Hội nghị chính thức khai mạc tại Brussels (Bỉ) vào đêm 28/6 theo giờ Việt Nam. Theo chương trình nghị sự dự kiến ban đầu, cuộc khủng hoảng Ukraine và chính sách trừng phạt Nga được xem là một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị. Tuy nhiên, mọi kế hoạch đã bị “lật nhào” sau sự kiện đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU (Brexit).
Những nỗ lực cuối cùng
Thủ tướng Anh David Cameron tham dự ngày họp thứ nhất, và đây cũng sẽ là hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng của ông. Hình ảnh Thủ tướng Cameron tươi cười, trò chuyện với một loạt nhà lãnh đạo EU đã xuất hiện dày đặc trên nhiều trang báo quốc tế. Tuy nhiên, đằng sau những hình ảnh đó là rất nhiều cảm xúc: sự lo lắng, tiếc nuối, buồn rầu và cả những nỗ lực níu kéo...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Cameron bày tỏ Anh sẽ “không quay lưng với châu Âu” vì EU vẫn là “hàng xóm, bạn bè, đồng minh và đối tác” của Anh. Ông Cameron mong muốn dù rời khỏi EU, Anh vẫn có thể có được “mối quan hệ gần gũi, thân thiết nhất có thể” với EU trong các lĩnh vực như thương mại, hợp tác và an ninh vì đó là điều "tốt cho Anh cũng như EU".
Thủ tướng Anh David Cameron (đứng giữa) trao đổi với các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 28/6. (Nguồn: AP) |
Như để níu kéo một mối quan hệ gắn bó giữa Anh với EU bất chấp “cuộc ly hôn”, nhà lãnh đạo Anh cũng không quên đô lỗi một phần cho EU về thất bại của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Ông cho rằng, vấn đề tự do đi lại, cụ thể là vấn đề nhập cư đóng một vai trò quan trọng trong việc người Anh quyết định rời khỏi EU. “Tôi nghĩ rằng, người dân thừa nhận sức mạnh kinh tế khi ở lại EU nhưng có một mối quan ngại rất lớn về vấn đề tự do đi lại”, ông Cameron nói.
Mong muốn sang trang mới
Khác hẳn với những phát biểu tình cảm của Thủ tướng Anh Cameron, giới lãnh đạo EU đã thể hiện một lập trường cho thấy, họ muốn thúc đẩy cuộc “ly hôn” càng sớm càng tốt để tránh kéo dài “nỗi đau”.
Tại hội nghị, các quan chức EU đều hối thúc Anh nhanh chóng làm thủ tục rời khỏi liên minh. Lập trường của EU là hoàn toàn dễ hiểu bởi họ muốn hạn chế đến mức tối thiểu những ảnh hưởng về kinh tế cũng như chính trị gây ra từ sự kiện Brexit. Cuộc trưng cầu dân ý của Anh hồi tuần trước đã “thổi bay” 3.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán toàn cầu và nhấn chìm đồng Bảng Anh xuống mức thấp nhất trong 31 năm trở lại đây so với đồng USD.
Ảnh hưởng tâm lý chính trị cũng không thể bỏ qua khi chỉ trong vài ngày, hàng chục đảng phái ở EU kêu gọi tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý tại các nước thành viên giống như Anh đã làm. “Chúng ta không nên bị lôi vào tình trạng bất ổn kéo dài”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu.
Các nhà lãnh đạo EU cũng đồng loạt bác bỏ yêu cầu của Thủ tướng Cameron đòi hỏi những điều kiện thuận lợi cho Anh sau khi nước này rời khỏi liên minh. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Chúng tôi đảm bảo không có cuộc thương lượng nào được tiến hành dựa trên nguyên tắc hái cherry (nghĩa là Anh chỉ lựa chọn những điều kiện có lợi cho riêng họ). Bất kỳ quốc gia nào muốn rời khỏi gia đình này không thể kỳ vọng rũ bỏ hết nghĩa vụ và chỉ biết lợi ích riêng của mình”.
Những gì đang diễn ra ở hội nghị thượng đỉnh EU cho thấy, giới lãnh đạo của liên minh đang muốn nhanh chóng lật sang trang mới trong lịch sử, hướng tới tương lai của một câu lạc bộ 27 thành viên không có Anh. Thông điệp của Thủ tướng Đức Merkel – một trong những lãnh đạo hàng đầu của EU, là tiến trình Brexit không thể đảo ngược, không thể quay trở lại và vì thế giờ không phải lúc ngồi mơ ước mà nên nhìn thẳng vào thực tế.
Không có sự tham dự của Anh, trong ngày thứ hai của hội nghị, EU đã thảo luận về những thay đổi, cải cách cần thiết – một trong những yếu tố sống còn để giúp duy trì sự thống nhất của EU. Bất chấp những nhận định có phần bi quan của nhiều nhà phân tích, giới lãnh đạo EU vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai của một liên minh từng được đánh giá là mạnh mẽ nhất, thành công nhất trong lịch sử thế giới này.
“EU đủ mạnh mẽ để tồn tại sau khi Anh rút khỏi liên minh. EU cũng đủ mạnh mẽ để bảo vệ thành công các lợi ích của liên minh trên thế giới trong tương lai”, bà Merkel phát biểu trước Quốc hội Đức.