📞

Indonesia: Bắt kịp thời đại với phương thức ngoại giao mới

07:00 | 15/10/2016
Ngoại giao kỹ thuật số ở các nước phương Đông sẽ không còn hiếm gặp, kể cả ở Indonesia.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho rằng các phương tiện truyền thông xã hội có thể trở thành một công cụ cho các nhà ngoại giao trong việc bắt kịp thông tin và xây dựng hình ảnh đại diện cho Indonesia ở nước ngoài.

Việc không thể không làm

"Là một nhà ngoại giao, các bạn không thể không tận dụng lợi thế của các phương tiện truyền thông xã hội trong kỷ nguyên số hiện nay", bà Retno cho biết trong bài phát biểu khai mạc sự kiện Kompasianival ở Nam Jakarta tuần đầu tháng 10.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia yêu cầu các nhà ngoại giao nước này phải thay đổi để thích nghi với thời đại kỹ thuật số. (Nguồn: JakartaGlobal)

Theo bà, 3 yếu tố là khoa học công nghệ, tinh thần đồng đội tuyệt vời, và trách nhiệm cao của người công chức chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề ngoại giao. Tuy vậy, trích dẫn quan điểm từ cuốn sách "Naked Diplomacy" của Tom Fletcher, bà cho biết các nhà ngoại giao cần phải điều chỉnh cách họ làm việc để thích ứng với yêu cầu hiện nay của thời đại kỹ thuật số, trong đó bao gồm cả việc biết triển khai các hoạt động ngoại giao trên phương tiện truyền thông xã hội.

Vị Ngoại trưởng cho biết, những thuận lợi chính mà ngoại giao kỹ thuật số mang lại là tốc độ, độ chính xác và trung thực.

"Sai lầm lớn nhất là chúng ta chưa sử dụng các phương tiện này để làm ngoại giao", Retno cho biết. Bà nói thêm rằng tham gia vào các nền tảng truyền thông xã hội để chủ động tiến hành hoạt động ngoại giao là việc không thể tránh khỏi trong thời đại ngày nay.

Theo bà, với cách thức làm việc cũ, cần phải mất 2-3 ngày thông tin mới đến tay của Bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng giờ đây, khi nhu cầu phải phản hồi và giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng ngày càng tăng lên thì tính kịp thời của thông tin đã trở thành yếu tố có vai trò quan trọng khi đưa ra quyết định.

"Nếu các cơ quan đại diện ngoại giao của Indonesia có thể đưa ra các báo cáo tức thời về các vấn đề khẩn cấp như thiên tai, tình trạng con tin,...chúng tôi [ở Jakarta] ngay lập tức có thể phân tích những gì đang diễn ra", Bộ trưởng nói, "để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tốc độ thông tin là yếu tố mỗi nhà ngoại giao cần phải nắm vững".

Nhanh nhạy mà vẫn xác thực

Tuy nhiên, bà Retno cho biết không nên vì áp lực phải truyền tin nhanh mà quên đi tính chính xác, nhà ngoại giao luôn phải ghi nhớ việc xác nhận thông tin, đặc biệt là khi thông tin đó khai thác từ các phương tiện truyền thông xã hội.

"Niềm tin của công chúng sẽ giảm nếu thông tin chính phủ đưa ra không chuẩn," Retno cho biết. "Chúng ta không thể che giấu bất cứ điều gì trong thời đại kỹ thuật số này. Đó là lý do tại sao cần phải trung thực khi nói với công chúng điều gì đang thực sự xảy ra".

Và bà Bộ trưởng kết luận rằng dù kết nối cơ sở hạ tầng, nhất là trong khoa học công nghệ rất quan trọng nhưng quan trọng hơn cả vẫn là kết nối giữa con người với con người. Hiện nay, không có bất kỳ lĩnh vực nào có thể miễn nhiễm với sự gián đoạn kỹ thuật số và hoạt động gián điệp. Cả hai nghề nghiệp là ngoại giao, và tình báo (gián điệp) đang phải điều chỉnh phương thức hoạt động của mình để cùng có thể vừa bắt kịp vừa tận dụng được những tiến bộ công nghệ.

(theo Jakartaglobe)