Hội thảo khoa học ‘Nông nghiệp Việt Nam và Kyushu, các vấn đề và tương lai phát triển’ |
Đây là hội thảo khoa học đầu tiên về nông nghiệp giữa Việt Nam và khu vực Kyushu - Okinawa, và cũng là hội thảo đầu tiên giữa Việt Nam với một khu vực, vùng của Nhật Bản theo mô hình kết hợp thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ với hợp tác thúc đẩy nông nghiệp giữa hai bên.
Với vai trò đồng tổ chức và đồng bảo trợ, Trung tâm nghiên cứu châu Á và châu Đại dương, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Kyushu (JICA Kyushu), Tổ chức Hội nhập kinh tế Kyushu (KEI) (*) và Báo Tây Nhật Bản (**) đã góp phần ý nghĩa vào sự thành công của Hội thảo.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, Hội thảo được tổ chức chủ yếu theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các đại biểu là các nhà chính trị-ngoại giao, các nhà khoa học và doanh nhân trong ngành nông nghiệp tại hơn 210 điểm kết nối ở Việt Nam và Nhật Bản; tại nhiều điểm kết nối số người tham dự có từ 5 đến hơn 20 người.
Hội thảo được chia làm 3 phiên, đã diễn ra sôi nổi trong 3 tiếng rưỡi.
Phiên khai mạc diễn ra trang trọng nhưng ngắn gọn với 4 phát biểu đi thẳng vào mục đích, đưa ra các gợi ý lớn về nội dung theo các chủ đề của Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp tham dự hội thảo từ điểm cầu Việt Nam. |
Phát biểu đầu tiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh Việt Nam coi trọng vai trò của khoa học công nghệ và đánh giá cao những đóng góp của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu tại Kyushu, đặc biệt là Đại học Kyushu đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông Hoàng Hiệp đánh giá cao TLSQ và của ĐH Kyushu đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo, nhấn mạnh đây là cuộc trao đổi chính thức đầu tiên giữa Việt Nam với các vùng của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp và bày tỏ mong muốn hình thành cơ chế định kỳ tổ chức các hoạt động theo mô hình này 2-3 năm/lần nhằm thúc đẩy hiệu quả, thiết thực hợp tác nông nghiệp nói riêng và quan hệ giữa hai nước nói chung và mong lần tiếp theo sẽ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Đại sứ VIệt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đánh giá Hội thảo là một sáng kiến quan trọng, sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước ở trung và dài hạn. |
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nêu rõ Kyushu là khu vực có vị trí rất quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, là điểm khởi nguồn cho quan hệ thương mại giữa hai nước từ hơn 400 năm trước và nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh của khu vực này. Đại sứ đánh giá Hội thảo là một sáng kiến quan trọng, sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai hiệu quả giai đoạn 2 (2020-2024) của Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản (***), qua đó Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam từng bước phát triển nền nông nghiệp hiện đại, năng suất cao.
Thống đốc Kabashima đánh giá hội thảo là một đóng góp tích cực, thúc đẩy quan hệ hợp tác về chiều sâu trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Kyushu – Việt Nam. |
Thống đốc Kababashima Ikuo của tỉnh Kumamoto chia sẻ ngắn gọn về quá trình phấn đấu của bản thân, từ một thực tập sinh nông nghiệp tại Mỹ, trở thành Giáo sư đại học và rồi một chính trị gia. Ông đánh giá đại đa số thực tập sinh Việt Nam (TTS) làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tỉnh, chiếm hơn một nửa tổng số khoảng 3.400 thực tập sinh nước ngoài, đã và đang phát triển rất tốt; nhiều TTS đã vươn lên vị trí quản lý, phiên dịch, nhân viên kỹ thuật tay nghề cao trong các công ty chế biến, gia công thực phẩm sau thu hoạch. Ông tin tưởng nguồn nhân lực quan trọng này sẽ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong thời gian tới và cho rằng chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp lấy việc đào tạo nguồn nhân lực và áp dụng nông nghiệp thông minh làm trọng tâm là những yếu tố quyết định đối với năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường. Thống đốc Kabashima đánh giá Hội thảo là một đóng góp tích cực, thúc đẩy quan hệ hợp tác về chiều sâu trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Kyushu – Việt Nam.
Thay mặt Lãnh đạo Đại học Kyushu, Giáo sư Nakao Miki, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nông nghiệp điểm lại quá trình hợp tác nhiều năm giữa Đại học Kyushu với Việt Nam trong các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông khẳng định Kyushu là một trong những khu vực đi đầu Nhật Bản trong phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và nông nghiệp thông minh và ngành thuỷ sản thế hệ mới nói riêng. Giáo sư Nakao Miki tin tưởng rằng Hội thảo sẽ là hoạt động rất có ý nghĩa để Kyushu và Việt Nam cùng nhìn lại thực trạng của nông nghiệp, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp của hai bên, qua đó sẽ mở đường đi trong xây dựng mối quan hệ hợp tác đa dạng trong lĩnh nông nghiệp hai bên.
