Đó là nhận định chung của các đại biểu là khi tham dự Hội thảo trực tuyến về “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới”.
Sự kiện do Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức chiều 26/8, tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu khách mời. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Cơ hội, tiềm năng là rất lớn
Hội thảo nhằm trao đổi về xu hướng, chính sách đầu tư ra nước ngoài của các nước Trung Đông, tiềm năng thị trường Việt Nam, để qua đó đề xuất các biện pháp, cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và khu vực.
Hội thảo được chia thành 2 phiên chính với nội dung: Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Trung Đông và tiềm năng thị trường Việt Nam; Cách tiếp cận mới trong tăng cường thu hút đầu tư từ khu vực Trung Đông.
Tại Hội thảo, các diễn giả trình bày và bàn thảo về các vấn đề như: Chính sách đầu tư ra nước ngoài của một số nước Trung Đông và các Quỹ đầu tư khu vực; Xu hướng thay đổi đầu tư gián tiếp nước ngoài của khu vực Trung Đông; Tiềm năng thị trường Việt Nam: cơ hội đối với các nhà đầu tư khu vực; Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 ; Đầu tư của một số nước Trung Đông vào Việt Nam: Kinh nghiệm và triển vọng; Hợp tác nhiều bên trong đẩy mạnh thu hút đầu tư Trung Đông vào Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, các đại biểu đều nhất trí cho rằng Trung Đông là một thị trường lớn, tiềm năng, không chỉ về dầu khí mà còn về nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ với nhiều Quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước Trung Đông tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế và có xu hướng đầu tư ra nước ngoài theo hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững gắn với chuyển đổi số, ưu tiên các lĩnh vực như du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản xanh, tài chính, năng lượng sạch (điện mặt trời, hydro xanh…), công nghệ tiên tiến, nông nghiệp thông minh…
Các đại biểu khẳng định Việt Nam có nhiều thế mạnh và tiềm năng trong thu hút đầu tư nước ngoài như vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ vào Đông Nam Á với thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân. Việt Nam luôn duy trì ổn định chính trị-xã hội, sự phát triển kinh tế năng động và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong 5 năm qua.
Ngoài ra, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với việc tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP,… môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ theo hướng minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn là một “con rồng đang lên” bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19.
Do vậy, hai bên đều có cơ hội, tiềm năng và điều quan trọng là cần phải tìm ra hướng đi phù hợp để biến những tiềm năng đó thành những dự án đầu tư thực chất, nâng cao kim ngạch thương mại, thu hút vốn đầu tư và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Hiện nay, có 9/15 quốc gia Trung Đông, trong đó có tất cả các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam trong khu vực, đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Việt Nam và các quốc gia Trung Đông có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, có nhiều tiềm năng có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác kinh tế. Đây là những tiền đề thuận lợi giúp cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên trong những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, theo thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quốc gia Trung Đông có 135 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn trên 900 triệu USD.
Tuy nhiên, số liệu thực tế có thể lớn hơn nhiều lần. Thông qua hình thức góp vốn với bên thứ ba, một số nhà đầu tư Trung Đông đã tham gia nhiều dự án lớn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế tại các địa phương Việt Nam như Nam Định, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp Trung Đông thông qua các quỹ đầu tư, doanh nghiệp của các nước Anh, Mỹ… tích cực đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, du lịch.
Tận dụng cơ hội, hợp tác hiệu quả
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí, thời gian qua quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả với nhiều kết quả tích cực, song chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác hai bên, nhất là về đầu tư.
Khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư Trung Đông vào Việt Nam chủ yếu là do thiếu thông tin về thị trường, tập quán kinh doanh giữa hai bên cũng như hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và một số nước khu vực.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Đồng thời, do tác động của Covid 19, nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư giữa hai bên còn gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông là rất lớn và bổ trợ cho nhau.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Trung Đông, nhiều đại biểu đề xuất Trung Đông và Việt Nam cần có cách tiếp cận mới, linh hoạt, thực chất và hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, với tinh thần ngoại giao phục vụ kinh tế, và thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành trung ương và địa phương hỗ trợ tích cực và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tăng cường hợp tác đầu tư hiệu quả và thực chất giữa Việt Nam và Trung Đông.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số hướng đi quan trọng như: Kết nối doanh nghiệp và địa phương Việt Nam với các quỹ đầu tư Trung Đông, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Đông mở rộng nhập khẩu hàng Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các chuỗi cung ứng tại Trung Đông, và tiếp tục nghiên cứu, tạo thuận lợi cho các mô hình hợp tác đầu tư nhiều bên.
