Toàn cảnh Hội thảo xây dựng Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. (Ảnh: Nguyễn Việt) |
Sáng 8/9, Học viện Ngoại giao đã tổ chức hội thảo khoa học về xây dựng “Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các Bộ ngành, địa phương đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.
Đây là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 30 ngày 11/3/2022 và Chương trình công tác của Chính phủ năm 2022.
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu là các chuyên gia hàng đầu về đối ngoại và đào tạo, bồi dưỡng cả trong và ngoài nước, cùng đại diện các cơ quan bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh ba căn cứ quan trọng để Bộ Ngoại giao tiến hành xây dựng Đề án là: Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khóa XII, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như nhu cầu thực tế về phát triển đội ngũ cán bộ của các bộ, ngành, các địa phương đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn diện, sâu rộng của đất nước hiện nay.
Cho rằng Hội thảo là dịp quan trọng để Bộ Ngoại giao tham vấn, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ mục đích, phạm vi, đối tượng của Đề án, cùng với nội hàm của khái niệm “môi trường quốc tế”, “đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” cũng như các định hướng triển khai công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ để đạt được mục tiêu này.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Việt) |
Hội thảo đã nghe ý kiến đóng góp vừa toàn diện, vừa sâu sắc về các yêu cầu năng lực đối với cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế và các nhiệm vụ cần triển khai trong Đề án của các chuyên gia như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Đại sứ Đặng Đình Quý (Học viện Ngoại giao), Tiến sĩ Lại Đức Vượng (Bộ Nội vụ), Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa (Viện Khoa học tổ chức Trung ương thuộc Ban tổ chức Trung ương), các Đại sứ Phạm Quang Vinh, Đoàn Xuân Hưng, Nguyễn Thị Hoàng Anh, PGS.TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana), ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright), ông Vũ Tú Thành (Hội đồng tư vấn kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN).
Đại diện các cơ quan bộ, ngành, địa phương như Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Quốc phòng, Công Thương, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cũng đã gợi mở những định hướng quan trọng trong xây dựng và triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Các đại biểu chia sẻ các yêu cầu cơ bản cần có đối với cán bộ để làm việc trong môi trường quốc tế như bản lĩnh, phẩm chất chính trị; kiến thức chuyên môn cả về các vấn đề đối nội, đối ngoại; kỹ năng, phong cách và tư duy mang tầm quốc tế.
Các ý kiến đề nghị Đề án cần xác định rõ: Cơ sở lý luận và cách tiếp cận trong triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khung năng lực đối với cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế; kinh nghiệm trong phát triển nguồn nhân lực của từng bộ, ngành, địa phương; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp; định hướng và giải pháp trong xây dựng, tổ chức, thực hiện Đề án.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, chủ trì Hội thảo thay mặt ban soạn thảo đánh giá cao đóng góp của các đại biểu và khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến; mong các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp, đồng hành cùng Bộ Ngoại giao trong quá trình xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai Đề án cần sự tham gia, phối hợp đồng bộ, toàn diện của toàn hệ thống, với phân công, phân nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của mỗi cơ quan, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.