📞

Iraq từ chối để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch giải phóng Mosul

10:02 | 23/10/2016
Ngày 22/10, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã từ chối lời đề nghị từ phía Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc để nước này trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Mosul - thành trì cuối cùng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq.

Phát biểu tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại thủ đô Baghdad, Thủ tướng al-Abadi lên tiếng cảm ơn lời đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ, song nhấn mạnh rằng, chiến dịch tấn công vào thành phố Mosul là do Iraq khởi xướng và lên kế hoạch. Ông tuyên bố, các lực lượng Iraq sẽ là lực lượng nòng cốt và có đủ khả năng để giải phóng Mosul và các khu vực lân cận mà không cần tới sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố trên của Thủ tướng al-Abadi được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đánh tiếng về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia chiến dịch tấn công Mosul. Tuy nhiên, ông Carter cũng nhấn mạnh rằng, những thông tin chi tiết về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch trên vẫn cần phải được thảo luận thêm và quan trọng nhất là phải nhận được sự đồng ý từ phía Chính phủ Iraq.

Quân đội Iraq bảo vệ một trạm kiểm soát gần làng Aswaja, Iraq. Trong khi đó, khói bốc lên mù mịt từ các đám cháy do lực lượng IS đốt các giếng dầu và một nhà máy lưu huỳnh, ngày 22/10. (Nguồn: AP)

Trước đó, ngày 22/10, giới chức y tế Iraq cho biết, một lượng lớn khói độc phát ra từ một cơ sở khai thác lưu huỳnh bị tàn phá và bốc cháy trong chiến dịch giải phóng Mosul của các lực lượng quân đội Iraq đã khiến gần 1.000 người gặp phải các vấn đề về hô hấp và phải cần tới sự trợ giúp của nhân viên y tế.

Nguồn tin từ một bệnh viện địa phương cho biết, đám khói độc bốc ra từ cơ sở khai thác lưu huỳnh ở khu vực Mishraq, phía Nam thành phố Mosul. Trường hợp đầu tiên gặp phải các vấn đề hô hấp sau khi hít phải khói độc được ghi nhận là vào sáng 21/10. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xuất hiện trường hợp tử vong nào liên quan tới sự việc trên.

Giới chức Mỹ cho biết, các tay súng IS đã đốt cháy cơ sở khai thác lưu huỳnh trên cùng nhiều giếng dầu ở gần đó nhằm tạo ra một lượng lớn khói để che giấu hành tung và đối phó với các cuộc không kích của các máy bay chiến đấu.

Trong khi đó, đài truyền hình quốc gia Iraq thông báo đám cháy tại cơ sở khai thác lưu huỳnh đã được dập tắt song một lượng lớn khói độc vẫn đang bao trùm khu vực này. Trước tình hình trên, lực lượng liên quân quốc tế thông báo đã cung cấp hơn 24.000 mặt nạ phòng độc cho các lực lượng an ninh Iraq và các tay súng người Kurd nhằm giúp các lực lượng này có thể tiếp tục chiến đấu.

(theo Washington Post, BBC)