Back to E-magazine
e magazine
15:44 | 08/08/2022
Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực

15:44 | 08/08/2022

Không chỉ tham gia sâu rộng và toàn diện vào hợp tác nội khối, ASEAN là “hạt nhân” giúp Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng ngoại khối.

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực

Đó là nhận định của ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) trong cuộc trò chuyện với TG&VN về hành trình 27 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông nhận định thế nào về hợp tác kinh tế - một trong ba trụ cột chính của hợp tác Việt Nam-ASEAN thời gian qua?

Gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995 là cột mốc đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, tạo đà cho các bước hội nhập sâu rộng hơn vào “sân chơi” khu vực và quốc tế sau này. Đây cũng là nền tảng để Việt Nam củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong 27 năm qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN và cùng các nước thành viên ASEAN khác xây dựng nền móng quan trọng để Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành vào ngày 31/12/2015, đồng thời tiếp tục xây dựng Cộng đồng AEC đến năm 2025 với 5 đặc trưng: Một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết; một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; một ASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm và một ASEAN toàn cầu.

Trong bức tranh phát triển chung của ASEAN 55 năm qua, kinh tế luôn là mảng hợp tác sôi động với nhiều kết quả cụ thể và thiết thực. Việt Nam đã tranh thủ được những cơ hội trong hội nhập kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách chính sách trong nước, thu hút đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu hội nhập.

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực
Hội nhập kinh tế ASEAN đã giúp tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khối vượt bậc.

Cho đến nay, Khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất. Tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước ASEAN đạt 98% (các nước ASEAN khác xóa bỏ khoảng 98,7% thuế nhập khẩu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam).

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực

Hội nhập kinh tế ASEAN đã giúp tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khối vượt bậc. So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng gần 12 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên gần 70 tỷ USD trong năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN tăng 18 lần, từ 1,6 tỷ USD năm 1996 lên khoảng 28,9 tỷ USD vào năm 2021.

Không chỉ tham gia sâu rộng và toàn diện vào hợp tác nội khối, ASEAN còn là “hạt nhân” để giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng khác thông qua việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác này.

Hiện nay, trong số 15 FTA mà Việt Nam đã ký kết, có đến 8 hiệp định thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN. Đáng chú ý, ASEAN đã cùng 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm 2020, khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN.

Hiệp định này tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới xét về dân số (khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng) với nhiều tiềm năng phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy, hợp tác kinh tế trong ASEAN đã tạo cơ sở cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam về lâu dài.

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực
Hội nhập kinh tế ASEAN đem lại nhiều tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, tham gia vào tiến trình hội nhập ASEAN cũng đem lại không ít thách thức cho Việt Nam, thưa ông?

Đúng vậy, hiện tại, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức. Đơn cử như:

Thứ nhất, trong bối cảnh hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN về cơ bản đã được xóa bỏ - do hầu hết các nước trong khu vực có cơ cấu sản xuất khá tương đồng với Việt Nam - một số mặt hàng công nghiệp và nông sản của Việt Nam đang phải cạnh tranh về chất lượng và giá cả với hàng hóa của các nước ASEAN như Indonesia và Thái Lan.

Thứ hai, mặc dù Việt Nam đã hội nhập kinh tế ASEAN được hơn 25 năm, nhưng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa khai thác được hiệu quả các cơ hội do hội nhập kinh tế mang lại. Điều này khiến các doanh nghiệp chưa thâm nhập được vào thị trường các nước ASEAN và tham gia sâu trong các chuỗi cung ứng khu vực.

Về tổng thể, Việt Nam cần cải thiện nhiều yếu tố để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng trong ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung như: cơ sở hạ tầng, bao gồm cả yếu tố hạ tầng cứng (đường, cảng biển, cảng hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin…) và hạ tầng mềm (hệ thống pháp lý, bộ máy hành chính, cơ chế một cửa…); nguồn nhân lực; tốc độ điều chỉnh cơ cấu kinh tế để lợi ích tăng trưởng kinh tế được phân bổ đồng đều hơn và nhận thức của người dân về hội nhập kinh tế quốc tế.

Vậy sau 27 năm gia nhập ASEAN, nền kinh tế Việt Nam gặt hái được những trái ngọt nổi bật nào?

Sau khi gia nhập ASEAN năm 1996, Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ tháng 1/2007, tiếp theo đó, chúng ta đã từng bước tham gia các FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối như Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và các FTA song phương với các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực
Sau 27 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt.

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực

Nhìn lại tiến trình 27 năm hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, có thể thấy, gia nhập ASEAN là một quyết định quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Gia nhập ASEAN không chỉ tạo thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Đông Nam Á khác, mà thông qua ASEAN chúng ta đã lần lượt ký kết được 7 FTA với các đối tác của ASEAN, qua đó giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận các thị trường rộng lớn với dân số trên 1 tỷ người như Trung Quốc, Ấn Độ, hoặc các thị trường phát triển “khó tính” như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Từ đó, nâng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này lên gấp nhiều lần so với thời điểm ký kết các FTA tương ứng.

