Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (2007-2014). |
Là đại biểu trực tiếp tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 (16-17/11) tại Đà Nẵng, Đại sứ có thể đánh giá về những kết quả quan trọng đạt được của Hội thảo lần này?
Hội thảo Biển Đông dịp này rất được quan tâm bởi là hội thảo họp trực tiếp sau hơn hai năm gián đoạn vì dịch bệnh.
Hơn 200 nhà nghiên cứu, học giả từ các quốc gia khác nhau đã đến Đà Nẵng tham dự trực tiếp. Với chủ đề “Biển hòa bình - Phục hồi bền vững”, Hội thảo đã nhìn lại toàn bộ tình hình Biển Đông trong một thế giới và cục diện địa chính trị có nhiều thay đổi; chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị những biện pháp tốt nhất để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trong nhiều tham luận, các đại biểu đưa ra ý kiến khác nhau, phong phú và đa dạng từ góc độ nghiên cứu của mình. Tuy vậy, đều nhấn mạnh một số điểm chung. Một là, tình hình Biển Đông trong thời gian vừa qua có những lắng đọng nhưng còn nhiều yếu tố bất ổn, bao gồm những hành động trái với tinh thần của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các hành động tôn tạo quy mô lớn, quân sự hóa các đảo nhân tạo vẫn diễn ra. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia tiếp tục nỗ lực của mình vì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông.
Hai là, các đại biểu đều chia sẻ rằng, hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh kỷ niệm 40 năm UNCLOS, các quốc gia càng phải nhất quán theo tinh thần và quy định của UNCLOS.
Ba là, các đại biểu ủng hộ vai trò của ASEAN và các quốc gia cùng trao đổi về các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Cuối cùng, việc xây dựng lòng tin, không làm phức tạp thêm tình hình cũng được nhấn rất mạnh trong khuôn khổ Hội thảo; ủng hộ trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc để thúc đẩy thực hiện đầy đủ nhất Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, các đại biểu ở các quốc gia, khu vực khác nhau đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm rất quý để có thể áp dụng đối với tình hình Biển Đông, ví dụ như trong việc tránh những đụng độ ngoài ý muốn, chia sẻ thông tin, tham vấn về các biện pháp xây dựng lòng tin.
DOC là thành tựu quan trọng giữa ASEAN- Trung Quốc và COC là một mục tiêu mà cả hai bên đang cùng hướng đến, nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Hội thảo đã đề cập COC như thế nào, thưa Đại sứ?
Hội thảo nhấn mạnh rằng với bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, một COC cần dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS và nhân lên để trở thành một bộ quy tắc tốt hơn DOC trong bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải, thượng tôn luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Ngoài ra, việc không làm phức tạp thêm tình hình cũng được nhấn mạnh, các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế và không hành động làm gia tăng căng thẳng. Các diễn giả đều nhất quán, trong quá trình thương lượng COC cần phải hướng tới thực chất và hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông và tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như UNCLOS.
Để các bên có thể thương lượng với nhau thuận lợi, cần tạo ra môi trường trên biển thuận lợi. Nếu như tình hình trên biển phức tạp thì khó có được lòng tin trong trao đổi, thương lượng. Các diễn giả bày tỏ quan điểm rằng, COC rõ ràng cần phải thúc đẩy nhưng phải lấy nội dung là trọng tâm quan trọng nhất thay vì hướng tới một “deadline”.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là cơ hội để các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế có dịp gặp gỡ, trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm về nhiều khía cạnh liên quan đến Biển Đông. (Nguồn: Học viện Ngoại giao) |
2022 đánh dấu kỷ niệm 20 năm DOC ra đời. Đại sứ nhận định gì về ý nghĩa và vai trò của DOC?
Trước hết, DOC liên quan đến vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và môi trường không để xảy ra xung đột ở Biển Đông. Do đó, câu chuyện cách đây 20 năm, khi tình hình Biển Đông còn phức tạp, ASEAN và Trung Quốc đã trải qua một quá trình rất dài để đàm phán, thương lượng về những nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ giữa các quốc gia có liên quan. Vì vậy, DOC vô cùng quan trọng ở một số điểm: Thứ nhất, DOC đưa ra quy tắc điều chỉnh hành vi ứng xử của các bên liên quan, trong đó có tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cũng như bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.
Thứ hai, để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông cần phải nỗ lực xây dựng và thúc đẩy lòng tin. Các bên phải trao đổi, chia sẻ hiểu biết lẫn nhau, lấy tinh thần thượng tôn pháp luật trong đó có luật pháp quốc tế và UNCLOS làm trọng tâm nhưng đồng thời cũng có một số hợp tác phù hợp với lợi ích các bên, luật pháp quốc tế và chính DOC để tạo ra lòng tin. Thực tế những hợp tác này cũng đã diễn ra trong 20 năm qua như hợp tác tìm kiếm cứu nạn, xử lý các vấn đề cứu trợ nhân đạo, thiên tai trên biển…
Thứ ba, bản thân DOC tạo ra một cơ chế đối thoại thường xuyên hàng năm giữa các nước có liên quan là các nước ASEAN và Trung Quốc. Đặc biệt, điểm thứ 10 của DOC có nhấn rất rõ rằng, sẽ hướng tới một bộ quy tắc ứng xử. Điều quan trọng nhất ở đây là làm sao thông qua các quy định trong DOC mà các nước cũng cam kết thực hiện để đảm bảo được môi trường hòa bình, ổn định, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS. Nếu có vấn đề xảy ra thì phải giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại.
