📞

Huawei phản 'đòn độc' của Tổng thống Trump bằng nội công Hongmeng

Minh Anh 20:00 | 23/05/2019
"Chiêu độc" và quá nhanh của Tổng thống Trump khiến Huawei choáng váng. Dường như Tổng thống Trump đã điểm trúng vào tử huyệt của của người khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Huawei lật ngược thế cờ bằng ‘nội công’ Hongmeng. (Nguồn: Asiatimes)

Giới quan sát cho rằng, bằng “xây tường biên giới” không cho Huawei tiếp cận công nghệ Mỹ, Tổng thống Trump đã nhắm vào đúng những “điểm yếu chết người” của người khổng lồ Trung Quốc, vốn lớn mạnh được là nhờ vào công nghệ Mỹ, đặc biệt là các chip điện tử và phần mềm.

Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, Huawei bị cô lập hoàn toàn khỏi nguồn công nghệ Mỹ, đó sẽ là điều tồi tệ nhất đối với tập đoàn viễn thông Trung Quốc, có thể đe dọa sự tồn vong. Khi đó, hình hài của Huawei chắc chắn sẽ không còn được như hiện nay nữa.

Giáo sư François Godement, Giám đốc phụ trách về châu Á - Trung Quốc của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nói với tờ Le Figaro: “Khi tấn công Huawei, Tổng thống Mỹ đánh đúng phương pháp, vì bên cạnh cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, điều nguy hiểm hơn nữa là vấn đề an ninh quốc gia. Điều không ai ngờ là ông Trump ra tay quá nhanh và đánh trúng vào túi tiền của Huawei".

Trong đó, đòn Google “cắt cầu” với Huawei được cho là “đòn độc”. Dù Huawei quả quyết đã chuẩn bị một kế hoạch B - hệ điều hành riêng cho điện thoai thông minh Huawei. Nhưng khả năng thành công của nó không được giới chuyên gia đánh giá cao, bởi, việc tạo ra một phần mềm mới để thay thế là vô cùng khó khăn. Bằng chứng là những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Nokia, Blackberry và Microsoft đã đều từng thử và đều nhận thất bại. Hiện thế giới điện thoại thông minh chỉ có hai hệ điều hành thống trị: Android chiếm tới 75% thiết bị, còn lại là iOS - độc quyền của Apple.

Theo tiết lộ của Viện nghiên cứu công nghệ cao của Huawei trên WeChat mới đây, đòn bí mật của Huawei nhằm đối phó với lệnh cấm của Mỹ có thể sẽ là hệ điều hành thay thế Android, có tên “Hongmeng”. Theo đó, Huawei có thể sử dụng Hongmeng - một hệ điều hành tự phát triển của mình để thay thế Android trên điện thoại thông minh trong vòng sáu tháng, với sự hỗ trợ của thị trường nội địa khổng lồ.

Phân tích về vấn đề này với tờ Asia Times, chuyên gia Wong Kam-fai thuộc Đại học Hongkong cho rằng, trong một nền kinh tế tự do, các công ty thường không muốn thay đổi và mạo hiểm thử các sản phẩm mới. Nhưng trong một nền kinh tế có kiểm soát như Trung Quốc, nếu Chính phủ yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại sử dụng một hệ điều hành địa phương cụ thể, thì nó có thể được thị trường thích nghi tốt trong một khoảng thời gian ngắn.

“Hongmeng là một nền tảng mở mà các nhà phát triển khác nhau có thể cùng tham gia phát triển, bởi vậy, thời gian thích ứng sản phẩm của nó có thể chỉ trong nửa năm”, chuyên gia Wong nói.

Về phía Huawei, ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei tuyên bố, Tập đoàn này đã chuẩn bị trước để đương đầu với mọi lệnh cấm vận của Nhà Trắng, đồng thời cho rằng Mỹ đã đánh giá quá thấp công ty của ông. "Thời hạn 90 ngày là vô nghĩa với chúng tôi. Chúng tôi không cần phải có thêm 3 tháng làm gì, chúng tôi đã sẵn sàng tự cung cấp nếu không được phép mua cả phần cứng và phần mềm của Mỹ”, người sáng lập Huawei nhấn mạnh.

Theo truyền thông Trung Quốc, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kinh doanh tiêu dùng Huawei Richard Yu Chengdong gần đây đã tự hào thông báo trên WeChat rằng, Kế hoạch B của Huawei bao gồm cả chipset và hệ điều hành tự phát triển. Trong đó, cái tên Hongmeng có liên quan đến một thần thoại Trung Quốc, bóng gió về thời điểm trước khi thế giới được sinh ra.

Được biết, Hongmeng được phát triển từ năm 2012 và xây dựng trên hệ điều hành Linux. Richard Yu cho biết, Hongmeng sẽ ra mắt vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa xuân này. Hệ điều hành mới của Huawei sẽ tương thích với tất cả các ứng dụng Android trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng, TV, ô tô và thiết bị cá nhân.

Theo tiết lộ từ Giám đốc điều hành Tập đoàn Kinh doanh tiêu dùng Huawei, Hongmeng sẽ có giao diện và hoạt động gần giống như Android để người dùng có thể thích nghi với nó một cách dễ dàng.

"Một trải nghiệm người dùng tốt là những gì Hongmeng phải đạt được, vì nó sẽ giúp cải thiện khả năng chấp nhận nó. Trước mắt, Huawei chắc chắn sẽ bị tổn thương nếu phải chuyển từ Android sang Hongmeng, nhưng về lâu dài có thể có lợi, vì hệ điều hành tự phát triển có thể giúp cải thiện lòng trung thành của người dùng ở các nước đang phát triển.", đại diện Huawei nhận định.

(theo Reuters, Asiatimes)