Đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương ở Lào Cai. (Ảnh: Trung Hiếu/TGVN) |
Là tỉnh vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, đồng thời thuộc hai hành lang kinh tế lớn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn), Lào Cai là tỉnh biên giới có vị trí quan trọng về địa kinh tế, quân sự, đối ngoại, được ví là "cửa ngõ xung yếu" và "phên dậu của Tổ quốc".
Ngoài diện tích rộng và mật độ dân cư thấp (diện tích tự nhiên đứng thứ 19/63 và dân số đứng thứ 54/63 cả nước), Lào Cai còn được biết đến là nơi có "sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh"; có cửa khẩu quốc tế lớn và đầy đủ các loại hình giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế (đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không Sa Pa sẽ được khởi công xây dựng trong thời gian tới).
Có thể nói, tỉnh Lào Cai có nhiều thuận lợi và hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước. Trên cơ sở đó, Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước; đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Dựa trên những thế mạnh của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI xác định rõ hai lĩnh vực đột phá của tỉnh đến năm 2025. Một là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số. Hai là, phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó tập trung khu du lịch thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Y Tý (huyện Bát Xát); du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch bản sắc; dịch vụ chất lượng cao, hiện đại. Chú trọng dịch vụ phục vụ thúc đẩy nhanh tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu, phát triển ngành thương mại tỉnh Lào Cai theo hướng hiện đại.
Lấy du lịch làm mũi nhọn
Lào Cai được luôn là một trong những địa chỉ du lịch độc đáo, thu hút du khách trong nước và quốc tế với nhiều địa danh nổi tiếng như Sa Pa – tiểu Alps của miền nhiệt đới, đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương, cao nguyên trắng Bắc Hà…
Bên cạnh đó, Lào Cai còn nắm trong tay thứ nhiều tài sản quý giá chính là nền văn hóa đa dạng, có bản sắc riêng với 25 dân tộc; cùng kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và độc đáo; giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều loại khoáng sản quý, có chất lượng cao và trữ lượng lớn (apatit, sắt, đồng,…).
Hiện tỉnh Lào Cai có 53 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia; hơn 40 lễ hội truyền thống; nhiều bản, làng vùng cao còn được lưu giữ những nét truyền thống như Tả Phìn, Tả Van (Sa Pa), Na Lo, Bản Phố (Bắc Hà), Choản Thèn (Bát Xát).
Một lợi thế khác không thể không nhắc đến của tỉnh Lào Cai là điều kiện giao thông thuận lợi với đủ loại hình mang tính kết nối quan trọng với các tỉnh trong vùng và quốc tế. Đồng thời, Lào Cai còn là điểm du lịch kết nối các vùng miền của cả nước. Ở vị trí cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam, các nước ASEAN với thị trường rộng lớn Tây Nam, Trung Quốc, có 2 cặp cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt) thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ.
Với nguồn tài nguyên, văn hóa phong phú, đa dạng, Lào Cai đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai cũng nỗ lực, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân phát triển du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường quảng bá du lịch Lào Cai ở trong nước và quốc tế.
Đồng thời, tỉnh cũng tích cực quảng bá Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lào Cai với slogan “Find yourself in the Clouds – Tìm lại chính mình trong những đám mây”, nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số và tài nguyên tự nhiên hùng vĩ, phong phú, đa dạng của tỉnh.
Tầm nhìn của du lịch Lào Cai được xác định là đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Từ tầm nhìn đó, Lào Cai xác định những giá trị cốt lõi trong phát triển du lịch. Đó là điểm đến hàng đầu, trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đặc biệt là du lịch trải nghiệm thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng.
Với nhiều lợi thế riêng có, Lào Cai đã và đang là điểm đến thành công của các nhà đầu tư. (Ảnh: Trung Hiếu/TGVN) |
Rộng mở môi trường đầu tư kinh doanh
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được lựa chọn là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 được xác định khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
Là một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hiện có 2 khu công nghiệp (KCN) là KCN Bắc Duyên Hải và KCN Đông Phố Mới. Ngoài khu kinh tế cửa khẩu hiện có KCN Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt trên 82%.
Tỉnh Lào Cai cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản; áp dụng thuế suất ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; ưu đãi với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; chuyển lô; cơ chế giải phóng mặt bằng; thuế xuất nhập khẩu; hỗ trợ về lao động; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng…
Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp cũng được các cấp chính quyền tỉnh quan tâm. Đồng thời, tỉnh cũng rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định của Nhà nước, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, kinh doanh.
Trong thư ngỏ gửi các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cũng khẳng định tỉnh Lào Cai sẽ luôn là người bạn đồng hành và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”.
Công tác thu hút đầu tư của tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh với những thương hiệu nổi tiếng như: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn TNG, Tập đoàn CD, Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty Cổ phần KOSY... Giá trị các dự án mà các nhà đầu tư đăng ký đầu tư tại tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2020 - 2030 đạt 125.000 tỷ VND (tương đương 5,3 tỷ USD). Các dự án được đăng ký đầu tư tập trung vào các thế mạnh của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu...
Mùa Đông ở Sapa. (Ảnh: Nguyễn Hồng/TGVN) |
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2025, Lào Cai nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố ở mức khá về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số. Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu chính về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã hợp tác với các tập đoàn viễn thông như Viettel, VNPT để đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông vươn tới vùng sâu, vùng xa; phục vụ các nhiệm vụ chính trị, mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh và hưởng thụ cho người dân.
Cùng với đó, việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được chú trọng; xây dựng chính quyền số, như: Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh Lào Cai đang duy trì 1 Cổng chính (Cổng TTĐT tỉnh) và 102 cổng thành viên của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã… Lào Cai là một trong số ít tỉnh của cả nước đã kết nối được hệ thống truyền hình trực tuyến triển khai Nghị quyết từ cấp Trung ương đến tỉnh, huyện, xã.
Mục tiêu đến năm 2025, Lào Cai nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố ở mức khá về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số. Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu chính về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh chiếm khoảng 15-20%. Trên 50% doanh nghiệp vừa vả nhỏ sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, tham gia thương mại điện tử… Đến năm 2030 phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu thông suốt, đồng bộ trong 100% cơ quan trong hệ thống chính trị. Trên 80 % người dân có kĩ năng số cơ bản. Tiếp tục phát triển đô thị thông minh đồng bộ, góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững…
Có thể thấy, phát huy thế mạnh có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh Lào Cai đồng thời cũng xác định rõ chiến lược phát triển chuyển đổi xanh, chuyển đổi số theo xu hướng chung để hướng tới mục tiêu, đó là một Lào Cai thịnh vượng, hiện đại và bền vững.
| An Giang - Chặng đường 190 năm hướng đến phát triển bền vững Sau 190 năm thành lập và phát triển, tỉnh An Giang đang hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho ... |
| Bói bài tarot hàng ngày: Tình yêu hiện tại của bạn có bền vững không? Hãy thử bốc một lá bài tarot để xem tình yêu hiện tại của bạn và người ấy có bền vững lâu dài không nhé! |
| Chuyển đổi, tăng tốc, bứt phá: Doanh nghiệp vững bền – Quốc gia thịnh vượng Ngày 1/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) ... |
| Đại học Kinh tế Tp. HCM: Hợp tác và Phát triển bền vững Được thành lập từ năm 1976, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) là đại học công lập trọng điểm quốc gia và ... |
| 'Giáo dục bền vững cần hướng trẻ đến việc có một trái tim nóng và cái đầu lạnh' "Giáo dục bền vững mà chúng ta theo đuổi cần có sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, cần hướng các con đến ... |