TIN LIÊN QUAN | |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Romania Dacian Ciolos | |
Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Romania |
Đó là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Romania Trần Thành Công trong cuộc phỏng vấn dành cho Báo TG&VN. Theo Đại sứ, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Romania Dacian Ciolos sẽ tạo tiền đề cho quan hệ song phương ghi thêm những dấu ấn đậm nét hơn.
Xin Đại sứ cho biết những nét nổi bật trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Romania?
Thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 03/02/1950, trải qua hơn 65 năm, hai nước đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Trong thời gian qua, về chính trị, hai nước duy trì việc trao đổi đoàn cấp cao, các cơ chế đối thoại và hợp tác song phương cũng đã được thể chế hóa trong tất cả các lĩnh vực. Việt Nam và Romania tích cực hỗ trợ nhau trên bình diện song phương và tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Diễn đàn ASEM. Romania đã ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 -2016 và gia nhập Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO).
Ngày 12/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp xã giao Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Romania Lazar Comanescu. |
Romania thuộc những quốc gia đầu tiên giúp Việt Nam xây dựng lại nền kinh tế và đào tạo nhân lực sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Romania đã đóng góp đặc biệt vào sự phát triển các ngành dầu khí, xây dựng và khai thác khoáng sản của Việt Nam.
Về trao đổi đoàn, trong những năm gần đây có các chuyến thăm Romania của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (6/2008), Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (9/2009), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (9/2013) và các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Romania Korodi Attila (11/2011) và đặc biệt là chuyến thăm lần này của Thủ tướng Dacian Ciolos.
Xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Romania gần đây có nhiều khởi sắc. Sau chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Romania, quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
Đúng vậy. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 3 năm qua tăng trưởng khá nhanh. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 177 triệu USD, tăng 20,5% so với năm 2014. Kim ngạch cả năm 2016 ước đạt 195 triệu USD, tăng 10% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Romania đạt khoảng 130 triệu USD, tăng 25% và nhập khẩu đạt khoảng 65 triệu USD, giảm 10% so với năm 2015. Dự báo các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng chính của Việt Nam sang Romania năm 2016 bao gồm cà phê, nguyên liệu sắt thép, thủy hải sản, may mặc, giầy da, sản phẩm điện tử… Đổi lại, Việt Nam có thể nhập từ Romania các mặt hàng bột mỳ, dược phẩm, hóa chất, thiết bị toa xe, nguyên liệu dệt may và sản phẩm gỗ…
Tôi tin rằng việc tổ chức thành công cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế lần thứ 15 tại Việt Nam (6/2016) và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Dacian Ciolos lần này sẽ là những đòn bẩy chính trị thuận lợi hỗ trợ các hoạt động hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm tới.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, việc bãi bỏ phần lớn thuế nhập khẩu trong tương lai theo khuôn khổ Hiệp định EVFTA (dự kiến có hiệu lực từ 2018) sẽ mang lại những lợi thế quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường EU và tỷ trọng xuất khẩu hàng Việt Nam sang châu Âu nói chung và sang thị trường Romania nói riêng sẽ gia tăng.
Dường như hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Vậy đâu là thuận lợi và khó khăn thưa Đại sứ?
Về mặt thuận lợi, trước hết, Romania là thị trường truyền thống của Việt Nam. Hai nước có quan hệ chính trị thuận lợi với bề dầy lịch sử 65 năm quan hệ ngoại giao. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Romania giúp Việt Nam đào tạo nhiều chuyên gia, kỹ sư, thợ lành nghề trong nhiều lĩnh vực (dầu khí, xây dựng, kiến trúc, môi trường…), cung cấp cho Việt Nam nhiều vật tư, máy móc thiết bị, cấp tín dụng và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam…
Bên cạnh đó, Romania và Việt Nam là hai thị trường không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, có nhu cầu tiêu dùng lớn về các sản phẩm bình dân, hai nước hiện đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP và thời gian tới sẽ có thêm các ưu đãi khác do việc thực thi Hiệp định EVFTA đem lại.
Tuy nhiên, việc tiếp cận môi trường thương mại Romania của Việt Nam tương đối khó khăn vì từ trước đến nay Romania có chiến lược hợp tác thương mại - đầu tư chủ yếu với các nước trong EU. Mặt khác, khoảng cách địa lý giữa hai nước khá xa xôi cùng với thói quen và tập quán kinh doanh của doanh nghiệp hai nước còn nhiều khác biệt.
