Tham dự cuộc họp có Đại sứ Việt Nam Đinh Toàn Thắng; Đại sứ Brendan Pearson, Trưởng Phái đoàn Australia tại OECD; ông Alexander Bohmer, Trưởng Bộ phận Nam và Đông Nam Á thuộc Ban Quan hệ toàn cầu – OECD; hai cựu đồng Chủ tịch SEARP nhiệm kỳ trước là Hàn Quốc và Thái Lan cùng với các khách mời đối tác là Nhật Bản, Đức, Anh, Canada và Indonesia.
Các đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ triển khai các ưu tiên chương trình SEARP đề ra, cũng như xem xét kết hợp các ưu tiên tương đồng của nhiều chương trình khu vực khác của OECD nhằm huy động tối đa nguồn lực, đạt kết quả cao hơn. |
Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi Việt Nam và Australia nhận bàn giao nhiệm vụ đồng Chủ tịch tháng 2/2022 từ Hàn Quốc và Thái Lan.
Khai mạc cuộc họp, với tư cách đồng Chủ tịch Chương trình, Đại sứ Pearson nhấn mạnh ý tưởng xây dựng một chương trình làm việc tham vọng nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực, góp phần đưa các nước ASEAN tiến gần hơn với tiêu chuẩn cao của OECD và trong tương lai không xa trở thành thành viên chính thức của Tổ chức.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định, Việt Nam và Australia chia sẻ quan điểm tương đồng trong việc xác định ưu tiên của SEARP trong 3 năm tới nhằm thúc đẩy các nội dung, kết quả thiết thực, góp phần hỗ trợ sự phục hồi bền vững của khu vực Đông Nam Á, cũng như mong muốn Chương trình sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía các nước thành viên khác của OECD để giúp có thêm nguồn lực triển khai các chương trình hợp tác.
Với vị trí của Đông Nam Á là khu vực năng động trên thế giới, Ban điều phối Chương trình SEARP đã trình bày về 3 mục tiêu của nhiệm kỳ 2022-2025 là hồi phục kinh tế sau đại dịch, cải cách kinh tế và tiến gần đến các tiêu chuẩn OECD cùng với các định hướng ưu tiên là phục hồi phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi số, mở cửa thị trường và đầu tư, phục hồi khu vực tư nhân.
Trước mắt, trong năm 2022, Ban điều phối Chương trình dự kiến tổ chức Diễn đàn Kinh tế khu vực và Diễn đàn kinh tế cấp Bộ trưởng giữa Việt Nam và OECD trong hai ngày 26-27/9/2022 tại Hà Nội, nhằm chia sẻ về các giải pháp, cách làm hay của các quốc gia nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng như thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế trung và dài hạn của Đông Nam Á, cũng như những biện pháp hỗ trợ của OECD và khu vực tư nhân nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Tham gia cuộc họp, các Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Nhật Bản, Canada, Đức, Anh hoan nghênh Hàn Quốc và Thái Lan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ đồng chủ tịch Chương trình giai đoạn 2 (2018-2021) cũng như Australia và Việt Nam đã xây dựng được kế hoạch và định hướng các ưu tiên cho Chương trình giai đoạn 3 (2022-2025).
Các đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ triển khai các ưu tiên chương trình SEARP đề ra cũng như xem xét kết hợp các ưu tiên tương đồng của nhiều chương trình khu vực khác của OECD nhằm huy động tối đa nguồn lực, đạt kết quả cao hơn; đề cao tinh thần ‘đối tác bình đẳng’ giữa các nước Đông Nam Á và thành viên OECD trên cơ sở cùng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm phục hồi kinh tế, phát triển bền vững.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nhật Bản kiến nghị tìm kiếm các công cụ giúp đẩy nhanh quá trình đạt tiêu chuẩn OECD cho các nước Đông Nam Á, để trở thành thành viên, tương tự như Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đức bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản và các quốc gia EU hỗ trợ tăng cường năng lực cho các nước Đông Nam Á.
Đại sứ Indonesia nêu đề xuất OECD hỗ trợ lồng ghép nhiều nhóm mục tiêu với nhau (phục hồi, bền vững, khí hậu...) và xác định thứ tự ưu tiên triển khai trong bối cảnh nguồn lực có giới hạn.
Cuộc họp diễn ra trong không khí cởi mở, trao đổi thẳng thắn và tập trung vào giải pháp tăng cường hiệu quả Chương trình SEARP và thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa OECD và các thành viên Chương trình.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
OECD là đối tác quan trọng của Việt Nam về tư vấn, hỗ trợ chính sách. Trong giai đoạn 2014 - 2021, OECD đã thực hiện 15 báo cáo đánh giá chính sách cho Việt Nam, trong đó có các báo cáo tiêu biểu được tham khảo, sử dụng trong công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, như Báo cáo Quốc gia đa chiều (MDCR), Báo cáo Chính sách đầu tư và tài chính năng lượng sạch...
Tháng 11/2021, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giai đoạn 2022 - 2026, tạo khuôn khổ hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Đông Nam Á hiện là một trong những trọng tâm trong chiến lược vươn ra toàn cầu của OECD. SEARP là một trong 6 Chương trình khu vực được OECD được thành lập từ năm 2014 nhằm hỗ trợ cải cách chính sách, hội nhập tại khu vực, thúc đẩy đối thoại, trao đổi thực tiễn tốt giữa OECD với các nước Đông Nam Á. Chương trình được xây dựng xung quanh 6 Mạng lưới chính sách khu vực, 4 Sáng kiến, cùng Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ của OECD. Phiên họp lần thứ 8 Ban Điều phối SEARP ngày 9/12/2021 đã chính thức đề cử Việt Nam và Australia đảm nhiệm vai trò đồng Chủ tịch Chương trình giai đoạn 2022 – 2025. |