Huyện Tân Thạch nỗ lực tạo bước đột phá mới |
Tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững
Được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cấp, các sở, ngành tỉnh Long An và sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, cùng sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội huyện Tân Thạnh trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt 4.798 tỷ đồng/4.650 tỷ đồng, đạt 103,1% kế hoạch. Tổng diện tích lúa gieo sạ 85.440/72.700 ha, đạt 117% kế hoạch. Sản lượng lương thực cả năm đạt 499.668/451.700 tấn, vượt chỉ tiêu tỉnh, huyện giao. Thành lập mới thêm 02 HTX sản xuất nông nghiệp. Thu ngân sách 92,585 tỷ đồng, đạt 119,6% dự toán tỉnh. Tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện đạt 100%; khởi công 02 công trình trọng điểm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025. Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn huyện có 17 dự án khu dân cư, đô thị ưu tiên thực hiện thời kỳ 2021-2030; có 05 dự án huyện đang kêu gọi đầu tư thực hiện, có 21 dự án được nhà đầu tư về đăng ký đầu tư, trong đó, đăng ký đầu tư nhiều về cụm công nghiệp (05 dự án).
Đáng chú ý, với xuất phát điểm là một huyện thuần nông, huyện Tân Thạnh luôn quan tâm tăng cường công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), chuyển đổi cây trồng vật nuôi,...nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nông dân. Bên cạnh đó, Lãnh đạo huyện luôn khuyến khích nông dân tham gia vào mô hình lúa ƯDCNC, những dự án cánh đồng lớn. Trong năm 2022, chương trình phát triển các mô hình lúa ƯDCNC đã triển khai thực hiện 49 mô hình nhân rộng mới với tổng diện tích là 3.060,1/1.500 ha, đạt 204 % kế hoạch.
Thêm vào đó, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Tân Thạnh diễn ra nhanh chóng, đa dạng về chủng loại cây trồng và quy mô diện tích liên tục mở rộng. Trong đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi đối với các diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: cây mít, dừa, chanh, sầu riêng,… qua đó từng bước mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn cho người dân, góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
Để nâng tầm sản phẩm địa phương, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được huyện chú trọng thực hiện. Đến nay, huyện đã có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: Nấm Đông trùng hạ thảo, Nấm Linh chi, Nấm Bào ngư và Nấm Mộc nhĩ (Nấm mèo) của cơ sở sản xuất Nấm Bào ngư Thanh Nhàn (xã Tân Lập), gạo sạch Tân Thạnh ST25 của HTX Tân Thịnh (xã Nhơn Hòa Lập). Ngoài ra, huyện đang hỗ trợ các cơ sở làm hồ sơ, thủ tục để đánh giá, công nhận đạt chuẩn OCOP cho sản phẩm gạo tím Omega 3.6.9 của HTX Kiến Bình (xã Kiến Bình) và Bột sen Hải Nhơn của HTX Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Tân Thạnh đã đạt được những kết quả tích cực; bộ mặt nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục,… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Đến nay, toàn huyện có 11/12 xã đạt NTM, và huyện phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành các nội dung Bộ tiêu chí huyện NTM, để đến năm 2025 được công nhận huyện NTM.
Ông Lê Thanh Đông – Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh cho biết, để tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được huyện quyết liệt triển khai là tiếp tục xây dựng ngành nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiệu quả và gắn với thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất; triển khai các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC sát với kế hoạch và đúng theo quy trình. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, từng bước áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất cây trồng, vật nuôi. Triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lựa chọn những sản phẩm mang tính đặc trưng, lợi thế của huyện làm sản phẩm tiêu biểu chủ lực trong việc đột phá tiếp cận nền kinh tế hàng hóa của thị trường.
Ngoài ra, Lãnh đạo huyện cũng sẽ tăng cường chỉ đạo, điều hành, theo dõi thực hiện nghiêm từng nội dung trong chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ, quyết liệt triển khai thực hiện những giải pháp và phát huy tối đa mọi nguồn lực, những tiềm năng, lợi thế của huyện. Tiếp tục nỗ lực tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng của huyện. Trong đó, thu hút đầu tư từ nay đến năm 2025, huyện ưu tiên đầu tư lĩnh vực chỉnh trang thị trấn nhằm tạo vẽ mỹ quan đô thị, phát triển đô thị.
Đồng bộ cơ sở hạ tầng tạo động lực phát triển
Xác định kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện Tân Thạnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nhiều công trình từ trung tâm đến các vùng nông thôn trên địa bàn. Hiện, mạng lưới giao thông toàn huyện đã được đầu tư phát triển rộng khắp, các tuyến đường huyết mạch của huyện đều đã được nhựa hóa. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, hầu hết đều được nhựa hóa, đal hóa, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện vận chuyển hàng hóa. Trong đó, 100% xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm; hệ thống đường giao thông liên xóm, ấp hầu hết được cứng hóa.
Bên cạnh đó, Tân Thạnh đang ưu tiên nguồn lực để kết nối các tuyến giao thông nông thôn với QL 62, QL N2, đường ĐT 837, đường ĐT 829; đồng thời tiếp tục đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm như: công trình nâng cấp, mở rộng đê bờ Đông kênh Cà Nhíp chiều dài 8.382m (công trình kết nối từ trung tâm huyện Tân Thạnh đến huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) và công trình Đường số 3 kết nối từ thị trấn Tân Thạnh ra QL N2 kết hợp khai thác quỹ đất cặp 2 bên đường. Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần giúp cho kinh tế của huyện tiếp cận hòa vào xu hướng vận động của nền kinh tế toàn khu vực, tạo nền tảng vững chắc đưa huyện vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện NTM với sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Song song với hạ tầng giao thông, huyện Tân Thạnh còn chú trọng đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu khác để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình như: trụ sở làm việc, trường học, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, công trình thủy lợi,...trên địa bàn còn có 100% xóm, khu dân cư có lưới điện quốc gia và được phủ sóng Internet.
Nhằm tạo đột phá mới cho sự phát triển của huyện trong thời gian tới, trong giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Tân Thạnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để thi công các công trình theo danh mục được phê duyệt. Triển khai và thực hiện hoàn thành các công trình có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phát huy tốt vai trò của nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn. Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỷ thuật thiết yếu các cụm, tuyến dân cư và các khu dân cư tập trung; nhựa hóa 100% tuyến đường chính trên khu dân cư trung tâm xã. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ tăng cường thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng trung tâm thương mại; hình thành một số khu trung tâm dịch vụ, thương mại tại các điểm dân cư tập trung.
Long An nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư Nhằm thu hút đầu tư, tỉnh Long An đang nỗ lực xây dựng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm cải ... |
Huyện Bến Lức: Phát triển bền vững theo hướng Công nghiệp hoá – Đô thị hoá Với vị trí kết nối giao thông thuận lợi, môi trường xã hội an toàn, cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư và ... |