📞

Hong Kong: Cái sảy nảy cái ung

Dịch Dung 16:09 | 05/08/2019
TGVN. Hong Kong tiếp tục chứng kiến cảnh hỗn độn của biểu tình và phản kháng. Chuyện gì đang diễn ra tại Hong Kong và kế sách nào đang được dùng để vãn hồi an ninh, trật tự tại đây? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Vấn đề khác trước hoàn toàn khi cuộc đối đầu không còn chỉ là giữa người biểu tình với chính quyền Hong Kong mà còn là giữa họ với Trung Quốc. Biếm họa của Patrick Blower. (Nguồn: Twitter)

Tình trạng biểu tình phản đối, hỗn loạn và bạo lực trên nhiều tuyến đường phố của Hong Kong lần này khởi đầu từ sự bất bình của người dân về ý định của chính quyền thông qua bộ luật dẫn độ tội phạm từ bên ngoài đến trốn truy nã ở Hong Kong. Chính quyền Hong Kong về cơ bản đã đáp ứng hoàn toàn mọi yêu cầu của người biểu tình phản đối mà chuyện biểu tình phản đối này vẫn chưa chấm dứt.

Thế kẹt ở Hong Kong

Cho nên có thể thấy, mục tiêu nhằm tới của những người biểu tình ở Hong Kong bây giờ không còn liên quan gì đến bộ luật kia nữa mà trực tiếp là toàn bộ quan điểm chính sách của chính quyền đặc khu hành chính này và gián tiếp là Trung Quốc. Câu chuyện này hiện nay trở nên tai hại hơn trước rất nhiều, thậm chí còn có thể nguy hiểm nữa đối với chính quyền Hong Kong và Trung Quốc.

Cho tới thời điểm hiện tại, những người biểu tình đã phớt lờ mọi lời kêu gọi của chính quyền Hong Kong về chấm dứt biểu tình phản đối để vãn hồi an ninh và trật tự cũng như không đình công để hoạt động và cuộc sống của đặc khu hành chính này không bị ảnh hưởng. Cảnh sát Hong Kong đã bắt đầu dùng đến những biện pháp đối phó mạnh tay. Khả năng quân đội Trung Quốc được sử dụng để lập lại trật tự, an ninh và kỷ cương xã hội đã được bên ngoài đề cập đến.

Theo luật cơ bản cho đặc khu hành chính này, quân đội Trung Quốc - hiện có từ 6.000 đến 8.000 binh lính - đồn trú ở Hong Kong không can thiệp vào chuyện của đặc khu này, nhưng chính quyền Hong Kong có thể yêu cầu quân đội Trung Quốc đảm trách công việc nói trên khi thấy cần thiết. Hiện tại, chính quyền Hong Kong cho biết không có ý định này. Dù vậy, trên lý thuyết và về pháp lý, việc ấy có thể xảy ra và những người biểu tình đều biết chứ không phải không biết.

Chính quyền Hong Kong và Trung Quốc hiện khó xử cũng chính vì thế. Bản chất vấn đề đã trở nên khác trước hoàn toàn khi cuộc đối đầu không còn chỉ là giữa những người biểu tình phản đối với chính quyền Hong Kong mà còn là giữa họ với Trung Quốc, khi cuộc khủng hoảng chính trị an ninh và ổn định xã hội ở Hong Kong đã biến dạng, trở thành thách thức thật sự đối với mô hình "Một nhà nước, hai chế độ" của Trung Quốc ở Hong Kong. Nếu chủ ý khi trước của chính quyền Hong Kong với bộ luật dẫn độ kia chỉ là cái sảy thì thực trạng hiện tại ở đặc khu này đã thành cái ung rồi. Một tiểu sự đã trở thành đại sự ở Hong Kong đối với chính quyền Hong Kong và Trung Quốc.

Ba điều lo ngại

Chính quyền Hong Kong và Trung Quốc không thể không lo ngại sâu sắc trên ba phương diện.

Thứ nhất là từ nay, những lực lượng ở Hong Kong chủ trương xứ này độc lập chứ không phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ duy trì và tăng cường hình thức đấu tranh là biểu tình phản đối rầm rộ, cả quyết liệt và bạo lực nữa, như thời gian vừa qua để biến xứ này thành điểm nóng về chính trị thời sự khu vực, châu lục và thế giới. Hong Kong càng bất an và bất ổn, càng hỗn độn và bạo lực thì càng dễ trở thành cớ và dịp để không ít lực lượng bên ngoài can dự trực tiếp cũng như can thiệp gián tiếp để gây khó cho Trung Quốc, biến chuyện ở Hong Kong không còn là chuyện riêng của chính quyền Hong Kong và của Trung Quốc.

Thứ hai là phe biểu tình phản đối chính quyền ở Hong Kong nhận được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp dân cư và bộ phận khác trong xã hội Hong Kong. Nếu chiều hướng này cứ tiếp tục thì rồi đây, những hoạt động biểu tình phản đối này sẽ không chỉ tiếp tục mà còn gia tăng cả về quy mô và mức độ quyết liệt. Tiền lệ từ việc buộc chính quyền Hong Kong phải từ bỏ ý định thông qua luật dẫn độ rồi sẽ nhanh chóng trở thành thông lệ.

Thứ ba là rồi mọi cuộc biểu tình phản đối chính quyền ở Hong Kong cũng sẽ đồng thời là cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.

"Hạ hoả trước, triệt hoả sau"

Nếu chính quyền Hong Kong và Trung Quốc không có đối sách thích hợp và kịp thời cũng như không nhanh chóng xử lý dứt điểm và ổn thoả chuyện hiện tại ở Hong Kong thì rồi đây sẽ có thêm cái sảy khác nảy cái ung khác, chuyện nọ sẽ xọ sang chuyện kia và nút rối càng thêm khó gỡ, vấn đề càng thêm khó giải quyết, an ninh chính trị, trật tự và ổn định xã hội ở Hong Kong càng thêm khó được đảm bảo bền vững và mô hình giải pháp "Một nhà nước, hai chế độ" của Trung Quốc càng thêm khó được thực hiện thành công.

Dùng uy lực của cảnh sát hay quân đội để đối phó là biện pháp thuộc quyền của chính quyền Hong Kong và Trung Quốc nhưng sẽ là quyết sách không thể dễ dàng được quyết định và chắc chỉ có thể là biện pháp bất đắc dĩ với tác động và hệ luỵ đối nội cũng như đối ngoại thật khó lường. Cách đối phó của chính quyền Hong Kong và Trung Quốc hiện tại là "mềm trước, rắn sau", "hạ hoả trước, triệt hoả sau" và mập mờ khả năng Trung Quốc ra tay mạnh để cảnh báo và răn đe phe chống đối chính quyền ở Hong Kong.

Nhưng đấy chỉ có thể là đối sách tình thế cho trước mắt và tương lai gần. Chính quyền Hong Kong và Trung Quốc qua chuyện lần này chắc không còn có thể trì hoãn được nữa việc cải cách luật pháp và hành chính ở Hong Kong, điều chỉnh mối quan hệ giữa đặc khu hành chính và Trung Quốc lục địa trên nhiều phương diện cũng như thích ứng hoá mô hình "Một nhà nước, hai chế độ" vào bối cảnh tình hình mới ở Hong Kong và trên cơ sở kết quả thực hiện đã đạt được trong hơn 22 năm qua.

Dịch Dung