Năm 2018, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) và Cơ quan POW/MIA Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ kỷ niệm 30 năm hoạt động hỗn hợp Việt Nam – Hoa Kỳ tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam – MIA. Hợp tác MIA là khởi nguồn của quan hệ hợp tác hai nước, là chủ đề hàng đầu của các cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai Chính phủ. Văn phòng MIA Hoa Kỳ được thành lập năm 1991 là cơ quan đầu tiên của chính quyền Hoa Kỳ tại Hà Nội sau chiến tranh.
Hợp tác MIA là điểm sáng được đề cập trong các văn kiện quan trọng như Tuyên bố chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước trong 30 năm qua, hoạt động MIA đã luôn được quan tâm, thúc đẩy và thu được những kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực vào việc tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, hàn gắn hậu quả chiến tranh và cùng nhau hướng tới tương lai.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam - Hoa Kỳ hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân mất tích, ngày 12/12/2018 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Những cản trở ban đầu
Hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong vấn đề MIA xuất phát từ thiện chí và tinh thần nhân đạo nhưng đã phải vượt qua nhiều thách thức, trở ngại.
Chỉ hai tuần sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973), Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập VNOSMP để chủ trì giải quyết vấn đề MIA. Cho đến năm 1988, Việt Nam đã đơn phương tìm kiếm và trao trả cho phía Hoa Kỳ 302 bộ hài cốt có thể liên quan đến MIA.
Tuy vậy, tới năm 1988, hai bên mới có thể triển khai đợt hoạt động chung lần đầu tiên. Nhiều nguyên nhân được nhắc đến, trong đó có việc một bộ phận chính giới Hoa Kỳ mang nặng hội chứng chiến tranh, phản đối mọi bước đi với Việt Nam dù có lợi cho việc giải quyết vấn đề MIA, viện dẫn những thông tin thất thiệt, thậm chí bịa đặt về vấn đề tù binh Hoa Kỳ còn bị giam giữ tại Việt Nam.
Một vấn đề nữa là do khác biệt trong cách tiếp cận: phía Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam hỗ trợ một chiều giải quyết vấn đề MIA mà không quan tâm đến các nhu cầu nhân đạo của Việt Nam. Vấn đề MIA cũng thường được gắn với những vấn đề rộng lớn hơn như bình thường hóa quan hệ ngoại giao, viện trợ kinh tế, gây khó khăn cho việc đạt thỏa thuận và triển khai cụ thể.
Đồng thời, tình hình thế giới và khu vực những năm đầu thập kỷ 80, đặc biệt vấn đề quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia chiến đấu chống chế độ diệt chủng Pol Pot, khiến vấn đề MIA bị giảm ưu tiên, bị gác lại trong thời gian dài.
Mãi đến tháng 8/1987, trong chuyến thăm Việt Nam của tướng về hưu John Vessey, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ, hai bên mới đạt thỏa thuận: những vấn đề nhân đạo của hai bên được xem xét đáp ứng một cách độc lập, không gắn với những vấn đề chính trị rộng lớn như bình thường hóa, viện trợ kinh tế, mở đường cho hoạt động chung Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 1988.
Nguồn gốc của thành công
Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến khốc liệt nhất của Chiến tranh Đông Dương, gây ra những tổn thất vô cùng to lớn cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Mặc dù vậy, tiếp nối truyền thống đạo lý nhân ái, bao dung, yêu chuộng hòa bình, vượt lên nỗi đau của chính mình, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã trước sau như một coi MIA là vấn đề nhân đạo, chia sẻ mất mát với những gia đình MIA Hoa Kỳ, không gắn với bất kì điều kiện chính trị nào.
Ngay sau chiến tranh và trong thập kỷ 80, Việt Nam đã tiếp xúc với chính quyền và Liên đoàn các gia đình MIA Hoa Kỳ để trao đổi về vấn đề MIA. Sự ủng hộ và giúp đỡ của người dân Việt Nam đã làm nên thành công của hợp tác MIA. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục chứng kiến sự hỗ trợ đầy tính nhân văn của nhân dân các địa phương có hoạt động MIA, đặc biệt là gia đình và cá nhân đang chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, các đồng chí cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong Việt Nam, nhiều đồng chí cán bộ tham gia công tác MIA nhưng ngay trong gia đình vẫn còn liệt sĩ chưa quy tập được hài cốt.
Nhiều thế hệ chuyên viên MIA Hoa Kỳ đã được đến những chiến trường ác liệt như Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị..., trực tiếp phỏng vấn những cựu chiến binh Việt Nam, trong đó có nhiều người là thương bệnh binh, tận mắt thấy bom mìn còn sót lại, những khu vực bị ảnh hưởng của chất độc da cam…., từ đó hiểu thêm về hậu quả chiến tranh tại Việt Nam và tinh thần nhân đạo của con người Việt Nam.
