Trung tuần tháng 11 vừa qua đã liên tiếp diễn ra các hội nghị thượng đỉnh, bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Campuchia, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia, Hội nghị cấp cao APEC tại Thái Lan, kỳ họp Đại hội đồng AIPA lần thứ 43, cùng các cuộc tiếp xúc song phương quan trọng bên lề, đặc biệt là cuộc gặp trực tiếp giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung. Diễn ra trong bối cảnh các hội nghị quốc tế lớn hầu hết bị gián đoạn gần 3 năm qua do dịch bệnh Covid-19, các hoạt động trên phần nào cho thấy bức tranh cơ bản về cục diện thế giới hiện nay.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 10 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 12/11. (Nguồn: TTXVN) |
Một là, diễn biến, kết quả các hội nghị cho thấy, xu thế hòa bình, hợp tác để phát triển vẫn là xu thế chính trên thế giới hiện nay. Hội nghị cấp cao ASEAN đã đạt được những kết quả quan trọng, thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là ASEAN đã thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Mỹ và ASEAN-Ấn Độ, đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Canada.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Tuyên bố chung của Hội nghị nhấn mạnh có một số quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt, nhưng hầu hết các nước thành viên lên án mạnh mẽ cuộc xung đột tại Ukraine, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và làm trầm trọng thêm những vấn đề yếu kém của nền kinh tế toàn cầu. Tuyên bố khẳng định, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, kết nối toàn diện.
Đáng chú ý nhất, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, đã diễn ra cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông Biden nhậm chức, và cũng diễn ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình được tiếp tục bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp tại Đại hội XX vừa kết thúc không lâu. Tiếp đó, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tại đây, bà Kamala Harris đã kêu gọi kiểm soát cạnh tranh giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc.
Dù chỉ là các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị quốc tế, song các cuộc tiếp xúc này đã giúp hai bên trao đổi quan điểm của nhau trong những vấn đề trọng yếu, và đáng kể nhất là đã thể hiện việc Mỹ-Trung vẫn luôn có thể duy trì các kênh đối thoại, kể cả ở mức cao nhất, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai nước ngày càng quyết liệt trong những năm qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia ngày 14/11. (Nguồn: Reuters) |
Hai là, mặc dù nguy cơ chiến tranh quy mô lớn, chiến tranh hạt nhân bị đẩy lùi khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của hầu hết các nước trong cộng đồng quốc tế, song nguy cơ bùng phát các cuộc xung đột quy mô nhỏ vẫn luôn tiềm tàng. Hội nghị cấp cao APEC đã bị gián đoạn liên quan đến vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Còn trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, vấn đề Đài Loan vẫn nổi lên là vấn đề gai góc trong quan hệ hai nước.
Tại khu vực Biển Đông, theo phía Philippines, ngày 20/11 đã xảy ra một vụ va chạm trên biển giữa lực lượng của nước này với lực lượng của Trung Quốc. Vụ việc diễn ra ngay trước thềm chuyến công du Philippines của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, bà Harris tuyên bố Washington sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ chung nếu lực lượng Philippines bị tấn công ở Biển Đông.
Điều đó cho thấy, trong bối cảnh hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chính, vẫn luôn tiềm tàng khả năng phát sinh xung đột, tranh chấp, đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực, nhất là tại các điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Ba là, các vấn đề toàn cầu ngày càng trở lên cấp bách và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, đồng thời trở thành động lực để các quốc gia tăng cường hợp tác, ứng phó. ASEAN và các đối tác đã đưa ra nhiều biện pháp và cam kết nguồn lực cụ thể nhằm đối phó các thách thức đang nổi lên như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Các nước cũng đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực trong các lĩnh vực được quan tâm hiện nay như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20 đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về những thách thức an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn do căng thẳng và xung đột gần đây. Các nước G20 cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để chống đói nghèo, đặc biệt ở những nước đang phát triển. G20 cũng kêu gọi sự chuyển dịch nhanh chóng hướng tới nền nông nghiệp, hệ thống lương thực và chuỗi cung ứng bền vững. Các nước phát triển đã cam kết sẽ gây quỹ ít nhất 20 tỷ USD để hỗ trợ Indonesia dần từ bỏ than đá và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050, sớm hơn 10 năm so với dự kiến.
