Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. |
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng trong năm nay, các thành viên của tổ chức 189 thành viên này sẽ bị tụt giảm về mức sống do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước. Sự bùng phát đột ngột của đại dịch Covid-19 làm cho dự báo mới của IMF đối với nền kinh tế toàn cầu được đưa ra trong tuần tới trở nên ảm đạm - và thậm chí có nguy cơ là hậu quả còn tồi tệ hơn dự kiến. Theo bà, trong năm 2020, hơn 170 quốc gia sẽ phải chịu những thay đổi về mức sống.
“Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng rất đặc biệt”, bà Georgieva nhấn mạnh trong bài phát biểu chuẩn bị cho cuộc họp liên quan đến đại dịch của IMF vào tuần tới.
Chỉ 3 tháng trước, IMF đã dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay. Tuy nhiên, “Covid-19 đã phá vỡ trật tự kinh tế và xã hội của chúng ta với tốc độ nhanh như chớp và ở quy mô mà chúng ta chưa từng thấy trong lịch sử. Virus corona đang gây ra sự mất mát bi thảm về mạng sống và việc phong tỏa để chống lại đại dịch đã ảnh hưởng đến hàng tỷ người”.
Theo Tổng Giám đốc IMF, hiện vẫn chưa chắc chắn về mức độ và thời gian của cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) nhưng rõ ràng là tăng trưởng toàn cầu sẽ âm trong năm 2020.
“Chỉ 3 tháng trước, chúng ta dự kiến tăng trưởng dương đối với thu nhập bình quân đầu người tại hơn 160 quốc gia thành viên trong năm 2020. Hôm nay, con số đó đã đảo chiều - hơn 170 quốc gia sẽ có mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người âm trong năm nay”.
Bà Georgieva nói rằng, cuộc khủng hoảng không có ranh giới địa lý và triển vọng ảm đạm đối với người tiêu dùng tại các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển; mọi người đều bị tổn thương.
Các biện pháp ngăn chặn cần thiết để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã được áp dụng, nền kinh tế thế giới đang có một cú hích đáng kể. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng đại dịch có khả năng tấn công mạnh vào các quốc gia dễ bị tổn thương nhất; hơn 90 quốc gia đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ IMF trong những tuần gần đây.
Thoái vốn từ các nền kinh tế thị trường mới nổi - được coi là rủi ro của các nhà đầu tư trong các cuộc khủng hoảng - đã lên tới khoảng 100 tỷ USD trong 2 tháng qua - nhiều hơn 3 lần so với số tiền thoái vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cảng Dover ở Kent, Anh quốc vắng vẻ trái ngược với thời điểm trước khủng hoảng do đại dịch Covid-19. (Nguồn: PA) |
Bà Georgieva nhấn mạnh sự cần thiết của cuộc họp vào tuần tới để giảm nợ và đồng ý tăng cường năng lực tài chính của IMF để có thể giúp các nước nghèo vượt qua khủng hoảng hiệu quả hơn. Các thị trường mới nổi và các quốc gia thu nhập thấp - ở châu Phi, Mỹ Latinh và phần lớn châu Á – đang có nguy cơ cao.
Với hệ thống y tế bắt đầu yếu hơn, nhiều nước phải đối mặt với thách thức khủng khiếp là chống lại virus SARS-CoV-2 ở các thành phố đông dân và khu ổ chuột nghèo đói - nơi mà cách ly xã hội gần như là bất cập, không phải là một lựa chọn.
Theo bà Georgieva, ngăn chặn và tăng cường hệ thống y tế vẫn là ưu tiên hàng đầu trong 4 ưu tiên của IMF. Ngoài ra, các chính phủ cần phải bảo vệ những công ty và nhân sự bị ảnh hưởng bằng các biện pháp tài chính lớn và kịp thời, giảm căng thẳng cho hệ thống tài chính và tránh để lại tác động xấu, đồng thời lên kế hoạch về sự hồi phục.
Tổng Giám đốc IMF cũng cho biết dấu hiệu đáng khích lệ là các chính phủ đã sớm áp dụng các biện pháp chống dịch và có sự phối hợp tốt hơn. Các chính phủ đã đồng ý các biện pháp tài chính - thuế và tiêu dùng - lên tới 8 triệu USD, bên cạnh các khoản kích thích lớn do các ngân hàng trung ương cung cấp.
“Không có gì nghi ngờ rằng năm 2020 sẽ đặc biệt khó khăn. Nếu đại dịch được khống chế vào nửa cuối năm, từ đó cho phép dỡ bỏ dần các biện pháp ngăn chặn và mở cửa lại nền kinh tế thì hy vọng của chúng ta là phục hồi một phần vào năm 2021.
Bà Georgieva nhấn mạnh rằng "chưa có sự đảm bảo chắc chắn xung quanh các triển vọng; nó có thể trở nên tồi tệ hơn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có thời gian diễn ra đại dịch".