Trên thực tế, doanh nghiệp Romania do hạn chế khả năng thanh toán nên khó thiết lập quan hệ thương mại trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay, khoảng 75-80% kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước phải thực hiện qua đối tác trung gian vì nhiều lý do như doanh nghiệp khó khăn về thanh toán, khả năng đáp ứng nguồn hàng, chất lượng và thời hạn giao hàng không đảm bảo, thông tin kinh doanh không đáp ứng kịp thời,…
Thêm vào đó, hoạt động khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại của doanh nghiệp hai nước còn hạn chế, hoạt động đầu tư - liên doanh giữa hai bên chưa phát triển. Điều này phần nào gây khó khăn cho việc tăng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam nói chung vào thị trường Romania.
Ngoài ra, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam tại Romania phần lớn là kinh doanh nhỏ lẻ, khả năng tài chính hạn chế, chủ yếu buôn bán lại hàng của Trung Quốc tại khu chợ châu Á ở thủ đô Bucarest (chợ Dragonul Rosu). Điều này dẫn đến việc rất ít doanh nghiệp Việt Nam tại Romania có khả năng xuất nhập khẩu trực tiếp để đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường tiềm năng này
Theo Đại sứ, hai bên cần làm gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại song phương?
Theo tôi, để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu hàng Việt Nam sang Romania, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận thị trường, thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà phân phối địa phương, xây dựng lòng tin đối với đối tác, tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm, đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác liên doanh sản xuất hàng xuất khẩu với các đối tác Romania.
Đặc biệt, khi thực hiện hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý bảo đảm số lượng cung ứng hàng ổn định, thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lương sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới…
Bên cạnh việc doanh nghiệp phải tự nỗ lực là chính thì sự hỗ trợ của các tổ chức xúc tiến thương mại hai nước là hết sức cần thiết, nhất là việc cung cấp thông tin thị trường, đối tác, giúp tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm…
Về đầu tư, tôi nghĩ hai bên cần tích cực xem xét khả năng hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp dầu khí , xây dựng, năng lượng, dược phẩm... Đây là các lĩnh vực tiềm năng của Romania và cũng là các lĩnh vực cần được phát huy do có nhiều cán bộ, chuyên gia, kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại Romania trong những năm trước đây.
Ngoài ra để tranh thủ các nguồn tài trợ của EU, hai bên có thể nghiên cứu khả năng liên doanh về nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất rượu vang, chế biến nông sản thực phẩm…
Hy vọng rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Dacian Ciolos sẽ là cầu nối, rút ngắn khoảng cách và xóa nhòa những khó khăn trên, đưa hợp tác Việt Nam -Romania lên một tầm cao mới.
Xin cảm ơn Đại sứ.
Thủ tướng Romania thông báo quyết định của Chính phủ Romania tăng gấp đôi số học bổng cấp cho các sinh viên Việt Nam mong muốn học tập tại Romania. Trong 66 năm qua, Romania đã cung cấp học bổng cho hơn 3.500 sinh viên Việt Nam thông qua các chương trình cấp chính phủ và hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam và Romania. Hai bên hài lòng ghi nhận sự hợp tác về học thuật thể hiện qua việc ký Biên bản ghi nhớ giữa Đại học Dầu khí Bà Rịa - Vũng Tàu của Việt Nam và Đại học Dầu khí Ploiesti của Romania, giữa Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Đại học Phương Đông của Việt Nam với Đại học Alexandru Ioan Cuza của Romania. (trích Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Romania Dacian Ciolos) |
Việt Nam - Romania: Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Romania Dacian Ciolos đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11-14/07. |
Romania ủng hộ duy trì hòa bình trên Biển Đông Ngày 12/7/2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Romani Lazar Comanescu trong khuôn khổ chuyến ... |
Tăng cường kết nối các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam - Romania Đại sứ Trần Thành Công khẳng định sẵn sàng làm cầu nối gắn kết các doanh nghiệp tỉnh Iasi nói riêng, doanh nghiệp Romania nói ... |