TIN LIÊN QUAN | |
Thúc đẩy triển khai hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản | |
Đề nghị Mitsubishi mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, giao thông |
Ngày 18/4, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Ngoại giao, UBND TP. Cần Thơ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, cùng các Cơ quan đại diện của Nhật Bản và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy/Hội đồng nhân dân/Ủy ban nhân dân cùng các Sở/ngành, doanh nghiệp của các tỉnh/thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm 13 địa phương Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long), cùng đại diện doanh nghiệp của các tỉnh/thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về phía Nhật Bản có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh Kawaue Junichi, lãnh đạo các cơ quan kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, du lịch, các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 170 doanh nghiệp Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, hiện Chính phủ Việt Nam đặt kỳ vọng rất nhiều vào tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng rất lo ngại trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu đối với khu vực này.
Để khai thác một cách hiệu quả hơn nữa lợi thế, đồng thời có đối sách phù hợp với biến đổi khí hậu, bên cạnh những nỗ lực của mình, Việt Nam mong muốn hợp tác và học hỏi với bạn bè và đối tác quốc tế, trong đó Nhật Bản là người bạn thân thiết và đối tác quan trọng.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt - Nhật, quan hệ giữa các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương của Nhật Bản trong năm qua có những bước tiến đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Chính vì vậy, nguyên Chủ tịch nước tin rằng, với khả năng bổ sung tốt cho nhau, hai bên sẽ còn nhiều cơ hội để hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, hợp tác nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Chính phủ Việt Nam và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các địa phương, nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục mở rộng, quan hệ giao lưu hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi tại khu vực này. Nguyên Chủ tịch nước cũng kêu gọi các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tích cực hơn nữa, đổi mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để giới thiệu tốt hơn về tiềm năng hợp tác, kinh doanh tại địa phương mình cho các đối tác Nhật Bản. Đồng thời tìm hiểu để đáp ứng tốt hơn nữa mong muốn của các đối tác, các nhà đầu tư Nhật Bản.
Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” lần này do Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Cần Thơ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tạo điều kiện thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các đối tác Nhật Bản. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản trong năm 2018.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio trao đổi trước Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chia sẻ quan điểm với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội tuyệt vời để các đại biểu hai bên kết nối, thảo luận, trao đổi và thống nhất các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các đối tác Nhật Bản, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của cả hai bên.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, nhiều năm qua, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào khu vực, tuy nhiên, lượng thông tin chính thống cần thiết về khu vực này với Nhật Bản còn khá ít. Chính vì vậy, Chủ tịch Võ Thành Thống tin rằng, Hội nghị sẽ là dịp để các địa phương tại khu vực có thể tìm thấy được tiếng nói chung với các doanh nghiêp Nhật Bản, cũng như là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng để phát triển lâu dài.
Tại Hội nghị hôm nay, hai bên sẽ thảo luận các vấn đề về hạ tầng giao thông, y tế, biến đổi khí hậu, giao lưu văn hóa, giáo dục và hợp tác nguồn nhân lực, kinh tế nông nghiệp. Đại diện Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mong muốn, thông qua trao đổi, hai bên sẽ ra nhiều sáng kiến để hợp tác phát triển, hợp tác tích cực và hoàn thiện hơn nữa.
Cần Thơ cam kết cùng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng Lãnh sứ quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhân dân, văn hóa, kinh tế nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án đã đang và sẽ ký kết. Với vai trò và vị trí như chiếc cầu Cần Thơ, một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Cần Thơ sẽ tiếp tục là cầu nối với Nhật Bản và các địa phương khu vực trong tiến trình hợp tác và phát triển trong thời gian tới.
Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đại diện cho phía Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nhận định, mối quan hệ Nhật - Việt hiện nay đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh này, người dân hai nước đều cảm nhận “sự thân thiết” và hai nước đang cùng chia sẽ nhiều “lợi ích chiến lược”, trong đó “sự tin cậy” mà lãnh đạo chính phủ hai nước đã dày công vun đắp trong suốt thời gian dài là điểm quan trọng nhất.
Cũng trong nhiều năm qua, giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng ngày càng mở rộng một cách chắc chắn và sâu sắc hơn. Hợp tác phát triển hai nước ngày càng phát triển và mở rộng. Theo khảo sát gần đây nhất của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), mong muốn đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục ở mức cao và có rât nhiều khách du lịch quan tâm đến Việt Nam. Sự quan tâm đó đang được hướng về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đại sứ Umeda Kunio cho rằng việc tổ chức Hội nghị lần này là rất đúng thời điểm nhìn từ quan điểm nhằm thu hút các doanh nghiệp và khách du lịch Nhật Bản.
Tại phiên khai mạc, đã diễn ra lễ ký kết giữa Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao Việt Nam) và Vietnam Airlines, Jetstar; Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang và Công ty Hagihara (Nhật Bản); Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang và Công ty Daimassa Engineering; Hội Hữu nghị Việt Na - Nhật Bản thành phố Cần Thơ và Hội Hữu nghị Sakai - Việt Nam.
Nhân dịp này, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn đã trao Huân chương Hữu nghị cho ông Kato Hitoshi, Chủ tịch Hội Hữu nghị Sakai - Việt Nam vì những đóng góp của ông với Hội góp phần tăng cường quan hệ hai nước Việt - Nhật.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận về hợp tác phát triển trong lĩnh vực Hạ tầng giao thông, Y tế và Biến đổi khí hậu; Hợp tác địa phương trong lĩnh vực Giao lưu Văn hóa - Du lịch và Giáo dục - Đào tạo - Hợp tác nguồn nhân lực; Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mong muốn Nhật Bản duy trì vị trí nước đầu tư số 1 tại Việt Nam Nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng OECD về Chương trình Đông Nam Á, chiều ngày 9/3/2018 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật ... |
Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật đang phát triển mạnh mẽ “Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Tiềm năng phát triển ... |
Việt Nam - Nhật Bản sớm hoàn tất đàm phán, ký kết CPTPP Ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai Thủ tướng nhất trí, tiếp ... |