Báo cáo của IMD dựa vào 4 chỉ số quan trọng để tiến hành đánh giá, bao gồm tính hiệu quả của nền kinh tế, sự điều hành hiệu quả của chính phủ, tính hiệu quả trong kinh doanh và cơ sở hạ tầng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Epoch Times) |
IMD cho rằng, với chỉ số hoạt động kinh tế nổi bật của mình (xếp thứ 2 trong số các nền kinh tế được khảo sát), Trung Quốc tỏ ra vượt trội so với những nền kinh tế khác ở các điểm liên quan đến nền kinh tế và việc làm trong nước, qua đó góp phần cải thiện thứ hạng của Bắc Kinh.
Theo phân tích của IMD, năng lực cạnh tranh của Trung Quốc tăng cao chủ yếu là nhờ sự hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu, qua đó giúp cải thiện rõ rệt tính hiệu quả của nền kinh tế, sự điều hành hiệu quả của chính phủ và sự hiệu quả trong kinh doanh của Trung Quốc.
Báo cáo của IMD còn cho biết, trong số 63 nền kinh tế được khảo sát, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn tiếp tục là khu vực có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới, trong khi Thụy Sỹ giữ vững vị trí thứ 2 của năm ngoái. Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4 sau khi bị Singapore chiếm mất vị trí thứ 3. Theo ông Arturo Bris, Giám đốc Trung tâm Cạnh tranh Toàn cầu và Tài chính của IMD, các nền kinh tế hàng đầu đang cho thấy một môi trường kinh doanh ngày càng thân thiện và cởi mở, do sức cạnh tranh đang được chính phủ và doanh nghiệp hết sức coi trọng.
Được công bố lần đầu tiên vào năm 1989, báo cáo năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của IMD đưa ra bảng xếp hạng thường niên dựa trên 260 chỉ số và 2/3 trong số đó là các chỉ số "cứng", trong đó bao gồm các số liệu thống kê về việc làm và thương mại. Các số liệu phụ dựa trên khảo sát của 6.250 giám đốc điều hành hàng đầu làm việc trong nhiều tập đoàn toàn cầu.