Còn các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã thông qua Các mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG). Đây là tài liệu định hướng quan trọng cho việc triển khai chương trình nghị sự của APEC về phát triển bền vững và bao trùm. Điều này cho thấy, thế giới ngày càng quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn để ứng phó thành công với các thách thức đặt ra.
Trong bối cảnh hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chính, vẫn luôn tiềm tàng khả năng phát sinh xung đột, tranh chấp, đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực... |
Bốn là, các hội nghị quốc tế quan trọng trên đều được tổ chức ở Đông Nam Á, được xem là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, quy tụ được sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Điều đó cho thấy, sự dịch chuyển trung tâm chính trị thế giới từ châu Âu-Đại Tây Dương sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng rõ ràng hơn.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao hàm một khu vực rộng lớn, với các quốc gia quan trọng, chủ chốt, là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực này chiếm tới hơn 60% dân số và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu, tạo ra 60% GDP và 2/3 tăng trưởng của toàn thế giới, tới năm 2030 có thể sẽ quy tụ cả 4 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Trong tương lai, các cường quốc, các nước lớn khác sẽ ngày càng quan tâm, đầu tư tới khu vực này.
Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các nước trong khu vực tận dụng thời cơ, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đồng thời cũng đặt ra thách thức phải ứng xử hài hòa, tránh bị rơi vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc.
Các mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG) được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC là tài liệu định hướng quan trọng cho việc triển khai chương trình nghị sự của APEC về phát triển bền vững và bao trùm. (Nguồn: Reuters) |
Năm là, các hội nghị cũng cho thấy, vai trò, ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng nổi bật, Trung Quốc trở thành tâm điểm trong các vấn đề quốc tế và là nhân tố các quốc gia đều phải tính đến trong hoạch định chính sách đối ngoại của mình.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương bên lề G20 và APEC, ngoài tiếp xúc với Tổng thống, Phó Tổng thống Mỹ, còn có Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Argentina Alberto Fernández, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr., Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Papua New Guinea James Marape, Tổng thống Chile Gabriel Boric, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, cùng nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng khác.
Quan điểm của Bắc Kinh tại các hội nghị trở thành yếu tố quan trọng giúp hội nghị đạt được tiến triển, chẳng hạn như việc G20 đã thông qua được Tuyên bố chung liên quan đến vấn đề còn có ý kiến khác nhau, được cho là nhờ sự linh hoạt trong quan điểm của các nước thành viên. Điều đó cho thấy, trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng vị thế, ảnh hưởng, giữ vai trò ngày càng mang tính quyết định đến việc định hình cục diện trong khu vực và trên thế giới.
| Điểm tin thế giới sáng 23/11: Mỹ giải ngân 4,5 tỷ USD cho Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng 'khai hỏa' S-400, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 ở Australia Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 23/11. |
| Điểm tin thế giới sáng 22/11: Sứ mệnh Artemis 1 của NASA, Na Uy 'rót' gần 200 triệu USD cho Ukraine, thỏa thuận thương mại số đầu tiên của Hàn Quốc Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 22/11. |
| Những nét chấm phá tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Dù chỉ diễn ra trong hai ngày với nhiều thay đổi phút chót, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia vẫn để lại dấu ... |
| Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc: Đã rõ những 'lằn ranh đỏ', mọi 'nút thắt' được gỡ từ đây? Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc lần này được coi là cơ hội để vực dậy mối quan hệ đang "xuống dốc không phanh" giữa hai nền ... |
| Sức hút của xu thế đa phương tại Hội nghị thượng đỉnh SCO Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 22 từ ngày 15-16/9 tại Samarkand, Uzbekistan được đánh giá là lớn ... |