Tham gia hội thảo trực tuyến này tại Moscow có hàng chục chuyên gia, nhà sư phạm đại diện cho các nước thành viên thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Mục đích của hội thảo là tìm cách mở rộng giao tiếp ngôn ngữ và liên văn hóa giữa các dân tộc, thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ nhằm tăng cường hội nhập Á-Âu.
Quang cảnh buổi hội thảo trực tuyến. (Nguồn: TTXVN) |
Do đó, các chuyên gia đã tập trung thảo luận các vấn đề cụ thể như vai trò của ngôn ngữ mẹ đẻ đối với việc duy trì truyền thống và lịch sử của mỗi quốc gia, các biện pháp khuyến khích việc học ngôn ngữ mẹ đẻ, vai trò của giáo dục trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của các dân tộc Âu-Á, tạo môi trường ngôn ngữ giao tiếp thuận lợi trong bối cảnh hội nhập Á-Âu, vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của các dân tộc Á-Âu...
Tại Hội thảo, bà Tô Thị Tuyết Khanh, Đại diện của Học viện Ngân hàng Việt Nam tại Nga, cố vấn của Phó Tổng Thư ký thứ nhất Liên minh Đại hội đồng nhân dân Á-Âu đã trình bày tham luận tập trung vào vấn đề thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Việt và tiếng Nga tại các tổ chức giáo dục ở hai nước.
Bà Khanh cho rằng nước Nga có nền văn hóa vĩ đại, nơi sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn… của thế giới. Tiếng Nga được gần 260 triệu người dân trên hành tinh sử dụng và hơn 10 triệu người nước ngoài học tiếng Nga một cách thường xuyên.
Hợp tác giáo dục, đào tạo, trong đó có đào tạo ngôn ngữ giữa Việt Nam và Nga có lịch sử lâu dài và đạt nhiều kết quả. Hàng trăm nghìn sinh viên Việt Nam đã theo học tại các cơ sở giáo dục của Liên Xô/Liên bang Nga, và bằng kiến thức thu lượm được đã đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai dân tộc Việt-Nga.
Theo bà Khanh, thời gian qua, sinh viên Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc với các bạn bè Nga và quốc tế thông qua các hoạt động như triển lãm tranh ảnh, thời trang áo dài, đón mừng Tết Nguyên đán; các chương trình hợp tác văn hóa-nghệ thuật quy mô do các cơ quan Việt Nam phối hợp với các đối tác Nga thực hiện như Tuần phim Việt Nam, Ngày Văn hóa Việt Nam…
Bà Khanh bày tỏ hy vọng tiếng Việt sẽ được giảng dạy ở các trường phổ thông và đại học tại Nga như một ngoại ngữ tùy chọn dành cho các con em người Việt sinh ra và lớn lên tại Nga, con em của các gia đình Việt-Nga để giúp các em nâng cao khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ, trong bối cảnh sinh viên Nga cũng đang ngày càng quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.