Đây là nội dung bài phân tích trên tờ Le Monde của Pháp ngày 14/7. Ngày 13/7 năm ngoái tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo 19 nước Eurozone đã đạt được thỏa thuận về chương trình cứu trợ mới cho Hy Lạp nhằm giúp Athens tránh được nguy cơ bị phá sản và có thể tiếp tục ở lại khu vực đồng tiền chung này.
Người dân Hy Lạp dường như đã mất hy vọng cải thiện điều kiện sống. (Nguồn: The National) |
Tuy nhiên, tờ Le Monde nhận định Hy Lạp sẽ phải mất nhiều năm mới có thể thoát khỏi những "di chứng" của cuộc khủng hoảng và cải thiện tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục trong Eurozone với 24,1%.
Tỷ lệ thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm lên đến 50,4%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như doanh thu của các công ty vừa và nhỏ Hy Lạp đều giảm 25% so với năm 2009.
Thậm chí, nhiều công ty vẫn đang tiếp tục phá sản trong khi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ Hy Lạp buộc phải áp dụng theo yêu cầu của chủ nợ quốc tế đã khiến người dân chán nản.
Theo kết quả cuộc khảo sát do Đại học Macédoine (Hy Lạp) thực hiện vào đầu tháng 7 này, 86% người dân Hy Lạp không hài lòng với các biện pháp của chính phủ, nhiều người cho rằng chính phủ đã đi không đúng hướng.
Theo các chuyên gia, người dân nước này đã mất hy vọng cải thiện điều kiện sống, cũng như không còn tâm trí biểu tình phản đối. Nhiều ý kiến cho rằng thay vì cắt giảm thu nhập của người dân, tăng các loại thuế như thuế doanh nghiệp, thuế nhà đất, thuế thu nhập và các khoản đóng góp xã hội, thì chính phủ nên cắt giảm chi tiêu của nhà nước và các chi phí quốc phòng, cắt giảm số lượng viên chức nhà nước.
Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia, năm tới sẽ là một năm tốt lành cho nền kinh tế và người dân "xứ sở các vị thần". Ủy ban châu Âu cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Hy Lạp sẽ đạt 2,7% vào năm 2017.