📞

Indonesia đã sẵn sàng cho CMCN 4.0

16:32 | 12/09/2018
Tham gia Diễn đàn kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 lần này, Indonesia có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp (start – up) đông thứ 2, chỉ sau Singapore. Chia sẻ với Thế giới và Việt Nam, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi cho biết, Indonesia đã sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0. 
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi

Indonesia đang chuẩn bị mọi nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 với một loạt những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, blockchain, công nghệ in 3D… Những công nghệ này đang góp phần chuyển đổi mạnh mẽ các nền kinh tế, hệ thống chính trị, xã hội và đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà lãnh đạo cũng như các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia.

Năm 2017, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia đã vượt mốc 1.000 tỷ USD với dân số khoảng 265 triệu người, trong đó có 132,7 triệu người đang sử dụng internet, khoảng 177,9 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và có đến 130 triệu người dùng mạng xã hội. Với những tiềm năng to lớn đó, Indonesia đã sẵn sàng cho CMCN 4.0 và đang xây dựng lộ trình hướng tới một Indonesia 4.0. Indonesia cũng đang nỗ lực phấn đấu trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Chính phủ Indonesia đã lựa chọn 5 lĩnh vực then chốt để bước đầu ứng dụng những công nghệ mới của Công nghiệp 4.0 bao gồm: Thực phẩm, Dệt may, Ô tô, Hóa chất và Điện tử. Đây đều là những ngành công nghiệp yêu cầu trình độ tự động hóa cao trong tương lai và đều là những lĩnh vực chủ chốt, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của Indonesia.

Hiện nay, khu vực Đông Nam Á đang nổi lên 10 công ty khởi nghiệp “kỳ lân” có giá trị hơn 1 tỷ USD và hoạt động vận hành trên nền tảng thương mại điện tử (e-commerce) bao gồm Go Jek, Traveloka, Tokopedia, Bukalapak, Grab, Lazada, Sea, Garena, Razer và VNG. Và bốn trong số công ty này như Go Jek, Traveloka, Tokopedia, and Bukalapak đều là những cái tên đến từ Indonesia.

Là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á nên có thể nói tiềm năng của Indonesia cho cuộc CMCN 4.0 là tương đối lớn. Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi hiện có số lượng các công ty khởi nghiệp “kỳ lân” nhiều nhất trong ASEAN.

Về đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0, Indonesia cũng dành nguồn ngân sách rất lớn cho việc đào tạo, trang bị kỹ năng cho người lao động để đáp ứng các yêu cầu của các ngành Công nghiệp 4.0. Nhờ có sự cải tiến và đổi mới trong giáo dục và đào tạo, những năm qua ngành thương mại điện tử của Indonesia đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như Thời trang (2,74 tỷ USD); Du lịch – Nhà ở (2,42 tỷ USD); Nội thất (1,29 tỷ USD)…

Nếu so với những quốc gia khác trong khối ASEAN, Indonesia cũng không có nhiều điểm khác biệt. Do đó, Indonesia cần kết nối và hợp tác nhiều hơn nữa với các quốc gia ASEAN trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Indonesia cũng đang huy động nhiều nguồn lực khác nhau trong giới doanh nghiệp, học giả, nhà hoạch định chính sách để cùng nghiên cứu, tìm ra những hướng đi phù hợp với nước mình trong bối cảnh mới.

Tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trong lộ trình xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số. Đất nước các bạn cũng có nhiều lợi thế so sánh trong những ngành công nghiệp chủ chốt như Indonesia. Vì vậy, nếu tiếp tục đẩy mạnh khai thác thế mạnh, tiềm năng mà các bạn đang sẵn có, Việt Nam sẽ sớm phát triển và bắt kịp với nền kinh tế kỹ thuật số, như những gì mà Indonesia đang làm.