IMF dự báo tăng trưởng đạt 6% trong năm 2022, lạm phát vẫn ở mức thấp so với mức trần của Ngân hàng Nhà nước. (Nguồn: PLO) |
Trong báo cáo kết luận đợt tham vấn Điều IV1 với Việt Nam vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá nền kinh tế Việt Nam hiện đang phục hồi và các chỉ số thống kê tần suất cao đều cho thấy đà tăng trưởng mạnh trong năm 2022, với doanh thu bán lẻ, sản lượng công nghiệp và số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đều đang tăng lên.
IMF dự báo, tăng trưởng đạt mức 6% trong năm 2022 khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường và Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội được triển khai thực hiện.
Theo IMF, mặc dù lạm phát đã tăng trong thời gian gần đây do giá hàng hoá thô tăng và những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với trần lạm phát của Ngân hàng Nhà nước do nền kinh tế còn hoạt động cầm chừng, và giá cả lương thực, thực phẩm và các mặt hàng do nhà nước quản lý giá tương đối ổn định.
Cùng với đó, chính sách tài khoá được kỳ vọng sẽ tiếp tục định hướng hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt thông qua triển khai Chương trình Phục hồi, Phát triển Kinh tế-Xã hội.
Chính sách tiền tệ được dự báo vẫn tiếp tục thận trọng trước rủi ro lạm phát. Các rủi ro gắn với nợ xấu, bất động sản, và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên được theo dõi chặt chẽ, và các khuôn khổ an toàn vĩ mô nên được tăng cường.
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá sự phục hồi trên thị trường lao động vẫn còn chậm chạp với tỷ lệ thiếu việc làm còn ở mức cao. Với thị trường lao động còn đang trì trệ, IMF đánh giá những thách thức về mặt cơ cấu vẫn tồn tại dai dẳng lâu nay, các điểm dễ tổn thương trong khu vực tài chính đang gia tăng.
Do đó, IMF lưu ý chính sách tài khoá cần giữ vai trò chủ đạo và được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình kinh tế luôn biến động.
Đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những cải cách cơ cấu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng. "Nên ưu tiên giảm thiểu những mất cân đối cung cầu kỹ năng lao động, thúc đẩy chuyển đổi số, và đảm bảo một sân chơi bình đẳng đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", nhóm giám đốc điều hành IMF khuyến nghị.
| Vững tin vào những thay đổi của kinh tế Việt Nam Kết thúc nửa chặng đường của năm 2022, sự hồi phục ngoạn mục của kinh tế Việt Nam sau nhiều khó khăn mang tính lịch ... |
| 'Vaccine' giúp doanh nghiệp Việt phục hồi và phát triển bền vững Chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế, gắn với các mô hình chuyển đổi số là một trong ... |