Trao đổi với TG&VN về ý nghĩa, kết quả của Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Hội thảo không chỉ làm rõ tiềm năng, thách thức mà còn gợi mở hướng đi mới, đột phá trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước Trung Đông theo hướng chú trọng hơn đến các khoản đầu tư gián tiếp, hợp tác đầu tư nhiều bên với sự tham gia liên doanh giữa một quốc gia có trình độ quản lý và khoa học công nghệ và các đối tác góp vốn.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: “Đây là cách tiếp cận có chọn lọc, ưu tiên các khoản đầu tư chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Hội thảo được tổ chức hoàn toàn theo hình thức trực tuyến, tận dụng tối đa các giải pháp về công nghệ thông tin. Đây là cách làm phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh đảm bảo tuyệt đối an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đang là ưu tiên cao nhất của Chính phủ hiện nay”.
Ông Ali Alsayegh ở Kuwait, Chủ tịch Công ty quốc tế về Triển lãm và Hội thảo Lemonade (Kuwait), Chủ tịch Công ty xuất nhập khẩu International Gate (chi nhánh ở Việt Nam): "Tôi cho rằng Hội thảo “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới” đã làm được một điều quan trọng là truyền tải được thông điệp tới các nhà đầu tư Trung Đông rằng Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận những dòng vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt là từ Trung Đông cho dù tình hình dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu. Điều đáng tiếc nhất là Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Covid-19 đang phức tạp, điều này đang khiến nhiều nhà đầu tư tại Trung Đông chưa sẵn sàng đầu tư ngay tại thời điểm này, cũng như các biện pháp hạn chế đi lại cũng đang tạo ra những rào cản nhất định cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Hội thảo cùng với các chuyên gia trong khu vực đã khẳng định Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng và thú vị cho các nhà đầu tư Trung Đông trên mọi lĩnh vực kinh tế. Tôi hy vọng, Hội thảo lần này sẽ là bước đệm để Việt Nam có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn từ Trung Đông khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong tương lai". |
“Sáng kiến tổ chức Hội thảo trực tuyến về “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam – Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới” do Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức là một sáng kiến rất đáng hoan nghênh và thực sự cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát tốt dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, hội nhập ngày càng sâu, rộng, ttrong đó, ngoại giao kinh tế ngày càng có vai trò quan trọng. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh hết sức đặc biệt và khó khăn khi thế giới và cả Việt Nam đang nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19. Hội nghị với sự tham gia của đông đảo cơ quan ngoại giao, hợp tác kinh tế, các bộ, ngành và địa phương liên quan và doanh nghiệp Việt Nam, các nước Trung Đông đã thực sự mở ra cơ hội quý giá cho doanh nghiệp 2 bên tìm hiểu và thấu hiểu nhu cầu đầu tư, hợp tác kinh doanh của nhau, tiến tới có những thương vụ, giao dịch kinh doanh cụ thể. Cũng trong bối cảnh như vậy, việc tổ chức Hội nghị một cách thành công cho thấy sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt của Việt Nam nói chung, Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong việc củng cố quan hệ hữu nghị và tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Trung Đông. Tôi tin tưởng rằng kết quả tốt đẹp của Hội nghị sẽ mang lại sức lan toả lớn và các kết quả thực chất hơn nữa trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Đông”. (TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Phó Chủ tịch VNCPEC) |
“Tôi đánh giá cao sáng kiến và các nỗ lực của Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo này. Với sự hiện diện của đại diện các bộ, ngành, các tỉnh thành, các Đại sứ/Đại biện các nước và tổ chức quốc tế, các tập đoàn/công ty, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực, các ngân hàng thương mại Việt Nam… các thông tin về cơ chế chính sách mới, nhận diện các biện pháp, tiềm năng của thị trường các bên… được trình bày, thảo luận tại sự kiện sẽ đem lại lợi ích to lớn cho các đơn vị trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, cách tiếp cận mới để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tự trực tiếp/gián tiếp từ khu vực Trung Đông, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác, tạo sinh lực mới để Việt Nam và Trung Đông tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện”. (Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) |