Tại Phiên thứ hai, các nhà khoa học và doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực nông nghiệp của hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã trình bày 15 tham luận, lần lượt về 3 chủ đề “nâng cao giá trị thặng dư cho thực phẩm”; “ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp; “phát triển tài nguyên thuỷ sản”.
Các giáo sư của các đại học danh tiếng: Đại học Kyushu, Đại học Kagoshima và đại diện của Công ty CP Thương mại Nittsu, Công ty CP Seraku. Nhật Bản đã trình bày 5 tham luận, được đại biểu của hai phía đánh giá cao.
Với 10 tham luận, các giáo sư, tiến sỹ của các đại học, viện nghiên cứu lớn của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông Lâm Huế, Đại học Cần Thơ, Đại học Nha Trang, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Nuôi trồng thuỷ sản I và các vị lãnh đạo của Công ty CP Sản xuất và Xuất Nhập khẩu Việt Phúc, Công ty CP Kinh doanh nông sản Bảo Minh, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đã nêu bật về thực tiễn và nhu cầu đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng thành quả nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực chuyên môn của mình theo từng chủ đề và đưa ra một số đề xuất thiết thực trong hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như kinh doanh giữa hai nước.
Các trao đổi sôi nổi sau mỗi chủ đề do Giáo sư Miyajima chủ trì và đặc biệt trong phần thảo luận chung dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Ogata Kazuo đã góp phần làm rõ thêm các nội dung và mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai bên.
Trong các phát biểu của mình, các đại biểu của cả hai bên đều đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học, kết hợp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, với những nội dung và phương thức tổ chức rất phù hợp với nhu cầu phát triển quan hệ hợp tác của hai bên và trong điều kiện của đại dịch Covid-19 hiện nay.
TLS tại Fukuoka Vũ Bình bày tỏ tin tưởng hội thảo sẽ mở ra những cơ hội mới, cách làm mới trong hợp tác giữa hai nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển hợp tác kinh doanh trên mọi lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch và các thách thức về biến đổi khí hậu hiện nay. |
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tổng Lãnh sự Vũ Bình (TLS) đã tóm tắt ngắn gọn quá trình vận động và quyết tâm tổ chức Hội thảo; TLS cũng sơ bộ tóm tắt các nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo.
TLS đánh giá sự tham gia Hội thảo với các vai trò chủ trì tổ chức, đồng tổ chức, đồng bảo trợ của các cơ quan trung ương, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học danh tiếng, các tổ chức và doanh nghiệp lớn về kinh tế, truyền thông của hai bên, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến của khoảng 250 nhà chính trị-ngoại giao, nhà khoa học, nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế và doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như nhiều thành phần khác của hai bên thể hiện rõ sự quan tâm lớn và nhu cầu lớn đối với sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai bên về nghiên cứu và phát triển cũng như hợp tác kinh doanh nói chung và trong nông nghiệp nói riêng giữa hai nước hiện nay.
TLS nhận xét số lượng hơn 22 bài phát biểu, phát biểu dẫn đề và tham luận của các nhà chính trị-ngoại giao tâm huyết, nhà khoa học có uy tín, doanh nhân thành đạt, các chủ đề và nội dung tham luận, sự tương tác qua phần hỏi đáp và chat trong suốt quá trình Hội thảo không chỉ khẳng định các đánh giá trên mà còn thể hiện rõ được tầm vóc và chất lượng của Hội thảo.
Điểm cầu Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka. |
Chia sẻ ý kiến của các đại biểu, TLS bày tỏ tin tưởng với những tiềm năng, thế mạnh và lợi ích của mỗi bên cũng như các đề nghị nêu rõ qua các tham luận, phát biểu và nội dung thảo luận, Hội thảo sẽ mở ra những cơ hội mới, cách làm mới trong hợp tác giữa hai nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển hợp tác kinh doanh trên mọi lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch và các thách thức về biến đổi khí hậu hiện nay. TLS kêu gọi các đại biểu tham dự ủng hộ đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp về việc hai bên xây dựng cơ chế định kỳ tổ chức hoạt động theo mô hình Hội thảo này, trước mắt là nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao hai nước.
Nhân dịp này, TLS khẳng định TLSQ sẽ tiếp tục các nỗ lực của mình một cách tích cực, chủ động, trên cơ sở định hướng của mối quan hệ đối tác chiến lược đang ngày càng phát triển nhanh chóng cả về bề rộng và chiều sâu giữa hai nước, nhằm thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp cũng như trong các lĩnh vực khác một cách thiết thực, hiệu quả.
(*): Kyushu Economic Integration, gồm Cục METI Kyushu – cơ quan của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) tại Kyushu và Liên đoàn kinh tế Kyushu (Kyukeiren), tổ chức kinh tế lớn nhất, gồm khoảng trên 1.100 thành viên là các tập đoàn, công ty lớn, của khu vực tây nam Nhật Bản.
(**) Tờ báo hàng ngày lớn nhất của miền tây Nhật Bản, có số lượng phát hành lên đến 514.000 bản/mỗi sáng; ngoài ra, tờ báo cón nhiều ấn phẩm và các kênh truyền thanh, truyền hình khác.
(***): Giai đoạn I từ 2015-2019.