TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động”, khi thảo luận về cuộc “tranh luận” bằng công hàm tại Liên hợp quốc (LHQ) trong vấn đề Biển Đông và tác động tới tương lai của tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các học giả khẳng định, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 có giá trị phổ quát và toàn diện, phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề trên biển.
Đây cũng là nội dung TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đề cập trong phiên khai mạc Hội thảo. Theo TS. Lan Dung, các quốc gia ngày càng đề cao vai trò và giá trị của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS do tính chất phổ quát và nhất quán của Công ước đã thiết lập khuôn khổ pháp lý, trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương được thực hiện. “Đây chính là các hành động thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật mà cộng đồng quốc tế mong muốn”, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh.
Công hàm của các nước đều trực tiếp và gián tiếp đề cập tới Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện năm 2016 của Philippines, phản đối tất cả các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ủy ban ranh giới thềm lục địa đã trở thành nơi lưu giữ chính thức tất cả các công hàm, công thư phản đối các yêu sách vùng biển thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhiều học giả khẳng định, không tồn tại một quy chế đặc biệt nào cho phép các quốc gia lục địa được vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo, quần đảo xa bờ. Bên cạnh đó, các công hàm, công thư trao đổi ở LHQ đã có những đóng góp giá trị trong việc làm rõ và củng cố lập trường pháp lý của các bên liên quan, đây là nguồn tài liệu quan trọng thể hiện quan điểm của các bên về vấn đề ở Biển Đông.
Theo các học giả, cuộc tranh luận bằng Công hàm là cách đấu tranh chính thức, hòa bình và mang lại sự minh bạch vì các nước dần làm rõ các yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển ở Biển Đông, đồng thời công bố công khai với cộng đồng quốc tế. Diễn biến pháp lý này cũng có thể là cơ sở tham khảo cho các bên trong quá trình đàm phán COC.
Đáng chú ý, có học giả còn đề xuất một số quốc gia ASEAN có quan điểm tương đồng trong vấn đề pháp lý có thể hướng tới một tuyên bố lập trường chung về Biển Đông.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức trong hai ngày 16-17/11, tại Hà Nội.