📞

ILO: Đại dịch Covid-19 'đại náo' đến thu nhập của người lao động trên toàn thế giới

Nguyễn Hoàng 20:30 | 23/09/2020
TGVN. Tính riêng trong quý III/2020, thế giới dự báo sẽ mất 12,1% số giờ làm việc trên toàn cầu (tương đương 345 triệu việc làm toàn thời gian).

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 23/9 công bố đánh giá mới nhất về tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường lao động, trong đó nhấn mạnh những thiệt hại nặng nề về giờ làm việc khiến cho thu nhập của người lao động trên toàn thế giới giảm sâu.

Theo ILO, thu nhập lao động toàn cầu trong giai đoạn từ quý I-III/2020 ước tính đã giảm 10,7%, tương đương 3.500 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019. Con số này không bao gồm hỗ trợ thu nhập thông qua các biện pháp tài chính của chính phủ.

Theo ILO, đại dịch Covid-19 gây tổn thất lớn đối với thu nhập của người lao động trên toàn thế giới. (Nguồn: ILO)

Mức giảm mạnh nhất là ở các nước có thu nhập trung bình thấp, nơi tổn thất thu nhập của người lao động lên tới 15,1%. Trong số này, châu Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 12,1%.

Tổn thất về số giờ làm việc toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020 đã cao hơn đáng kể so với ước tính trong báo cáo trước đó được công bố vào cuối tháng 6.

Triển vọng trong quý IV/2020 đã xấu đi với tổn thất về giờ làm việc trên toàn cầu hiện được dự báo lên tới 8,6% so với cùng giai đoạn năm 2019, tương đương với 245 triệu việc làm toàn thời gian. Con số trên tăng khá cao so với ước tính trước đây của ILO là 4,9% (tương đương 140 triệu việc làm toàn thời gian).

Tính riêng trong quý III/2020, thế giới dự báo sẽ mất 12,1% số giờ làm việc trên toàn cầu (tương đương 345 triệu việc làm toàn thời gian).

Phân tích của ILO cho rằng lý do khiến tổn thất giờ làm việc dự kiến còn tăng là vì người lao động ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đặc biệt là những người thuộc các lĩnh vực kinh tế phi chính thức, đã bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi đại dịch Covid-19 so với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ.

Ngoài ra, ILO cũng nhận định khoảng cách trong các biện pháp kích thích tài chính có nguy cơ làm tăng bất bình đẳng giữa các nước giàu và các nước nghèo hơn. Phân tích của ILO chỉ ra rằng các biện pháp kích thích tài khóa có quy mô tính theo tỷ lệ % trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) càng lớn, thì tổn thất giờ làm việc càng thấp.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ hoạt động kinh tế và hạn chế giảm giờ làm việc, song các gói kích thích tài khóa lại tập trung ở các nước có thu nhập cao. Vì khả năng sử dụng các biện pháp tương tự của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khá hạn chế.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng khi Đại hội đồng Liên hợp quốc họp tại New York, cộng đồng quốc tế cần đặt ra một chiến lược phục hồi toàn cầu thông qua đối thoại, hợp tác và đoàn kết.

Không một nhóm nào, quốc gia hay khu vực nào có thể một mình đánh bại cuộc khủng hoảng này.

(theo Reuters)