30 năm hợp tác MIA cũng chứng kiến những khó khăn, gian khổ mà các chuyên viên hai bên phải trải qua. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh tính mạng của 9 cán bộ Việt Nam và 7 chuyên viên Hoa Kỳ trong vụ tai nạn trực thăng MIA vào ngày 7/4/2001 khi đang triển khai hoạt động hỗn hợp tại tỉnh Quảng Bình. Tổn thất không thể bù đắp đó luôn là lời nhắc nhở đối với những nguy hiểm trong hoạt động MIA và sự cần thiết phải đảm bảo an ninh, an toàn cho những người tham gia.
Thiện chí và sự hợp tác đầy đủ, hiệu quả của Việt Nam đã được chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ, Liên đoàn các gia đình MIA Hoa Kỳ, các tổ chức cựu chiến binh và dư luận Hoa Kỳ nói chung cảm ơn và đánh giá cao, coi là hình mẫu cho sự hoà giải.
Trong báo cáo hàng năm gửi Quốc hội, các Tổng thống Hoa Kỳ đều khẳng định Việt Nam hợp tác đầy đủ trong vấn đề MIA. Ngày 13/9/2006, lần đầu tiên Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết cảm ơn các bên liên quan trong đó có Việt Nam về tìm kiếm MIA. Năm 2011, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ R.Newberry khẳng định hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ về MIA đã trở thành mô hình hợp tác tốt, góp phần thúc đẩy hợp tác của Hoa Kỳ với các nước khác. Trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ, các Tổng thống Hoa Kỳ đánh giá cao sự hợp tác đầy đủ của Việt Nam trong các vấn đề MIA.
Trụ cột trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Hợp tác song phương Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực hợp tác MIA là một trong những hoạt động có tầm cỡ xét về quy mô, phạm vi và thời gian phối hợp.
Sau 133 Đợt hoạt động hỗn hợp, đã thu hồi và hồi hương gần 900 bộ hài cốt, trong đó phần lớn trường hợp đã được nhận dạng. Thiện chí, tinh thần nhân đạo và sự hợp tác đầy đủ của phía Việt Nam đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh trong lòng hai dân tộc, giúp nhân dân hai nước hiểu và gần nhau hơn, có tác động lan toả tới chính giới và dư luận Hoa Kỳ, từng bước tạo dựng lòng tin và có hiệu ứng chuyển hoá những người phản đối quan hệ hai nước, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ tiến triển như ngày hôm nay.
Đáp lại thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Hoa Kỳ đã có trách nhiệm hơn hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Từ năm 1987, hai bên đã tiến hành họp song song về MIA Hoa Kỳ và các vấn đề nhân đạo cấp bách của Việt Nam. Mới đây, hai bên đã công bố hoàn thành Dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng (2012 – 2018) với nguồn ODA của Hoa Kỳ bàn giao 32,4ha đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện hai bên đang phối hợp triển khai Dự án tương tự tại sân bay Biên Hòa với khối lượng và yêu cầu nguồn lực rất lớn. Tháng 12/2013, hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam nhất trí đưa hoạt động hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn lên thành một chương trình hợp tác toàn diện và sâu rộng.
Các tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin liên quan đến hơn 11.000 liệt sỹ Việt Nam, giúp ta tìm kiếm và quy tập được hơn 1.000 hài cốt liệt sỹ. Có thể khẳng định, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục là một trụ cột trong quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Sau 30 năm, hợp tác MIA Việt Nam – Hoa Kỳ đã xác lập được khuôn khổ ổn định nhưng cũng không kém linh hoạt, hướng tới mục tiêu kiểm kê MIA đầy đủ nhất có thể.
Tuy nhiên, thách thức phía trước không hề nhỏ: nguy cơ mất hiện trường do điều kiện thời tiết, tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; nguy cơ mất dần nhân chứng do tuổi cao, sức yếu; nguy cơ thất lạc hồ sơ, di vật; các hiện trường còn lại phần lớn nằm ở khu vực rừng núi hiểm trở, vùng biển sâu khó khăn, nguy hiểm. Mặc dù vậy, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, đầy đủ và hiệu quả với Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân đạo này.
Những thành quả hợp tác nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh của cả Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ góp phần quan trọng tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ, hiểu biết và gần gũi giữa nhân dân hai nước và tiếp tục là khởi nguồn cho thiện chí, hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực khác, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.