Iran có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai và là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư trên thế giới. (Nguồn: Bloomberg) |
Nhà cung cấp năng lượng thay Nga
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, chủ đề cấm vận năng lượng đối với Nga ngày càng được tranh luận sôi nổi, cùng với đó là việc tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng thay thế.
Đối với Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu và là quốc gia phụ thuộc rất lớn vào khí đốt và dầu mỏ từ Nga, vẫn chưa rõ quốc gia nào có thể là nhà cung cấp năng lượng thay thế Nga. Do đó, Đức vẫn đang phải cố gắng đa dạng hóa nguồn cung với nhiều nhà cung cấp mới.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vừa qua đã tới Qatar với mục đích đó. Quốc gia nhỏ bé này có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn, được lưu trữ trong các mỏ khí dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển Qatar. Tuy nhiên, khả năng để Qatar có thể đáp ứng ngay tất cả nhu cầu của Đức là không dễ dàng.
Iran cũng nhiều lần được nhắc đến như một nhà cung cấp năng lượng tiềm năng, nhất là khi tiến trình đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới giữa các nước phương Tây và nước này có tiến triển tốt.
Theo thông báo chính thức từ cả hai bên, một thỏa thuận hạt nhân mới sắp hoàn thành. Iran cam kết giảm hoạt động làm giàu uranium và phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Hồi giáo này.
Iran có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai và là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư trên thế giới. Nếu thỏa thuận hạt nhân mới được ký kết, Tehran một lần nữa sẽ trở thành đối tác thương mại hợp pháp và nhà cung cấp năng lượng tiềm năng.
Điều này sẽ rất đáng chú ý, đặc biệt là trên thị trường dầu mỏ. Chuyên gia kinh tế Ali Vaez từ tổ chức International Crisis Group cho rằng việc công bố một thỏa thuận hạt nhân mới sẽ có tác động ngay lập tức đến tâm lý thị trường dầu mỏ.
Hiện giá dầu trên thị trường thế giới đang ở mức hơn 100 USD/thùng, mức rất cao trong vòng 10 năm qua.
Iran có thể giúp tăng nguồn cung và do đó làm giảm giá dầu. Một khi các lệnh trừng phạt thương mại được dỡ bỏ, Tehran ngay lập tức có thể xuất xưởng hàng trăm nghìn tấn dầu mỗi ngày.
Trong vòng vài tháng, Iran có thể tăng sản lượng từ 1 triệu lên đến 1,5 triệu tấn mỗi ngày. Mặc dù khối lượng đó vẫn không thể thay thế năng lực giao hàng khoảng 7 triệu tấn mỗi ngày của Nga, nhưng đó sẽ là một bước khởi đầu mới.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cũng nhấn mạnh rằng Tehran có "năng lực cần thiết" để cung cấp cả khí đốt cho các nước láng giềng và thậm chí cả châu Âu.
Với khối lượng khí đốt tự nhiên ước tính vào khoảng 34.000 tỷ mét khối, Iran là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, hầu hết trữ lượng đó chưa được khai thác. Iran xuất khẩu tối đa 25 tỷ mét khối mỗi năm. Để so sánh, lượng khí đốt xuất khẩu của Nga lên tới khoảng 180 tỷ mét khối/năm.
Tin liên quan |
Nga có ý riêng trong đàm phán hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Qatar lên đường tới Moscow tháo gỡ vướng mắc |
Kịch bản còn xa
Chuyên gia kinh tế Ali Vaez cho rằng, mặc dù Tehran có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt của chính mình và cung cấp lượng khí dư thừa cho các nước láng giềng gần kề, nhưng hiện quốc gia này không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của châu Âu.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc vận chuyển khí đốt từ Iran tới châu Âu như các đường ống hoặc các cảng khí lỏng cũng không tồn tại.
Trước đây, đã có một số nỗ lực đưa khí đốt từ Iran đến châu Âu như việc Thổ Nhĩ Kỳ-Iran tìm cách đưa khí đốt từ Iran qua đường ống Nabucco (dự án đã thất bại) qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu. Dự án này nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Mỹ và EU đã lên tiếng phản đối sự tham gia của Iran. Những tranh cãi về vấn đề hạt nhân với Iran và các lệnh trừng phạt của Mỹ khi đó đã ngăn cản Tehran trở thành một nhà cung cấp khí đốt quan trọng của thế giới.
Hiện nay Iran không đủ tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực khai thác khí đốt. Theo các số liệu chính thức, cần tới 160 tỷ USD để có thể biến Iran thành một nhà cung cấp dầu và khí đốt hàng đầu thế giới.
Với khoản đầu tư cần thiết, chuyên gia Ali Vaez cho rằng Iran có thể thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt trong vòng 5 đến 7 năm.
Thế nhưng, phương Tây đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng Ukraine rằng việc tự ràng buộc với một nhà cung cấp năng lượng không chia sẻ các giá trị chung với phương Tây là rất rủi ro. Châu Âu không sẵn sàng phạm sai lầm tương tự tại Iran.
Chuyên gia Ali Vaez cho rằng với phương Tây, các quốc gia vùng Vịnh khác đáng tin cậy hơn Iran vì các quốc gia này hướng về phương Tây.
Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel đều cảnh báo về một khía cạnh quan trọng khác nếu lệnh trừng phạt kinh tế Iran được dỡ bỏ và Tehran có thể xuất khẩu dầu mỏ trở lại: việc Iran kiếm được nhiều tiền hơn từ dầu mỏ cũng đồng nghĩa với việc họ có thể cung cấp nhiều tiền hơn cho các hoạt động khủng bố.
Theo các nước này, Tehran tài trợ cho các nhóm khủng bố và sử dụng các nhóm này để gây bất ổn cho các quốc gia láng giềng.
| Nga lý giải 'chiến dịch quân sự đặc biệt': 'Giọt nước tràn ly' dẫn đến một lựa chọn chẳng dễ dàng! Theo học giả Nga, những diễn biến 'dồn ép' Moscow gần đây đã buộc Tổng thống V. Putin phải đưa ra lựa chọn khó khăn ... |
| Hợp tác với Nga, Iran có thể tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami vừa cho biết nước này có thể tự sản xuất nhiên liệu ... |