Đơn cử như kim ngạch xuất của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ hơn 3 tỷ USD lên gần 56 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng từ 664 triệu USD lên 21,9 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tăng từ mức 8,5 tỷ USD lên 20,1 tỷ USD năm 2021…

Sau 27 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt. Năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 276,8 USD nhưng đến năm 2021 con số này đã là 3.694 USD, tăng hơn 13 lần so với năm 1995. Quy mô nền kinh tế tăng hơn 17 lần từ 20,7 tỷ USD GDP năm 1995 lên 362,6 tỷ USD vào năm 2021, đứng thứ sáu trong khu vực ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ 5,2 tỷ USD vào năm 1995 lên 336,3 tỷ USD vào năm 2021.

Ngoài tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, hội nhập kinh tế ASEAN cũng đem lại nhiều tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam như thúc đẩy đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu (từ các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao như sắt thép; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện).

Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN khác, đặc biệt trong các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng; tạo động lực để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học - công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, hội nhập kinh tế ASEAN còn góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng minh bạch, qua đó giúp nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong Báo cáo thường niên về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới (WB).

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia các FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và ASEAN trong thời gian tới?

Trên cơ sở các chủ trương chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc; tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả vai trò thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN của Đảng, Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng chủ trương phù hợp để hội nhập nhập ASEAN sâu rộng hơn trong cả 3 trụ cột: an ninh-chính trị, kinh tế, và văn hóa - xã hội.

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực

Về trụ cột kinh tế, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã và đang triển khai thúc đẩy triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch như các sáng kiến đảm bảo các chuỗi cung ứng, tăng cường thuận lợi hóa thương mại… Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hơn nữa tiềm năng của khu vực thị trường này.

Theo thống kê, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 29,1 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2020, chiếm 8.6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2021. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam năm 2021 là khoảng 41,1 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Như vậy, nhập siêu từ ASEAN ở mức 12 tỷ USD. Có thể thấy vẫn còn nhiều dư địa để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực ASEAN, một thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, tận dụng lợi thế về khoảng cách địa lý.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang khu vực ASEAN trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tận dụng tối đa những lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN mà Việt Nam là thành viên để nâng cao sức cạnh tranh của mình, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.

Trong thời gian tới, hợp tác ASEAN sẽ không chỉ tập trung vào thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ mà theo xu hướng toàn cầu, các nước ASEAN cũng ngày càng quan tâm hơn đến những vấn đề mới như năng lượng xanh, kinh tế số, phát triển bền vững, tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN… Đây là những nội dung đang được Việt Nam và các nước ASEAN thảo luận nhằm đưa ra định hướng hợp tác kinh tế trong giai đoạn sắp tới.

Ngoài ra, đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) dự kiến sẽ thảo luận vấn đề phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đưa hiệp định ATIGA thành một hiệp định hiện đại, hướng tới tương lai, đáp ứng tình hình mới của khu vực và toàn cầu. Các nước ASEAN cũng đang chuẩn bị đàm phán Hiệp định Khung về kinh tế số (DEFA), dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực
Gia nhập ASEAN là một quyết định quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều vấn đề như đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát… trọng tâm Việt Nam hướng tới trong hợp tác với ASEAN là gì, thưa ông?

Hiện nay, kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đại dịch Covid-19 và tiếp đó là xung đột Nga-Ukraine dẫn đến những hệ quả tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, nguồn cung năng lượng và lạm phát, ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới. ASEAN cũng đứng trước nhiều thách thức, bao gồm những vấn đề như biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, gián đoạn chuỗi cung ứng…

Do vậy, mục tiêu đầu tiên của ASEAN trong thời gian tới là ổn định và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, giảm phụ thuộc và thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung, củng cố các liên kết khu vực.

Trên tinh thần này, Campuchia - nước Chủ tịch ASEAN năm 2022 - đã đưa ra chủ đề “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức” với 19 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế cho năm ASEAN 2022 trong nhiều lĩnh vực trọng tâm như nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN; tăng cường kết nối kỹ thuật số, khoa học, công nghệ và tăng trưởng và phát triển ASEAN hội nhập.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN, đặc biệt trong chuyển đổi cơ cấu các nền kinh tế, thích ứng với những bước phục hồi chung của kinh tế khu vực sau đại dịch bệnh. Tranh thủ cơ hội do chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phương thức kinh doanh cũng là nhu cầu chung của các nước.

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực

Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực

Với vai trò là một thành viên chủ động, tích cực trong hội nhập ASEAN, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên khác đề cao các cam kết của ASEAN đối với chủ nghĩa đa phương, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, bao trùm và cùng có lợi trong thương mại quốc tế, nhất là trong thương mại và đầu tư tại khu vực.

Trong quá trình này, Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ và tham gia có trách nhiệm vào các sáng kiến chung tạo thuận lợi thương mại, dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN, củng cố các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất khu vực.

Trong hợp tác nội khối, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến 2025, tham gia đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế của ta, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề tồn đọng trong hợp tác ASEAN.

Trong hợp tác ngoại khối, Việt Nam sẽ cùng tham gia rà soát, đề xuất nâng cấp các lĩnh vực cần thiết trong các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác; phối hợp tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Canada cũng như triển khai hiệu quả RCEP, từ đó góp phần nâng tầm hợp tác kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ phục hồi phát triển hậu đại dịch, hướng tới thịnh vượng bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Linh Chi | Đồ hoạ: Lim Dim | Ảnh: VGP, Báo Công Thương, Báo Đầu tư, Vietnamnet…

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.