Trưởng đoàn các nước dự Lễ kỷ niệm 50 năm Hội nghị Bandung vào ngày 24/4/2005. Trước đó, Hội nghị Cấp cao Á-Phi đã họp tại Jakarta từ 22-23/4. |
Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh những năm 1950 đang ở giai đoạn gay cấn, các quốc gia mới giành độc lập đã nỗ lực tìm kiếm cơ sở chung để hợp tác trong tương lai, tuyên bố chống lại chủ nghĩa thực dân, cam kết đứng trung lập giữa hai khối Đông - Tây và tăng cường tiếng nói của mỗi nước thành viên dựa vào tình đoàn kết vì độc lập dân tộc và hòa bình thế giới.
Cơ sở chung cho hợp tác tương lai
Tham dự Hội nghị Bangdung năm 1955 gồm các chính phủ của 29 nước Á-Phi, trong đó có 23 nước châu Á (Afghanistan, Miến Điện, Ấn Độ, Indonesia, Jordan, Iran, Iraq, Yemen, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Syria, Lebanon, Nepal, Pakistan, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sáu nước châu Phi (Ai Cập, Ghana, Ethiopia, Liberia, Libya và Sudan). Những đề tài chính được thảo luận tại Bandung là hoà bình thế giới, an ninh của các nước Á - Phi, cùng tồn tại hoà bình và láng giềng thân thiện, giải phóng các dân tộc Á - Phi khỏi ách thống trị thực dân và phân biệt chủng tộc...
Kết quả, Hội nghị đã đưa ra mười nguyên tắc Bangdung, làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở hai châu lục, trong đó có các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế…
Hội nghị đã trở thành động lực dẫn đến những biến đổi to lớn trong cục diện chính trị quốc tế với việc hàng loạt nước giành độc lập ở châu Á và châu Phi, khởi đầu cho quá trình hợp tác Á - Phi và đặc biệt là tiền đề cho việc thành lập Phong trào Không liên kết sau này.
Mặc dù hết sức đa dạng về văn hoá tín ngưỡng, về chế độ chính trị- xã hội, về lợi ích dân tộc, nhưng các nước thành viên của phong trào Không liên kết dự Hội nghị Bangdung ngày đó có nhiều đặc điểm giống nhau: đều đã bị thực dân đô hộ, kinh tế kém phát triển, cùng chung nguyện vọng muốn có hoà bình ổn định để xây dựng đất nước, thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Phong trào Không liên kết ra đời và phát triển đã có tiếng nói tích cực vào quan hệ quốc tế kể cả trước và sau Chiến tranh Lạnh, giữ vai trò là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của các nước Không liên kết và đang phát triển trong quan hệ quốc tế, tham gia tích cực vào các nỗ lực gìn giữ hoà bình, đấu tranh giải trừ quân bị, chống áp đặt, bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng trật tự thế giới mới, cải tổ và dân chủ hoá các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc.
Tình hình mới, nhu cầu mới
Sáu mươi năm sau Hội nghị Bangdung, thế giới đã có nhiều thay đổi. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xu hướng chính trị cường quyền và tính bất ổn trong tình hình thế giới, khu vực có dấu hiệu gia tăng, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt. Khu vực Trung Đông và châu Phi tiếp tục là điểm nóng với nhiều xung đột lan rộng, các hoạt động khủng bố cực đoan diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Tại Đông Âu, vấn đề Ukraine làm tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây. Tại châu Á, hòa bình và hợp tác là xu thế chủ đạo nhưng nhiều thách thức vẫn tiềm ẩn.
Tình hình hiện nay cho thấy các nước đang phát triển tiếp tục đứng trước nguy cơ can thiệp và áp đặt có hại cho độc lập chủ quyền và quyền lợi của mình. Do vậy các nước này tiếp tục có nhu cầu tham gia vào Phong trào để có một diễn đàn phối hợp với nhau, góp phần bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và phát triển của mình, chống sự áp đặt của các nước lớn và chống sự bất bình đẳng trong quan hệ Bắc-Nam, để phối hợp lập trường chung tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác.