Theo Đại sứ, DOC trong suốt hai thập kỷ qua đã phát huy được những giá trị như thế nào?
Có lẽ chúng ta cần phải thấy hai mặt của một vấn đề. Lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc dù quan điểm có nhiều khác biệt nhưng đã có được một văn bản thể hiện sự thống nhất chung về những nguyên tắc liên quan đến cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đó là Tuyên bố DOC.
Trên thực tế, DOC cũng là định hướng chỉ đạo cho ứng xử, đàm phán, trao đổi tiếp theo suốt thời gian qua giữa ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh đó, DOC cũng là cơ sở để các nước bên ngoài, các nước có lợi ích tại vùng biển quan trọng này, đều đồng tình và đồng thuận.
Vậy nhưng, rõ ràng vẫn có những tiếp diễn phức tạp trên Biển Đông, bao gồm cả những rủi ro, nguy cơ. Điều này cho thấy DOC dù rất quan trọng nhưng chưa đủ khi các bên chưa thực hiện cam kết một cách đầy đủ đối với DOC cũng như UNCLOS.
Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng của COC mà Trung Quốc và ASEAN đang hướng tới?
Về triển vọng của COC, chúng ta cần nhớ rằng, quá trình của DOC hay COC gồm nhiều thành tố cấu thành không nên quên.
Trước hết, đó là tiến trình để ASEAN và Trung Quốc đối thoại với nhau, cùng với mục tiêu là duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Thứ hai, cần phải tạo môi trường thúc đẩy tiến trình này diễn ra thuận lợi, trong đó có việc xây dựng lòng tin và ngăn ngừa những rủi ro phức tạp nảy sinh. Thứ ba là phần kết quả của đàm phán, một kết quả phải bảo đảm được các yêu cầu và nguyên tắc nhất định.
Thời gian qua, ASEAN luôn nhấn mạnh cần một bộ quy tắc thực chất, hiệu quả và phù hợp với UNCLOS 1982. Để các bên thực sự đi vào đàm phán, tin cậy lẫn nhau cần tạo ra môi trường thuận lợi cho đàm phán, hàm ý rằng các bên phải tăng cường hiểu biết, không làm gia tăng phức tạp tình hình. Chúng ta cần một COC đáp ứng được những nguyên tắc và lợi ích như trên thì có lẽ không nên đặt ra một thời hạn cụ thể. Chính việc duy trì được đối thoại, hiểu biết, thương lượng đàm phán đã là quan trọng.
Vừa qua, hai bên đạt được rà soát lần một COC cũng là một bước tiến lớn. Chặng đường phía trước còn nhiều vấn đề để đạt được một COC tốt hơn DOC, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS. Do đó, cần nhiều nỗ lực từ các bên.
Như Đại sứ có chia sẻ, tình hình Biển Đông thời gian vừa qua có những lắng đọng nhưng còn nhiều yếu tố bất ổn. Theo Đại sứ, thách thức hiện nay trong vấn đề Biển Đông là gì?
Thách thức lớn nhất hiện nay là việc các bên có tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 hay không! Vì có những chồng lấn đòi hỏi chủ quyền nên phải dựa vào luật pháp quốc tế, đối thoại, giải quyết hòa bình, không thể dựa vào sức mạnh mà vượt qua luật pháp quốc tế và UNCLOS, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác.
Thêm nữa, ngay trong DOC cũng nói rằng, khi có chồng lấn chủ quyền, phải cùng ngồi lại và đàm phán với nhau thay vì dùng sức mạnh để gia tăng tranh chấp. COC cần phải chú trọng và hướng tới điều này.
Ngoài ra, nguyên tắc trong DOC là không làm phức tạp thêm tình hình đi đôi với xây dựng lòng tin cũng vô cùng quan trọng. Điều này cần được nhấn và phát triển hơn trong COC.
| Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN mở màn ở Indonesia Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Bali, Indonesia từ ngày 22-25/11 là một nỗ lực nhằm duy trì ... |
| Cục diện thế giới nhìn từ các hội nghị thượng đỉnh gần đây Sự trở lại của các hội nghị lớn sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19 phần nào cho thấy bức tranh cơ bản về ... |
| Chuyên gia: Tôn trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông có ý nghĩa đối với thế giới Ngày 18/11, Viện Á-Phi thuộc Đại học Hamburg (Đức) tổ chức hội thảo quốc tế về các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ... |
| ASEAN-Trung Quốc mong muốn hướng tới một COC hiệu quả, thực chất Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc nhân kỷ niệm 20 năm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó tái khẳng ... |
| Hội nghị cấp cao ASEAN 40,41: Cơ hội, thách thức đan xen, kỳ vọng một ASEAN đoàn kết, tự tin vào chính mình! Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 10-13/11 được tổ chức ... |