnh tư duy điều hành và quản lý trong việc chú trọng đầu tư vào chất xám là suy nghĩ và hành động của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, giúp cho việc mời gọi, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà hôm nay và trong tương lai.
Hai là, chủ trương xuyên suốt của tỉnh là vận động trí thức người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ dừng ở kêu gọi chung chung mà phải đi vào thực chất, có chiều sâu, phải thực sự sát cánh, đồng hành với các dự án của người Việt Nam ở nước ngoài, coi lợi ích và thành công của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại tỉnh nhà cũng chính là thành công của tỉnh.
Ba là, bên cạnh những nỗ lực của tỉnh, không thể không nhắc đến một nguồn lực hỗ trợ vô cùng to lớn, đó chính là sự quan tâm, ủng hộ hết mình, sự phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình, sự chỉ đạo sát sao và hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, trong đó có vai trò nòng cốt của Bộ Ngoại giao và vai trò kết nối hiệu quả của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác vận động, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đến đầu tư tại Bình Định.
Tại Hội nghị, bà Trần Thị Hoàng Mai, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đã có tham luận về “Quan điểm, chính sách của UNESCO đối với các loại hình danh hiệu di sản/chương trình con người và sinh quyển/Công viên địa chất toàn cầu và chia sẻ kinh nghiệm của một số nước”.
Bà Mai nhấn mạnh rằng UNESCO có danh hiệu trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ giáo dục, khoa học, thông tin, văn hóa... Việt Nam cũng đạt được rất nhiều danh hiệu trong các lĩnh vực khác như giáo dục, thông tin…
Về các loại hình danh hiệu di sản, cao nhất là danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa vật thể; thứ hai là di sản văn hóa phi vật thể; thứ ba là công viên địa chất toàn cầu, con người và sinh quyển. Gần đây UNESCO có danh hiệu Di sản tư liệu hay ký ức thế giới. Tất cả những di sản này gọi tắt là di sản UNESCO.
Bà Mai cho biết, UNESCO đặt ra danh hiệu này là để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản và thúc đẩy bảo vệ di sản. Trong quá trình phát triển của mình, dần dần UNESCO đề ra mục tiêu phát huy di sản phục vụ phát triển một cách bền vững. Để đạt được hai mục tiêu đó, UNESCO xây dựng danh hiệu cho bốn thể loại di sản với các hệ thống chuẩn mực khác nhau, các cơ chế quy trình xét duyệt công nhận theo dõi, khuyến khích và kể cả hình phạt khác nhau, đảm bảo là các di sản đã mang danh hiệu UNESCO tức là di sản đó phải thật là đặc sắc và phải có một cơ chế bảo đảm phát triển lâu bền.
Phát biểu của Đại sứ Trần Hoàng Mai. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai, "Di sản chỉ khi nào là “nhất” thì mới được công nhận là di sản thế giới. Vùng nào có di sản được công nhận thì cũng là vùng di sản. Địa phương vừa muốn có di sản, lại vừa muốn phát triển nên khi làm phải thật cân nhắc vì tính toàn vẹn của di sản". Có những di sản không chỉ thuộc một địa phương mà thuộc liên địa phương, thậm chí là liên quốc gia, cần sự phối hợp quản lý của liên địa phương, như trường hợp Quảng Ninh và Hải Phòng với vùng Cát Bà, Hạ Long chẳng hạn…
Một loại hình khác của loại di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới mà UNESCO đang đẩy mạnh là Sinh quyển/Công viên địa chất toàn cầu và các khu vực sinh quyển. Chính vì yếu tố tương tác của con người và thiên nhiên, nên mục tiêu phát triển ở loại hình danh hiệu này là rất rõ ràng, vừa bảo tồn di sản, vừa phát huy di sản phục vụ phát triển, phù hợp với các nước đang phát triển. Tác động kinh tế-xã hội của danh hiệu di sản này đến địa phương rất tốt. Một điển hình là ở Hà Giang, Công viên đá Đồng Văn khi chưa được công nhận, lượng khách du lịch chỉ là 30.000 người/năm, hiện nay đã lên 1 triệu người.
"Bộ máy quản lý phải hiệu lực. Chính quyền địa phương hoặc trung ương phải là một trong những yếu tố quyết định", bà Mai nhấn mạnh.
Vị Đại sứ cho biết thêm, "Công tác của phái đoàn là người đồng hành kết nối, là điểm đầu và cũng là điểm cuối, đóng góp vào xây dựng ý tưởng, hoàn thiện khung pháp lý, đấu tranh cho từng hồ sơ cho đến kết quả cuối cùng… Mỗi lần UNESCO có ý tưởng mới, phái đoàn cũng đưa về các bộ, ngành để triển khai. Phái đoàn của Việt Nam tại UNESCO luôn đồng hành với địa phương trong nước".
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định, sau quá trình thảo luận sôi nổi, tích cực, các đại biểu đã đúc rút nhiều bài học tốt, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá cao ý kiến đóng góp, chân thành của các Sở Ngoại vụ; đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao, các Trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài ghi nhận, cùng nghiên cứu, phản hồi, giải đáp cho các địa phương.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đối ngoại địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, địa phương nói riêng. Thứ trưởng tin tưởng công tác đối ngoại địa phương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn tuyên bố thông qua “Định hướng hành động của Hội nghị Ngoại vụ 19”, theo đó tập trung vào việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương; đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hóa, tuyên truyền đối ngoại, người Việt Nam ở nước ngoài, thanh tra chuyên ngành ngoại giao tại địa phương; quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại tại địa phương; phát triển đội ngũ cán bộ ngoại vụ địa phương.