Ðồn Biên phòng Ia Nan nằm trên địa bàn xã biên giới xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Đường biên giới của xã tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc 10 km đường biên giới, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã vượt lên gian khó với tình yêu biên giới thiêng liêng.
Chiến sỹ đồn biên phòng Ia Nan cùng với người dân tuần tra biên giới. (Ảnh: TGCC) |
“Con biết ơn các bố bộ đội nhiều lắm…”
Thiếu tá Hoàng Tuấn Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan tâm sự: “Với phương châm xuyên suốt: ‘Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt’, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ còn có nhiệm vụ chính trị rất cơ bản là chăm lo, giúp nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây”.
Đặc biệt, Ia Nan là xã có tới 11 dân tộc anh em cùng sinh sống với 1.927 hộ, 7.939 khẩu, chủ yếu là dân tộc Jrai. Đời sống của bà con tuy đã có tiến bộ song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại, ý thức tự vươn lên dựng xây cuộc sống mới còn hạn chế, phương thức canh tác sản xuất còn xưa cũ, không hiệu quả là những vấn đề được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan đưa vào chương trình hành động giúp dân trong nhiều năm qua.
Thiếu tá Hoàng Tuấn Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan: “Với phương châm xuyên suốt: ‘Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt’, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ còn có nhiệm vụ chính trị rất cơ bản là chăm lo, giúp nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây”. |
Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Nan, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chúng tôi đến thăm cháu K Puih Trí, dân tộc Jrai, là trường hợp được đồn nhận làm con nuôi từ năm 2018, mới thật sự hiểu được tình cảm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan dành cho “đứa con đặc biệt” của đồn này. Từ một cậu bé 6 tuổi nhút nhát, khó gần, mặc cảm, K Puih Trí giờ đã trở thành cậu trai rắn rỏi, hay nói, hay cười.
Cơ duyên gắn kết Trí với Đồn Biên phòng Ia Nan đến từ những lần anh em chiến sĩ đi tuần tra địa bàn. Trung tá Hoàng Văn Hợp, Đội phó Đội vận động quần chúng là người hiểu rõ nhất hoàn cảnh của cháu. Hơn một tuổi, mẹ Trí đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bố sang xã khác lấy vợ. Trí ở với bà ngoại nhưng bà lại đông con, là hộ rất nghèo. Trí lớn lên thiếu vắng tình yêu thương của bố mẹ nên khá còi cọc, lại hay đau ốm. Vì vậy, anh em trong đồn đưa Trí về làm con nuôi với mong muốn giúp đỡ cháu thêm vững bước trong cuộc sống. Khi chúng tôi đến thăm, bà ngoại của K Puih Trí khóc thành tiếng: “Gia đình biết ơn bộ đội đã tạo điều kiện hỗ trợ, nuôi cháu giúp”.
K Puih Trí còn được đích thân Đồn trưởng Hoàng Tuấn Minh lái xe đưa về thành phố Pleiku chơi, cho đi ăn, mua sắm. Trí rơm rớm nước mắt rồi nói với chúng tôi: “Con biết ơn các bố bộ đội nhiều lắm…”.
| Hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia chính thức có hiệu lực TGVN. Ngày 22/12, Việt Nam và Campuchia đã tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định ... |
Tại các làng Tung, làng Nú, làng Sơn…, ngoài bà con là dân tộc bản địa người Jrai còn có bà con từ các miền quê phía Bắc vào định cư trên vùng biên giới này, họ làm công nhân cạo mủ cao su. Thời gian đầu, gần 90% số hộ trong thôn là hộ nghèo. Nhà cửa, đường sá đi lại tại khu vực này rất khó khăn, giao thông chia cắt. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan, đời sống người dân từng bước ổn định. Ông Rơ Ma Chiết, thôn trưởng làng Sơn tâm sự: “Được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan giúp đỡ mọi mặt, làm ăn kinh tế, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gia súc, tăng gia sản xuất, cuộc sống của bà con trong làng đã khá hơn trước rất nhiều, chỉ có bộ đội biên phòng mới có ‘cái bụng’ tốt như vậy thôi…”
Thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của bà con, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan phân thành sáu tổ công tác thường xuyên trực tại địa bàn thôn và đến từng hộ dân để hướng dẫn, giúp đỡ bà con mọi việc. Từ dựng nhà, sửa nhà, thu hoạch lúa, cà phê, cải tạo vườn tạp đến trồng rau, hỗ trợ chăn nuôi bò, gà… đều được cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng làm với bà con.
