Quốc hội họp tại hội trường chiều ngày 23/6. |
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tin liên quan |
Sự quan tâm, kỳ vọng đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đối với Luật Đất đai (sửa đổi) |
Vào cuối phiên họp buổi sáng và đầu giờ phiên họp buổi chiều, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.
Sau phiên họp riêng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Trong phiên bế mạc Kỳ họp, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (trong đó quy định về: Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).
Cuối phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp.
* Ngày 23/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về hai dự án Luật là: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các đại biểu nêu thực tiễn về tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, tại các địa phương trên toàn quốc, tình hình vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự ngày càng phức tạp. Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng vẫn diễn ra, điển hình như các vụ việc xảy ra tại một số tỉnh (ở các trường bắn) như tại Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Hành vi xâm phạm, phá hủy công trình quốc phòng và khu quân sự như đập phá công trình lô cốt cũ, mốc khống chế pháo binh, mốc đất quốc phòng... để lấy sắt thép vẫn diễn ra ở một số địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, hiện còn hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn bộ dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân nhận thấy chưa có quy định chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm này.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung chế tài xử lý đối với vi phạm, đồng thời cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao sử dụng đất, công trình quốc phòng và khu quân sự.
Về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh; đảm bảo vận hành các quan hệ về kinh doanh bất động sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, thực tiễn thị trường bất động sản luôn rình rập tình trạng "sốt nóng" hay "đóng băng", ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Nếu chính sách của Nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu thì có thể ảnh hưởng đến tài chính, kinh tế và cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế. Vì thế, việc xây dựng chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản là rất quan trọng.
Theo đại biểu, cử tri mong muốn sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để xóa bỏ được tư duy "không buôn gì lãi bằng buôn đất" và làm sao để người nghèo không nghèo hơn vì bất động sản, làm sao để thế hệ sau không vô vọng với ước mơ có được căn nhà của mình.
Để luật hóa cụ thể các chính sách của Nhà nước đối với thị trường này, đại biểu chỉ rõ, phải đảm bảo 4 yếu tố. Đó là tính ổn định của chính sách; thị trường bất động sản có chu kỳ rất dài, dự án cũng rất dài nên tính ổn định chính sách rất quan trọng.
Bên cạnh đó, tạo sự thuận lợi, thông thoáng và tạo động lực để sau khi sửa luật, các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản. Đây là điều rất quan trọng trong chính sách điều tiết của Nhà nước.
Ngoài ra, phải điều tiết lại cơ cấu phân khúc nhà ở, hiện nay phân khúc nhà ở cao cấp đang được đầu tư quá nhiều và "cục máu đông" cũng đang nằm ở đây. Trong khi đó, nhu cầu rất lớn về nhà ở công nhân thì lại không được định hướng, không điều tiết dòng vốn đầu tư vào đây.
Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời, chủ động với tình trạng "nóng - lạnh" của thị trường bất động sản.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại hội trường. |
* Trong ngày làm việc, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024; gồm 10 chương, 96 điều, quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Liên quan đến quy định đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế và một số đại biểu Quốc hội làm việc trong ngành Y tế về những nội dung tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến lĩnh vực y tế.
Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) nêu rõ: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
| Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Nga Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội Việt Nam ủng hộ quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng giữa ngành Tư pháp hai ... |
| Sự quan tâm, kỳ vọng đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đối với Luật Đất đai (sửa đổi) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành trọn ngày 21/6 để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). |
| Dự án Luật Căn cước: Đại biểu Quốc hội đề xuất không bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 22/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước. |
| Quốc hội hôm nay (23/6) biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Quốc hội hôm nay (23/6) biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu ... |
| Hợp tác Quốc hội Việt Nam-Hàn Quốc luôn đóng vai trò quan trọng và đạt nhiều kết quả tích cực Vui mừng trước những bước phát triển mới trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ... |