Ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TG&VN) |
Diễn ra trong hai ngày, Hội thảo sẽ tập trung vào 3 chuyên đề, gồm: “Hướng tới các đô thị xanh - Phương pháp tiếp cận tích hợp trong phát triển đô thị bền vững”, “Hướng tới khả năng ứng phó - Quản lý tổng hợp các rủi ro ngập úng đô thị”, “Lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị - Các công cụ cần và phương pháp tiếp cận hiện nay”.
Phát biểu dẫn đề tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thế giới đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh. Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị sẽ tăng lên 5 tỷ người, chiếm 61% dân số thế giới. Tại các nước đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tốc độ đô thị hóa cũng diễn ra đặc biệt nhanh, tạo ra nhiều sức ép lên việc cung cấp nhà ở, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân đô thị và góp phần gây ô nhiễm môi trường. “Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và các ảnh hưởng bất lợi của môi trường cũng đang và sẽ gia tăng ở các nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị. (Ảnh: TG&VN) |
Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ. “Hiện Việt Nam có 765 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 32,45%... Đa số các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp của Việt Nam đều tập trung ở các vùng đồng bằng thấp, các khu vực ven biển. Đây là những khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Thanh Nghị cho hay.
Cũng đồng tình với quan điểm đó, ông Andrew Head, Phó Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam cho rằng, Việt Nam được dự báo là một trong số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đối khí hậu. Người dân sống ở các vùng ven biển xinh đẹp của Việt Nam dễ chịu tác động nhất do biến đổi khí hậu. “Mực nước biển dâng được dự báo vào cuối thế kỷ này sẽ ảnh hưởng tới 10-20% dân số Việt Nam và tổn thất về kinh tế có thể lên tới xấp xỉ 10 GDP cả nước”, ông Andrew Head nhấn mạnh.
Đó là chưa kể đến những hạn chế của quá trình đô thị hoá tại Việt Nam: hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội không đồng bộ; ô nhiễm môi trường do rác thải; việc xử dụng tài nguyên lãng phí…
Vì vậy, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng thuận rằng việc hướng đến đô thị xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu thực sự cần thiết. Ông Nguyễn Thanh Nghị khẳng định “Phát triển đô thị bền vững thông qua việc xây dựng các thành phố xanh và có khả năng chống chịu là một sự lựa chọn tất yếu của Việt Nam” hay ông Andrew Head “xây dựng các thành phố xanh và có khả năng chống chịu thiên tai… đòi hỏi phải có sự cam kết chia sẻ rộng rãi và khung chính sách, nhận thức và đầu tư”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TG&VN) |
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, các đại biểu sẽ có 3 chuyến tham quan thực địa. Thứ nhất là chuyến tham quan về quy hoạch đô thị và không gian nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, sẽ cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị tại khu vực ngập lũ ở Đà Nẵng.
Chuyến tham quan thứ 2 là khu nhà thu nhập thấp tại phường Hòa Hiệp Bắc. Đây là nghiên cứu điển hình chú trọng vào phương pháp tiến cận sáng tạo về thích ứng dựa vào cộng đồng nhằm cho phép cộng đồng và các hộ gia đình có thu nhập tham gia vào các biện pháp ứng phó với BĐKH, hiện tượng thời tiết cực đoan, xây dựng các khu vực sinh sống có khả năng chống chịu cao.
Chuyến tham quan thứ 3 tại vùng duyên hải Miền Trung và Hội An, tập trung vào vấn đề tăng trưởng xanh trong mô hình tăng trưởng kinh tế.
Hội thảo là cơ hội lớn để làm sáng tỏ thêm các tiềm năng và ưu điểm cụ thể về vấn đề hợp tác hướng tới một tương lai đô thị xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuấn Anh