Từ năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Ia Nan tích cực triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, giúp đỡ ba học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng/tháng; Tuyên truyền, vận động được 18 em học sinh nhập học năm 2020; tặng 90 suất quà, mỗi suất 100 ngàn đồng cho các em học sinh nghèo vượt khó.
Đặc biệt, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Nan đã sáng tạo ra mô hình “Tiếng loa biên phòng” để tuyên truyền đến từng người dân trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền được phát bằng cả hai thứ tiếng Kinh và Jrai. Những chiếc loa di động được các chiến sĩ biên phòng buộc vào phía sau xe máy chở đi phát trên mọi tuyến đường trong xã.
Ông Rơ Lan Đức, Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan cho biết: Mô hình “Tiếng loa biên phòng” được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng, chống dịch cho Nhân dân trên địa bàn. Mô hình “Tiếng loa biên phòng” đã được nhân rộng, lan tỏa tới nhiều đơn vị khác trong toàn tỉnh.
Thường xuyên tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. (Ảnh: TGCC) |
Vững vàng “thế trận lòng dân”
Đồn trưởng, Thiếu tá Hoàng Tuấn Minh tâm sự: “Người dân chính là thành lũy vững chắc nhất. Vì vậy, với chức năng bảo vệ an ninh biên giới, lãnh thổ quốc gia, cán bộ, chiến sỹ biên phòng phải phát huy sức mạnh nhân dân, xây dựng cho được ‘thế trận lòng dân’ vững chắc. Muốn làm được điều đó, đơn vị luôn xác định phải sát dân, gần dân và phải có thật nhiều việc làm hiệu quả giúp dân”.
Đồn duy trì sáu tổ công tác thường xuyên đến từng thôn, từng nhà dân để thực hiện công tác vận động quần chúng với phương châm ba bám, bốn cùng là: “Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số”. Có những thôn xa đồn hàng chục cây số, anh em đi xe máy băng rừng, lội suối nhưng tuần nào cũng vậy, các tổ công tác không khi nào vắng mặt với bà con các dân tộc nơi đây.
Đồn duy trì sáu tổ công tác thường xuyên đến từng thôn, từng nhà dân để thực hiện công tác vận động quần chúng với phương châm ba bám, bốn cùng là: “Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số”. |
Nhiệm vụ cơ bản nhất là tập trung tuyên truyền cho bà con trên địa bàn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kết quả đã làm thay đổi nhận thức của quần chúng nhân dân trong lao động, sản xuất, chấp hành quy chế biên giới, luôn tin tưởng vào bộ đội biên phòng.
Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, do làm tốt công tác dân vận, người dân ở địa bàn biên giới hăng hái, tích cực tham gia các mô hình, phong trào như: Tiếng loa biên phòng, tự quản đường biên, cột mốc và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Khi được người dân tiếp sức, giúp đỡ, ủng hộ, mọi việc sẽ thuận lợi, thành công.
Chúng tôi có mặt ở Đồn Biên phòng Ia Nan trong những ngày cuối năm Canh Tý. Đêm trên biên giới gieo vào lòng chúng tôi quá nhiều cảm xúc. Đây là chủ quyền của Tổ quốc thiêng liêng cùng với đồng bào ruột thịt đang ngày đêm bám đất, giữ rừng để cùng bộ đội biên phòng canh giữ đất trời Tổ quốc. Chủ tịch Mặt trận xã Ia Nan - Rơ Châm Tưng nắm chặt tay Đồn trưởng Minh, Chính trị viên Hùng, nói: “Cán bộ à, người dân Ia Nan với bộ đội biên phòng như anh em một nhà thôi. Cái bụng của bộ đội tốt lắm, mang lại niềm vui cho dân làng mình đó”.
Trở lại Ia Nan, đến với bà con giữa núi rừng biên giới, trong mỗi chúng tôi dội về những âm hưởng từ cuộc sống sâu nặng tình quân dân cá - nước. Giữa mùa xuân Tây Nguyên, những người lính Đồn Biên phòng Ia Nan vẫn âm thầm thả bước tuần tra, lặng lẽ mang niềm vui, cuộc sống mới đến với buôn làng.