📞

Indonesia “khát” vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

20:08 | 02/11/2016
Thiếu vốn trầm trọng cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Indonesia tìm cách huy động vốn từ các ngân hàng lớn, đặc biệt là từ AIIB.

Indonesia hiện đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng với nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ USD trong những năm tới, trong khi đó, nền kinh tế của nước này cũng đang gặp phải không ít khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới cũng như khu vực. Chính vì vậy, để thực hiện được kế hoạch của mình, đất nước vạn đảo này cần trông chờ vào nguồn vốn đầu tư từ các ngân hàng lớn trên thế giới, trong đó có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB).

Xung quanh vấn đề này, báo “Jakarta Post” số ra mới đây có đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế Prashanth Parameswaran với tựa đề “Indonesia quan tâm đến vốn đầu tư từ AIIB”, nội dung như sau:

Khi AIIB do Trung Quốc chi phối công bố các khoản cho vay đầu tiên, người ta không ngạc nhiên khi Indonesia nằm trong số các quốc gia được nhận các khoản cho vay này. Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi), nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã tích cực ủng hộ việc thành lập AIIB, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh để huy động vốn cho việc thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của nước này.

Thiếu vốn trầm trọng

Indonesia hiện đang thiếu vốn trầm trọng cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, quốc gia này hiện đang bị xếp hạng thứ 81 trên thế giới về cơ sở hạ tầng, tụt hậu đáng kể so với các quốc gia thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Singapore, Malaysia, Thái Lan, thậm chí còn thua cả Lào. Lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Indonesia được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với chi phí cho lĩnh vực này ước tính lên tới 26% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn rất nhiều so với mức 8% của Singapore hoặc 14% của Malaysia.

WB ước tính rằng trong vòng 5 năm tới, Indonesia sẽ cần số tiền lên đến 600 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng. (Nguồn: The Business Times)
"Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 10/2014 đến nay, Tổng thống Jokowi đã coi phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những ưu tiên của ông. Ông đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng các cảng biển, đường sắt và đường bộ với mong muốn sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng lên đến 7%/năm. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm cách nào để huy động được nguồn vốn cho lĩnh vực này". (Jakarta Post)

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng trong vòng 5 năm tới, Indonesia sẽ cần số tiền lên đến 600 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi đó ngân sách của chính phủ cho lĩnh vực này gần đây đã bị cắt giảm từ 104 nghìn tỷ Rupiah xuống còn 97 nghìn tỷ Rupiah (tương đương 7,4 tỷ USD) năm 2016 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, doanh thu bị thiếu hụt.

Các quan chức Indonesia cho biết vấn đề này sẽ được cải thiện trong năm tới. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng được khoảng 40% trong số 5.519 nghìn tỷ Rupiah tổng số tiền đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng của nước này trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Jokowi.

Kỳ vọng vào AIIB

Để khắc phục tình trạng này, Indonesia cần phải huy động các nguồn vốn từ các ngân hàng lớn trên thế giới như WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đặc biệt là AIIB. Nhận thấy tiềm năng từ nguồn vốn của các ngân hàng này, Tổng thống Jokowi đã tích cực thúc đẩy quan hệ với chính quyền Trung Quốc. Tại các cuộc gặp giữa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Jokowi đã bày tỏ mong muốn quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc ngày càng gắn kết, đạt “kết quả cụ thể” hơn và ông kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Indonesia.

Tổng thống Jokowi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: BBC)

Trung Quốc hiện cũng rất hào hứng trong việc đầu tư, phát triển quan hệ với Indonesia. Hiện nay, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, rất nhiều dự án mới đã được cấp phép và đang được triển khai tại đây. Trung Quốc cũng coi việc hợp tác với Indonesia nằm trong chiến lược của nước này trong việc gây ảnh hưởng lên quốc gia lớn nhất trong ASEAN nhằm thúc đẩy chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong khu vực cũng như chiến lược “Con đường Tơ lụa trên biển” của mình.

Indonesia hiện đã nhận được khoản cho vay đầu tiên của AIIB với số tiền là 216,6 triệu USD trong tổng số tiền cam kết là 1,743 tỷ USD để cải tạo, phát triển 154 khu ổ chuột, thành phố ở các tỉnh miền Đông và miền Trung của nước này. Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Tổng thống Jokowi mong muốn AIIB đáp ứng 1/3 số vốn phát triển cơ sở hạ tầng của nước này. Indonesia hiện cũng đã đề xuất với ngân hàng này về các dự án trong năm 2016 và 2017 với số tiền là 2 tỷ USD, cho dù ông không nói chi tiết là sẽ tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, xây dựng đường sá hay hệ thống lọc nước. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ rằng Tập đoàn Điện lực Quốc gia Indonesia (PLN) đã có kế hoạch sản xuất 10.000 MW điện.

Mặc dù kỳ vọng nhiều vào nguồn vốn từ AIIB, nhưng trên thực tế không phải là không có những rắc rối, phức tạp khi vay vốn từ ngân hàng này. Thực tế là hiện nay, việc giải ngân rất chậm, kèm theo những thủ tục giấy tờ rườm rà. Bên cạnh đó, các nhà thầu Trung Quốc thường hay đi kèm các điều khoản trong hợp đồng, đó là sử dụng nguyên vật liệu, nhân công… từ Trung Quốc khiến cho chính quyền của Tổng thống Jokowi phải đau đầu cân nhắc. Một số dự án sử dụng đất có liên quan tới an ninh, quốc phòng đã vấp phải sự phải đối mạnh mẽ của người dân Indonesia.

Để hiện thực hóa cam kết phát triển cơ sở hạ tầng trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Indonesia, ông Jokowi hiện đang rất cần những nguồn vốn khác nhau để thực hiện. Tuy nhiên, lựa chọn như thế nào để vừa đáp ứng được yêu cầu lại vừa thể hiện được tính độc lập, tự chủ trong quan hệ với Trung Quốc, tránh bị dư luận phản ứng là bài toán đang đặt ra đối với chính quyền của Tổng thống Jokowi.

(theo Jakarta Post)