Ngày 18/12 đã diễn ra Hội thảo "Kết nối cộng đồng doanh nghiệp châu Á và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam 2016". Dưới sự chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Phạm Hải Bằng, Hội thảo có sự tham dự của đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, đại diện Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Hải quan Liên bang, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Học viện Thương mại Thế giới (Đại học Tổng hợp Bern), Đại học Khoa học ứng dụng Northwestern cùng đông đảo doanh nhân Việt kiều tại Thụy Sỹ.
Sau khi nghe Tham tán Thương mại Nguyễn Mạnh Quyền trình bày tham luận "Chính sách thương mại, đầu tư và xuất nhập khẩu cũng như định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới", các đại biểu đến từ các cơ quan Liên bang đã giới thiệu về phương pháp tính toán thống kê xuất nhập khẩu trong hệ thống hải quan Thụy Sỹ và những điều cần chú ý trong việc quản lý chất luợng hàng xuất khẩu vào Thụy Sỹ, đặc biệt là nông sản.
Một vấn đề thu hút sự quan tâm của đại biểu là việc quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào Thụy Sỹ so sánh với các nước trong khu vực Đông NamÁ. Nhiều đại biểu đề xuất nên có những biện pháp kết nối chặt chẽ hơn giữa những người sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam với các nhà nhập khẩu tại Thụy Sỹ.
Theo số liệu của hải quan Thụy Sỹ, trong 10 tháng đầu năm 2015, Thụy Sỹ đã xuất sang Việt Nam hàng hóa trị giá 388 triệu Franc và nhập từ Việt Nam 805 triệu Franc.
Việt Nam là quốc gia xuất siêu cao thứ hai châu Á (417 triệu Franc) trong quan hệ thương mại với Thụy Sỹ (sau Trung Quốc) và là đối tác thuơng mại thứ tư trong các nước ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia). Về đầu tư, Thụy Sỹ hiện xếp thứ 4 trong các nước châu Âu và xếp thứ 18 trong tổng số các nền kinh tế đầu tư tại Việt Nam với trên 100 dự án và tổng vốn đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD tại Việt Nam.
Hội thảo là một trong những hoạt động chuẩn bị cho việc kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ trong năm 2016.