Trong khi các nước Á - Phi đang ưu tiên vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết khu vực và liên khu vực thì thời gian qua, hợp tác Á - Phi chưa phát huy hết tiềm năng và đem lại được nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho các nước ở hai châu lục. Hiện nay đang có một số cơ chế hợp tác Á - Phi như Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD), diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi, Hợp tác Ấn Độ - châu Phi, Diễn đàn Việt Nam - châu Phi… nhưng chưa có các cơ chế liên châu lục giống như ASEM, APEC…
Chính vì thế, ngay từ đầu năm nay, với thông báo Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 diễn ra tại Jakarta từ ngày 22-23/4 và lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bangdung 1955, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định nước này sẽ làm sống lại tinh thần hợp tác của Hội nghị Á - Phi. Hội nghị sẽ có chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam - Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới”. Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh đoàn kết và hợp tác là cần thiết vì lợi ích của sự thống nhất của thế giới.
Việt Nam và hợp tác Á-Phi
Năm 1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bangdung. Tại Hội nghị, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Phong trào Không liên kết.
Từ khi tham gia Phong trào Không liên kết (năm 1976 tại HNCC lần năm ở Sri Lanka), Việt Nam đã tham dự tất cả các hội nghị cấp cao và hội nghị ngoại trưởng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực tăng cường đoàn kết đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2005 và Lễ kỷ niệm 50 năm Hội nghị Bangdung 1955. Tại Hội nghị này, đoàn ta đã tích cực tham gia các hoạt động và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng khuôn khổ hợp tác mới Á - Phi, đưa ra được nhiều khuyến nghị hợp tác cụ thể (mô hình hợp tác ba bên, diễn đàn Việt Nam - châu Phi)…, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và phát triển với các nước Á - Phi.
Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 52/55 nước châu Phi, đã đón nhiều đoàn nguyên thủ châu Phi thăm Việt Nam (Mozambique, Benin, Namibia, Ruwanda, Tanzania…) và là nước ASEAN duy nhất có cơ chế Hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi, đến nay đã tổ chức hội thảo hai lần, được các nước châu Phi đánh giá hợp tác Việt Nam - châu Phi là điển hình của hợp tác Nam - Nam.
Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - châu Phi phát triển khá tích cực. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với cả 55 nước châu Phi, nâng kim ngạch thương mại từ dưới 500 triệu USD (2005) lên khoảng 4,3 tỷ USD (2013). Hiện ta có các dự án đầu tư tại nhiều nước châu Phi như Algeria, Morocco, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania, Angola…. với tổng số vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Việt Nam cũng đã cử hàng nghìn lượt chuyên gia nông nghiệp, y tế, giáo dục sang làm việc tại các nước châu Phi theo các thỏa thuận song phương và đa phương.
Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia của mình vào hợp tác Á - Phi và Phong trào Không liên kết, coi đó là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ. Với những thành tựu đáng kể trong công cuộc đổi mới của mình, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển chung của các nước đang phát triển.
Phương Nguyên
Mười nguyên tắc Bangdung Tôn trọng những quyền cơ bản của con người và tôn chỉ mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc. Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Công nhận bình đẳng của tất cả các dân tộc và bình đẳng của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Không can thiệp hoặc dính líu vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Tôn trọng quyền tự vệ đơn lẻ hoặc tập thể của từng quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Không sử dụng các tổ chức phòng thủ tập thể khu vực để phục vụ cho lợi ích riêng của bất kỳ cường quốc nào. Không quốc gia nào được gây sức ép lên quốc gia khác. Không có hành động xâm lược hoặc đe dọa xâm lược hoặc sử dụng vũ lực đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Giải quyết mọi xung đột quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, như đàm phán, hòa giải, phân xử hoặc giải quyết bằng pháp luật cũng như các biện pháp hòa bình khác do các bên lựa chọn, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Thúc đẩy lợi ích của nhau và hợp tác giữa các bên. Tôn trọng công lý và nghĩa vụ quốc tế. |