Khách sạn Palais Coburg - nơi diễn ra đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày 27/12/2015. (Nguồn: AFP) |
Các nhà đàm phán của Iran và 5 cường quốc thế giới đã nối lại đàm phán vào ngày 27/12 tại Vienna (Áo) trong nỗ lực phục hồi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Đây là vòng đàm phán thứ 8 và được nối lại 10 ngày sau khi quá trình đàm phán bị hoãn lại để nhà đàm phán Iran trở về nước tham vấn ban lãnh đạo. Vòng đàm phán trước đó, vòng đàm phán đầu tiên sau hơn 5 tháng gián đoạn do cuộc bầu cử tổng thống ở Iran đã diễn ra với bầu không khí căng thẳng.
Iran vẫn kiên quyết yêu cầu Mỹ và các đồng minh cam kết gỡ bỏ các đòn trừng phạt đối với nước này, cụ thể trong cuộc đàm phán lần này là gỡ bỏ các đòn trừng phạt liên quan đến ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu thô của Tehran.
Nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu Enrique Mora, người chủ trì cuộc đàm phán lần này, đã cảnh báo rằng những khó khăn vẫn chờ đợi phía trước, trong bối cảnh tiến trình đàm phán tiến triển chậm chạp.
Bình luận sau phiên khai mạc, ông Enrique Mora thừa nhận: "Nếu chúng ta tích cực làm việc trong những ngày và tuần tới, chúng ta sẽ đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, các bên sẽ phải đưa ra những quyết định chính trị hết sức khó khăn".
Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt mà Iran và các cường quốc gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga và Trung Quốc đã ký hồi năm 2015 đã gỡ bỏ trừng phạt đối với Tehran để đổi lại việc nước Cộng hòa Hồi giáo này giảm các hoạt động phát triển hạt nhân.
Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này, đồng thời áp đặt những đòn trừng phạt mới đối với Iran, bao gồm những đòn trừng phạt nhằm vào lĩnh vực khai thác và xuất khẩu dầu thô vốn là nguồn thu chính của nền kinh tế Iran. Xuất khẩu dầu thô của Iran đã sụt giảm mạnh và các công ty dầu khí quốc tế đã hủy bỏ hợp đồng với Tehran, đẩy nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo vào tình trạng ngày càng suy kiệt.
"Gỡ trừng phạt" - yêu cầu bất di bất dịch
Phát biểu tại Tehran trước vòng đàm phán ngày 27/12, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian tuyên bố, Tehran muốn vòng đàm phán tiếp theo sẽ tập trung vào những đòn trừng phạt đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.
Mục tiêu của Iran là đạt được sự nhất trí của các bên để có thể tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ mà không chịu bất kỳ rào cản nào và nguồn thu nhập từ dầu mỏ sẽ được chuyển vào ngân hàng của Iran.
Ngoại trưởng Iran cho biết, Tehran muốn được hưởng những nhượng bộ kinh tế đầy đủ theo thỏa thuận hạt nhân. Ông khẳng định: "Việc đảm bảo và xác minh gỡ bỏ các đòn trừng phạt là một trong số những chủ đề mà chúng tôi nhắm tới".
Chính quyền mới của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã không ngừng yêu cầu gỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế trước khi Tehran giảm bớt các hoạt động phát triển hạt nhân của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh hôm 27/12 cũng nói rằng việc phương Tây đòi hỏi bất kỳ điều gì từ Tehran vượt quá việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 đều là hông thể chấp nhận được.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran đã dần từ bỏ những giới hạn mà thỏa thuận đặt ra đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Tehran hiện làm giàu urani ở mức độ tinh khiết 60%, một bước ngắn về mặt kỹ thuật để tiến đến cấp độ chế tạo vũ khí. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này mang mục đích hòa bình.
Tuy nhiên, những bước phát triển hạt nhân đáng kể của Iran đã khiến Israel và các cường quốc thế giới lo ngại. Giới ngoại giao đã cảnh báo rằng không còn nhiều thời gian để khôi phục thỏa thuận hạt nhân khi Tehran vẫn duy trì đường lối cứng rắn về việc khăng khăng yêu cầu Mỹ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Bình luận trên Twitter sau khi việc nối lại đàm phán được công bố, Đại sứ Mikhail Ulyanov, Trưởng phái đoàn đại diện của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, viết: "Chúng ta cần hướng tới việc hoàn tất thành công các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt, thích hợp là vào đầu tháng 2/2022".
Giới hạn cho đàm phán
Giới chức ngoại giao châu Âu nhấn mạnh sẽ không cho phép các cuộc đàm phán hạt nhân kéo dài thêm nữa và thời hạn chót cuối cùng để hoàn tất các vòng đàm phán này có thể vào đầu tháng 2/2022.
Các nhà ngoại giao châu Âu chỉ ra rằng các cuộc đàm phán đã được khởi động rồi sau đó bị trì hoãn 3 tháng để chính quyền mới của Tehran đánh giá lại quan điểm và lập trường đàm phán.
Nhà ngoại giao Enrique Mora thừa nhận rằng quyết định tái khởi động cuộc đàm phán hạt nhân lần này dựa trên tính cấp thiết của vấn đề.
Ông Mora nhấn mạnh: "Cuộc đàm phán cần phải kết thúc trong một khoảng thời gian tương đối hợp lý. Mặc dù không đặt ra giới hạn song chúng ta sẽ đàm phán trong những tuần tiếp theo chứ không phải những tháng tiếp theo".
Các cường quốc đều nỗ lực cứu vớt thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng vẫn nghi ngờ Tehran đang "câu giờ". Mỹ vẫn tham gia gián tiếp trong các cuộc đàm phán nhằm cứu vớt thỏa thuận mà Tổng thống Joe Biden muốn đưa Mỹ quay trở lại. Việc Iran từ chối đàm phán trực tiếp với giới chức Mỹ cũng khiến Washington bất bình, cho rằng định dạng đàm phán như hiện nay làm chậm tiến trình đàm phán.