📞

Iran giữa tâm bão: Cương nhu đối lập

Phan Quân 14:00 | 08/08/2019
TGVN. Giữa tâm bão của khủng hoảng tại Vùng Vịnh, nội bộ Iran đang bất nhất trong xử lý quan hệ với Washington, khiến chính sách đối ngoại của Tehran khó đoán định hơn. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam
Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) trong một cuộc họp Chính phủ ngày 14/5/2019. (Nguồn: AFP)

Ngày 6/8, Iran tiết lộ đã phát triển thành công ba loại tên lửa dẫn đường chính xác. Các tên lửa “Yasin”, “Balaban” sẽ được trang bị cho các máy bay chiến đâu trên không, trong khi tên lửa tầm nhiệt “Qaem” có thể công kích các mục tiêu với tầm bắn 50 km, sai số không quá 50 cm và dễ dàng lắp đặt trên các máy bay không người lái hay máy bay chiến đấu.

Tiền hậu bất nhất

Cũng trong ngày 6/8, Tổng thống Hassan Rouhani lại cho rằng, điều kiện tiên quyết để Mỹ có thể thương thuyết với Iran là dỡ bỏ tất cả cấm vận, cáo buộc chúng là “khủng bố kinh tế”, khẳng định chiến lược “áp lực tối đa” sẽ không thể thay đổi chế độ Iran. Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi, trong thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đã phản đối lệnh trừng phạt mà ông cho là “bất hợp pháp” của Mỹ.

Hàng loạt tuyên bố khác nhau này cho thấy, có sự bất nhất quan điểm của giới chức Iran trong xử lý căng thẳng với Mỹ. Một bộ phận, đứng đầu là Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei và lực lượng Vệ Binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tiếp tục cứng rắn với xứ cờ hoa, sẵn sàng xung đột quân sự một khi bị kích động. Bộ phận còn lại, gồm có Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng M. Javad Zarif, theo đuổi chính sách mềm mỏng hơn, tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu, phủ nhận tính chính danh các lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ. Cả hai bên đều có những lý do của riêng mình.

Đối với phe cứng rắn, họ đã, đang và sẽ không bao giờ quên những gì Iran hứng chịu từ Mỹ.

Nhìn về lịch sử…

Bản thân Nhà nước Hồi giáo Iran được xây dựng dựa trên cuộc đấu tranh chống lại Vương triều Pahlavi do Washington hậu thuẫn. Các lệnh cấm vận và trừng phạt đơn phương của Mỹ không khiến Iran sụp đổ mà chỉ càng làm nỗi oán hận thêm sâu. Đây là lý do Iran, bất chấp tiềm lực kinh tế bị hạn chế, vẫn tiếp tục chống Mỹ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Mặt khác, Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei và IRGC có cơ sở để tự tin vào cuộc trường kỳ kháng chiến này. Nền kinh tế Iran, bất chấp các lệnh cấm vận từ Mỹ, vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ lớn đến từ Nga và Trung Quốc thông qua các khoản viện trợ và hợp đồng mua bán dầu mỏ, khí đốt với giá rẻ.

Về mặt quốc phòng, bên cạnh Quân đội thường trực, IRGC với 125.000 người là thế lực đáng gờm trên chiến trường và chính trường. Ước tính, cơ quan này hiện nắm giữ gần 1/3 nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, năng lượng và viễn thông, với kênh truyền hình riêng và sự ủng hộ của nhiều chính trị gia.

Trên chiến trường, đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Tối cao và được phép sử dụng mọi loại vũ khí khác nhau để tiêu diệt kẻ thù khi cần thiết. Lực lượng Quds thuộc IRGC, với biên chế chỉ 5.000 người, được đánh giá là vô cùng nguy hiểm khi là đầu não triển khai các hoạt động chống phương Tây tại các vùng lân cận. Những cơ sở này giải thích tại sao nhiều quan chức Iran không hề nao núng khi phải đối mặt với áp lực đến từ cường quốc số một thế giới.

Hay mở bước tương lai?

Tuy nhiên, có phe chủ chiến thì ắt sẽ có phe chủ hoà và Iran không phải là ngoại lệ. Đứng đầu là Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javid Zarif, phe này chủ trương sử dụng các công cụ ngoại giao nhằm khiến Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và ngồi lại vào bàn đàm phán nhằm thương thảo một JCPOA mới.

Một trong số đó chính là sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc đối với Iran về chính trị, kinh tế và quân sự. Sự hiện diện của hai “ông lớn” này trong Hội đồng Bảo an đồng nghĩa với việc các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ sẽ khó có thể được phê chuẩn. Khi đó, Tehran sẽ có cớ để chỉ trích các cấm vận đơn phương của Washington là vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump đã một mình xé bỏ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) với những cáo buộc không rõ ràng.

Một yếu tố khác đang được phe này tận dụng triệt để là lập trường của Liên minh châu Âu (EU). Pháp và Đức hiện vẫn chủ trương níu giữ Iran trong JCPOA bởi họ tin rằng, tuân thủ hiệp định này là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể chỉ trích cách tiếp cận của hai quốc gia châu Âu, song vô hình chung vẫn không thể quay lưng hoàn toàn với EU và lập trường của khối này trong vấn đề Iran.

Cuối cùng, phe này luôn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Mỹ, ngay cả trong những tình huống xấu nhất. Một cuộc chiến tranh tốn kém về tiền bạc và con người chưa bao giờ là sự lựa chọn tốt đối với bất kỳ chính trị gia nào, dù người đó có là lãnh đạo quốc gia Hồi giáo hay nguyên thủ Mỹ.

Sự khác biệt về lập trường này đã khiến chính sách của Tehran đối với Washington trở nên thú vị hơn bao giờ hết: Iran không muốn chiến tranh, song cũng chẳng nhún nhường trước áp lực đến từ Mỹ.

Trong bối cảnh đó, thời gian tới, Iran nhiều khả năng sẽ tiếp tục kiên trì chống chọi trước áp lực đến từ Mỹ. Sức chịu đựng của Tehran là có hạn, song thời gian dành cho Washington cũng chẳng còn nhiều. Nếu không có sự can dự đến từ bên thứ ba khiến tình hình chuyển biến theo chiều hướng xấu, thực trạng này sẽ được duy trì, ít nhất là cho đến trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Cho đến lúc đó, "mèo nào cắn mỉu nào" vẫn chỉ là câu chuyện quan điểm cá nhân mà thôi.

Phan Quân