Sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng sạch đã hạn chế sự gia tăng lượng khí thải toàn cầu vào năm 2023. (Nguồn: IEA) |
Trong báo cáo cập nhật hàng năm về phát thải, IEA nêu rõ lượng phát thải CO2 liên quan đến ngành năng lượng trong năm 2023 tăng 410 triệu tấn so với năm trước đó, lên mức cao kỷ lục 37,4 tỷ tấn. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với mức tăng 490 triệu tấn ghi nhận năm 2022.
Theo IEA, đây là kết quả tích cực của những nỗ lực tăng cường công nghệ sạch, trong đó có tấm pin Mặt trời, tourbin gió, năng lượng hạt nhân hay ô tô điện. Nếu không có các công nghệ trên, mức tăng lượng phát thải CO2 liên quan đến ngành năng lượng trên toàn cầu trong 5 năm qua sẽ cao gấp 3 lần so với con số 900 triệu tấn đã ghi nhận.
Phát thải thấp ở các nền kinh tế tiên tiến
Theo báo cáo, hơn 40% lượng khí thải carbon liên quan đến ngành năng lượng tăng lên trong năm 2023 là do tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và các nước vốn phải cắt giảm sản lượng thủy điện và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nếu không xảy ra tình trạng thiếu nước, lượng khí thải carbon toàn cầu từ sản xuất điện sẽ giảm.
Trong khi lượng phát thải carbon tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ, song các nước công nghiệp tiên tiến ghi nhận mức giảm kỷ lục, ngay cả khi nền kinh tế của họ ghi nhận tăng trưởng. Cụ thể, lượng khí thải tại các quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, do nhu cầu than giảm chưa từng thấy kể từ những năm đầu thế kỷ XX.
Ngoài ra, báo cáo cho biết năm 2023 là năm đầu tiên ghi nhận ít nhất 50% năng lượng được tạo ra ở các nền kinh tế tiên tiến đến từ các nguồn phát thải thấp như năng lượng tái tạo và hạt nhân. Tại Trung Quốc, mặc dù lượng khí thải tăng, mức tăng công suất điện Mặt trời của quốc gia này trong năm 2023 bằng mức tăng của toàn thế giới trong năm 2022.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã trải qua một loạt thử thách trong 5 năm qua và đã chứng tỏ khả năng phục hồi. Ông Birol đánh giá: "Một đại dịch, một cuộc khủng hoảng năng lượng hay bất ổn địa chính trị đều có thể làm chệch hướng nỗ lực xây dựng hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên, thế giới đã chứng kiến điều ngược lại ở nhiều nền kinh tế".
“Niềm mơ ước” của các nhà hoạt động khí hậu
Ngày càng có nhiều công ty trên thế giới đang đặt ra mức giá hoặc mức phí cho mỗi tấn khí carbon thải ra, nhằm tính toán các khoản đầu tư và kinh doanh của mình để đáp ứng các khoản thuế ô nhiễm trong tương lai hoặc các quy định mới về khí hậu khác.
Mức giá này được thiết lập từ dưới 1 USD cho mỗi tấn khí thải carbon cho đến mức 1.600 USD của nhà sản xuất dược phẩm California Amgen đặt ra, cao nhất so với bất kỳ công ty nào trên toàn thế giới.
Các cơ quan quản lý cũng đưa ra một loạt mức giá, bao gồm cả “chi phí xã hội” đối với carbon của chính quyền Tổng thống Joe Biden, ở mức khoảng 200 USD, còn đề xuất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng mức giá này ít nhất phải là 85 USD trong năm 2030.
Việc đưa chi phí phát thải carbon dioxide và các loại khí thải nhà kính khác vào các quyết định kinh doanh là “niềm mơ ước” của nhiều nhà hoạt động khí hậu trong nhiều thập kỷ qua, nhằm buộc các tập đoàn cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Giám đốc toàn cầu về biến đổi khí hậu tại CDP, ông Amir Sokolowski cho biết mặc dù có nhiều chiến lược khác để làm như vậy nhưng việc không sử dụng công cụ này có thể dẫn đến các công ty khó có thể lập kế hoạch đầy đủ cho chi phí carbon thực tế trong trung hạn và dài hạn.
Báo cáo mới cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới rất không đồng đều. Ảnh minh họa. (Nguồn: Axios) |
Đầu tư năng lượng sạch ở đâu?
Theo ông Amir Sokolowski, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tiếp tục diễn ra nhanh chóng và hạn chế lượng khí thải, ngay cả khi nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng mạnh hơn vào năm 2023 so với năm 2022.
Các cam kết được đưa ra bởi gần 200 quốc gia tại COP28 ở Dubai vào tháng 12 cho thấy thế giới cần phải làm gì để hạn chế lượng khí thải ở một quỹ đạo đi xuống. Quan trọng nhất là cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo điều kiện cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch.
Từ năm 2019 đến 2023, tốc độ tăng trưởng của năng lượng sạch cao gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch. Phân tích mới của IEA cho thấy việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch trong 5 năm qua đã hạn chế đáng kể sự gia tăng nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch, tạo cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi chúng trong thập kỷ này.
Theo IEA, việc triển khai năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong các hệ thống điện trên toàn thế giới kể từ năm 2019 đủ để tránh mức tiêu thụ than hàng năm tương đương với mức tiêu thụ than của ngành điện của Ấn Độ và Indonesia cộng lại và làm giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên hàng năm tương đương với mức trước đây của Nga.
Số lượng ô tô điện ngày càng tăng, chiếm 1/5 doanh số bán ô tô mới trên toàn cầu vào năm 2023, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho nhu cầu dầu (xét về hàm lượng năng lượng) không tăng trên mức trước đại dịch.
Báo cáo giám sát thị trường năng lượng sạch của IEA cho thấy việc triển khai năng lượng sạch vẫn tập trung đa phần ở các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải có nỗ lực quốc tế lớn hơn để tăng cường đầu tư và triển khai năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Vào năm 2023, các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc chiếm 90% số nhà máy điện mặt trời và năng lượng gió mới trên toàn cầu cũng như 95% doanh số bán xe điện.
Việc triển khai công nghệ năng lượng sạch của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh khi nước này bổ sung công suất điện Mặt trời vào năm 2023 nhiều hơn cả thế giới đã làm vào năm 2022. Tuy nhiên, một năm tồi tệ lịch sử đối với sản lượng thủy điện và việc nước này tiếp tục mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, khiến lượng khí thải tăng khoảng 565 triệu tấn vào năm 2023.
Ở Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ khiến lượng phát thải tăng thêm khoảng 190 triệu tấn vào năm 2023. Gió mùa yếu hơn bình thường làm tăng nhu cầu về điện và cắt giảm sản lượng thủy điện, chiếm 1/4 tổng mức tăng phát thải của Ấn Độ. Lượng khí thải bình quân đầu người ở Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình thế giới.