Nhỏ Bình thường Lớn

Hội nhập phải giữ bản sắc, hợp hoàn cảnh

Đó là điều mà Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng* luôn nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với TG&VN về hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và hội nhập trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học nói riêng.
GS. Nguyễn Lân Dũng và nhà báo Phan Quang.

Với GS. Nguyễn Lân Dũng, hội nhập có thể hiểu một cách rất gần gũi, đời thường, như việc các nước cùng chung tay hỗ trợ sau thảm họa thiên tai, hoặc việc tiếp nhận những thành tựu khoa học nước ngoài ứng dụng vào thực tiễn trong nước.

Chung sức làm các nước gần nhau hơn

"Hiện là thời kỳ tất cả thế giới phải hội nhập, không nước nào đứng ngoài. Trận bão vừa qua ở Philippines không có viện trợ quốc tế thì hết sức nguy hiểm. Trong lúc hoạn nạn, thế giới chung sức với nhau, khác ngày xưa", GS. Nguyễn Lân Dũng nói.

Ông lấy ví dụ, mỗi năm các nhà khoa học Nhật Bản sang làm việc cùng các nhà nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội trong lĩnh vực Vi sinh vật học khoảng 1-2 tháng và kết quả nghiên cứu được sử dụng chung, như vậy hai bên cùng có lợi.

"Có người bảo như vậy là Việt Nam thiệt vì những chủng vi sinh vật mới họ ứng dụng ngay được vào sản xuất, còn mình không có công nghệ vi sinh vật (trừ bia, bột ngọt, vaccine) nên biết nhưng vẫn để đấy. Tuy nhiên, nếu không hợp tác quốc tế thì họ vẫn tự nghiên cứu được còn mình thì vẫn 'không có gì'. Nếu có hợp tác sẽ dần dần đào tạo được cán bộ và đến lúc nào đó sẽ ứng dụng được", ông khẳng định.

Chuẩn bị về con người là quan trọng nhất

Song để hội nhập hiệu quả, theo ông Nguyễn Lân Dũng, sự chuẩn bị về con người là quan trọng nhất, bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Nghiên cứu hơn 100 cuốn sách giáo khoa sinh học của các nước trên thế giới, Giáo sư cho rằng, chương trình Sinh học ở bậc phổ thông của Việt Nam không giống nước nào, rất nặng, nhưng lại rất thấp (?). Như học sinh phổ thông ở Pháp không có môn Sinh học mà học Khoa học về Sự sống và Trái đất. Tức là không học đủ các môn như sinh viên Đại học Sư phạm mà chỉ học các hoạt động sống như tuần hoàn, hô hấp, dinh dưỡng, thần kinh, di truyền... - những kiến thức cơ bản nhưng rất sâu sắc. Sách giáo khoa của Pháp quy định mỗi bài 1,5 trang (2/3 là ảnh và hình vẽ), nhưng có 5 trang kèm theo giải thích thêm, giải thích thuật ngữ, hình ảnh minh họa, câu hỏi, truyện kể thêm....

Ở Mỹ, khi học tác phẩm Chiến tranh và hòa bình, học sinh lớp 10 phải đọc nguyên gốc cả tác phẩm, không phải "đọc mỗi thứ một tí như ở ta". Còn sách giáo khoa của Nhật Bản, bài nào cũng có tranh biếm họa dễ hiểu, dễ nhớ. Điều quan trọng là chỉ có một chương trình chuẩn có thể sử dụng ổn định nhiều năm, còn sách giáo khoa hoàn toàn là chuyện của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản.

Như vậy, cách học của Việt Nam hiện nay chưa hội nhập quốc tế song cũng đã có những thay đổi bước đầu như chính sách mới cho phép Giáo sư được đi làm việc đến 70 tuổi, Phó giáo sư - 67 tuổi, Tiến sĩ - 65 tuổi (nếu tự nguyện, đủ sức khỏe và nhà trường có nhu cầu), hay thử nghiệm các phương pháp dạy học mới...

Hội nhập phải phù hợp

Bàn về hội nhập nói chung, GS. Nguyễn Lân Dũng nhắc đi nhắc lại, dù cải cách thế nào thì vẫn phải đảm bảo ba điều kiện: Hội nhập quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh nước ta và có thể ổn định lâu dài. Ví như trong điều kiện ở Việt Nam, nhiều học sinh phải vừa học vừa làm, nhiều nơi không có đủ bàn ghế trường lớp, có nơi học sinh phải cầm ghế lội suối đi học... thì không thể áp dụng mọi thứ một cách máy móc như các nước khác.

"Sự kiện xô đổ cổng trường Thực nghiệm cho thấy trường Thực nghiệm tốt thì tại sao không mở rộng thêm ra? Còn dạy tiếng Anh từ lớp 3 trong cả nước thì lấy đâu ra giáo viên dạy, nếu giáo viên tập huấn ngắn hạn thì làm sao dạy được, và ở miền núi thì dạy tiếng Anh để làm gì? Phải phù hợp là ở chỗ đó", ông nói.

Bên cạnh đó, GS. Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, hội nhập phải giữ bản sắc, thuần phong mỹ tục, hội nhập chứ không hòa tan, và cần phải giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc..

Ông cũng rất coi trọng tính ứng dụng của nghiên cứu, một cách chứng tỏ tính thiết thực của công nghệ, của các công trình nghiên cứu, mặt khác nâng cao mức sống cho các nhà khoa học khi mức lương còn đang quá thấp. Bản thân Giáo sư cũng đang cùng các bạn trẻ tham gia xây dựng phân xưởng Pilot ở Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học để sản xuất ở quy mô nhỏ các sản phẩm nghiên cứu được. Ông cho rằng nghiên cứu gì thì sản xuất ra cái đó, nếu các doanh nghiệp thấy đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì họ sẽ mua ngay và nhân ra với số lượng lớn. Ông cũng từng đưa cây gai Ramie (cung cấp nguyên liệu cho ngành bông sợi) về trồng thử ở Việt Nam. Cây gai phát triển tốt, nhưng không thuyết phục được nông dân trồng, bởi ở Việt Nam không có cơ quan nào chịu đứng ra lập nhà máy chế biến sợi gai Ramie.

"Việc xây dựng mô hình Viện nghiên cứu Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) là tốt, nhưng Viện nghiên cứu ở Hàn Quốc có những đề tài chi phí đến hàng chục triệu USD thì Việt Nam không thể theo được, mà chỉ nên học tập tinh thần nghiên cứu của họ. Vì vậy, hội nhập quốc tế là tốt, nhưng phải phù hợp với từng hoàn cảnh", GS. Nguyễn Lân Dũng kết luận.

Phương Nguyên


* Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ sinh học Nguyễn Lân Dũng hiện là Ủy viên UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Tổng thư ký Hội Vi sinh học Việt Nam, Chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học thuộc ĐH Quốc gia Việt Nam, Cố vấn Liên đoàn Công nghệ sinh học Châu Á. Ông cũng từng là đại biểu Quốc hội ba khóa X, XI, XII.