Ngày 2/11/2013, lần đầu tiên Nhật Bản và Nga tổ chức đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao. |
Từ sau Thế chiến 2, quan hệ giữa Nga và Nhật Bản luôn tồn tại rất nhiều trở ngại mà một trong những nguyên nhân lớn nhất đến từ việc tranh chấp lãnh thổ tại vùng đảo Nam Kurin theo cách gọi của Nga, còn phía Nhật Bản gọi là lãnh thổ phương Bắc.
Vẫn trong màn đêm
Về lý thuyết, Nga và Nhật Bản chưa chấm dứt trạng thái đối đầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai vì hai nước chưa kí kết Hiệp định hòa bình. Như một phần của thỏa thuận Potsdam giữa Mỹ và Liên Xô về việc phân chia ảnh hưởng thế giới sau chiến tranh và điều kiện để quân đội Liên Xô tham chiến ở Viễn Đông, Liên Xô đã đưa quân chiếm giữ các đảo Nam Kurin này ngay sau chiến tranh và giữ nguyên trạng cho đến ngày nay.
Phía Nhật Bản cho rằng sau khi chiến tranh kết thúc Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay cần trao trả lại toàn bộ vùng đảo này vì Nhật Bản có chủ quyền lâu đời tại đây. Về phần mình, Nga đã từng đề xuất trả lại Nhật hai đảo Shikotan và Habomay để ký kết Hiệp định hòa bình song phía Nhật vẫn kiên quyết đòi cả 4 đảo và đây là một trong những nguyên nhân khiến vấn đề Kurin rơi vào bế tắc.
Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe vốn là những người rất cứng rắn trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nhưng những động thái mới của hai nhà lãnh đạo này từ cuối năm 2012 và trong hai lần gặp gỡ cấp cao tại Moscow và St Petersburg trong năm 2013 đã giúp tháo gỡ dần những bế tắc. Phát biểu trong cuộc gặp cấp cao của Thủ tướng Abe tới Moscow hồi tháng 4/2013, Tổng thống Putin đã thể hiện rõ thiện chí của cả hai nước: "Vấn đề lãnh thổ là do lịch sử để lại và chúng ta thành thực muốn giải quyết vấn đề này theo những điều kiện được cả hai bên chấp thuận".
Đây là điểm khởi đầu quan trọng cho việc hình thành cơ chế đối thoại 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước hôm 2/11/2013 và là bước tiến đột phá trong quan hệ hợp tác Nga-Nhật. Đáng lưu ý, từ trước đến nay Nhật Bản mới chỉ thiết lập cơ chế hợp tác 2+2 với 2 đồng minh thân cận của mình là Mỹ vàAustralia, còn đối với Nga đây là lần đầu tiên họ thiết lập cơ chế này.
Bình minh đã hé lộ
Trong khuôn khổ hợp tác 2+2, Nga và Nhật Bản không chỉ bàn về tranh chấp lãnh thổ mà còn đề cập đến nhiều vấn đề khác. Về hợp tác quốc phòng, hai nước thống nhất tổ chức tập trận chung, tập huấn chống cướp biển và hình thành cơ chế tham vấn quốc phòng, bao gồm vấn đề an ninh mạng. Về hợp tác thương mại, hai nước cũng đã thống nhất sẽ thiết lập khuôn khổ hợp tác về phát triển nguồn năng lượng, đặc biệt là khai thác khí ga tự nhiên hóa lỏng.
Việc chuyển thái độ của Tokyo và Moscow trong bối cảnh hiện nay cho thấy những xu thế lớn của khu vực và cả những tính toán chiến lược của hai nước. Thứ nhất, những thay đổi này thể hiện xu thế hợp tác giữa các nước lớn đang ngày càng phát triển. Bên cạnh mối quan hệ Mỹ- Trung đang phát triển khá tích cực thì các cặp quan hệ giữa các nước lớn khác như Nga-Mỹ, Ấn Độ-Trung Quốc, Ấn Độ-Nga cũng đang cải thiện. Thứ hai, sự hợp tác này thể hiện xu hướng hòa dịu, mong muốn giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng hòa bình, kiềm chế xung đột và căng thẳng tại khu vực. Đồng thời, những tín hiệu tích cực đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác 2+2 Nga-Nhật đang cho thấy đây có thể là hình mẫu cho các nước trong khu vực học hỏi về cách giải quyết và làm hạ nhiệt các tranh chấp lãnh thổ khác tại khu vực.
Tuy nhiên, khi lập cơ chế đối thoại này, cả Nga và Nhật đều có các tính toán riêng. Đối với Nga, bên cạnh những tính toán chiến lược để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy trong tương lai, trước mắt Nga cũng cần cải thiện quan hệ với Nhật Bản để mở ra một thị trường năng lượng về lâu dài và đa dạng hóa đối tác trong các dự án phát triển Siberia và Viễn Đông, giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nga cũng cần công nghệ và các phương thức quản lí tiên tiến của Nhật Bản để nhằm chấn hưng nền kinh tế chưa tương xứng với vị thế của mình.
Đối với Nhật Bản, quốc gia này cần tạo ra mối quan hệ đan xen lợi ích với Nga trên nhiều mặt nhằm giảm sức ép lên vành đai an ninh xung quanh, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc đang gặp nhiều vướng mắc, còn nguy cơ bất ổn từ Triều Tiên vẫn đang treo lơ lửng. Hợp tác 2+2 Nga-Nhật còn thể hiện rõ nét quyết tâm trở thành "cường quốc bình thường" của Nhật Bản trong quan hệ quốc tế. Điều này được thể hiện qua phát biểu của Ngoại trưởng Nga Lavrov rằng cả Nga và Nhật Bản đã thảo luận về các điểm nóng Syria, Iran, Afghanistan và hàng loạt các vấn đề quốc tế khác.
Tuy nhiên bước khởi đầu này cũng chưa hoàn toàn "xuôi chèo, mát mái"vì ngay sau cuộc gặp đã có thông tin từ một số báo của Nhật rằng hai nước đã hợp tác để "đối phó với nguy cơ Trung Quốc"- một điều đã bị phía Nga ngay lập tức bác bỏ. Dẫu sao, như nhận định của Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida, "những bước tiến lớn đã đạt được là khởi đầu thuận lợi cho một trang sử mới giữa quan hệ Nga và Nhật Bản".
Nguyễn Vinh Hiển