📞

Hợp tác văn hoá và tôn giáo Việt Nam – Myanmar: Tương đồng và sẻ chia

Luận Thùy Dương 16:44 | 09/05/2019
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 10-14/5, Tổng thống Myanmar U Win Myint sẽ sang thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak 2019.

Tổng thống Myanmar U Win Myint là vị Tổng thống thứ hai của Myanmar thăm Việt Nam chỉ trong vòng hai năm qua, cho thấy Myanmar rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chuyến thăm cũng là sự khẳng định mối quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa hai nước, không chỉ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, mà cả trong lĩnh vực văn hoá và tôn giáo.

Đại lễ Vesak là sự kiện thiêng liêng của cộng đồng Phật giáo trên thế giới. Năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2019 nhằm trao đổi các vấn đề, trong đó có cách tiếp cận của Phật giáo, về sự lãnh đạo toàn cầu, về trách nhiệm cùng sẻ chia, vì các xã hội có chính niệm và vì nền hòa bình thế giới bền vững.

Chùa Tam Chúc - nơi diễn ra Đại lễ Vesak 2019.

Sự tham gia của Tổng thống Myanmar, lãnh đạo cấp cao nhất của Chính phủ Myanmar tại Đại lễ Vesak góp phần làm cho cộng đồng Phật giáo của hai nước Việt Nam và Myanmar gắn kết với nhau hơn và nhân dân hai nước hiểu nhau sâu sắc hơn, thể hiện được cả tinh thần hội nhập giữa các nước thành viên ASEAN.

Trong các nước ASEAN, hiện tồn tại bốn tôn giáo lớn: Ấn độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo và Công giáo. Philippines coi Công giáo là quốc giáo. Hồi giáo lại là quốc giáo ở Brunei, Indonesia và Malaysia. Năm quốc gia ASEAN lục địa, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, lại đều là những quốc gia có đông Phật tử, bốn quốc gia đầu còn coi Phật giáo là quốc giáo.

Dù là tôn giáo nào, nhưng các tín ngưỡng tôn giáo chân chính đều hướng đến những điều tốt đẹp, có các nguyên lý và các giá trị đạt đến một điểm chung về những hiểu biết mới và về những sự đóng góp có thể mang đến sự tiến bộ của toàn xã hội.

Trong năm nước Phật giáo, trừ Việt Nam chủ yếu theo Phật phái Bắc tông, bốn nước còn lại đều theo Phật phái Nam tông. Tuy nhiên, dù ở đâu, tôn giáo nào là quốc giáo, dù theo Phật phái nào, thì Phật tử của các nước này đều hướng tới tư tưởng giáo lý về trí tuệ vô giá, về triết lý vô ngã, về lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững.

Việt Nam và Myanmar có lịch sử lâu đời đấu tranh chống thực dân, đế quốc, đấu tranh bảo vệ và gìn giữ độc lập Tổ quốc. Cả hai nước đều trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, do vậy đều yêu chuộng hoà bình, đều mong muốn các tôn giáo trên lãnh thổ quốc gia mình cùng góp phần xây dựng cuộc sống an lạc cho từng cá nhân, và đóng góp hữu hiệu vào việc hóa giải những bạo tàn, thù hận và bất công trong xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Myanmar đều là các quốc gia đa dân tộc, đa dạng văn hoá và sắc tộc vô cùng phong phú, nên những sẻ chia trong việc làm sao duy trì được sự hoà hợp trong đa dạng các nền văn hoá truyền thống, sự bình đẳng không phân biệt giữa các dân tộc và sắc tộc trong từng nước là rất quan trọng.

Đại sứ Luận Thùy Dương dự Hội nghị Quản lý Di sản tại các nước Mekong - Lan Thương tổ chức tại Myanmar, tháng 2/2019. (Ảnh: HT)

Những tương đồng giữa hai nước từ lịch sử dựng nước đến quá trình phát triển đất nước, từ đa dạng hoá tôn giáo, văn hoá đến ổn định xã hội là những nền tảng quan trọng để Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch của Việt Nam và Bộ trưởng Văn hoá và Tôn giáo của Myanmar ký vào tháng 8/2017 Chương trình hợp tác văn hoá giai đoạn 2017-2020. Chương trình hợp tác văn hóa giữa hai nước với mục tiêu chính là nhằm biến các tương đồng và những sẻ chia sâu sắc thành những hợp tác cụ thể, hiệu quả, nhằm kết nối nhân dân và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Những kết nối văn hoá và hiểu biết con người sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực khác.

Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Myanmar sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Hai bên sẽ trao đổi về tình hình phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar nói chung, những thành tựu hợp tác về văn hóa nói riêng trong thời gian qua. Hai bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt tạo điều kiện tăng cường giao lưu các tầng lớp nhân dân hai nước, góp phần vào việc phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, toàn diện trên tất cả các mặt giữa Việt Nam và Myanmar.

Cũng trong chuyến thăm, Tổng thống Myanmar sẽ gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhằm thúc đẩy hợp tác lập pháp giữa hai nước, tạo thêm những điều kiện pháp lý cho việc tăng cường hợp tác các mặt và văn hoá và tôn giáo giữa hai nước.

Bên cạnh đó, việc giao lưu giữa các viện nghiên cứu, các học giả, các trường, các học viện văn hoá của hai nước cũng là cần thiết để hiểu rõ hơn các nền văn hoá, các tôn giáo, các triết lý tôn giáo ở hai nước. Qua đó, hai bên cùng góp phần đưa các tín ngưỡng xích lại gần nhau, hoà hợp không hoà tan vào nhau, giữ được bản sắc riêng nhưng không xung đột, cùng nhau tồn tại trong hoà bình, mang lại hạnh phúc an lành cho mọi công dân, mọi tín đồ.