Tác phẩm “Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng' của nhà văn mang trong mình dòng máu Việt - Pháp đã được trao giải Ba tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X. Nhân dịp này, Báo Thế giới và Việt Nam có cuộc trò chuyện với tác giả, người đang có những đóng góp hết sức ý nghĩa, thiết thực cho quê hương, nơi mẹ bà, “một con chim phượng hoàng đã cất cánh bay lên từ tro tàn” của chiến tranh và những định kiến… |
|
Xin chúc mừng Nhà văn Isabelle Muller đã giành Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X với tác phẩm “Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” – một cuốn sách viết về chính cuộc đời đặc biệt của mẹ mình. Bà có thể chia sẻ thêm về hành trình đến với Giải thưởng này không? Trước hết, tôi rất hạnh phúc bởi Giải thưởng này đã tôn vinh cuốn sách viết về mẹ tôi, bà Đậu Thị Cúc, mẹ Loan của chúng tôi. Câu chuyện về Mẹ, một người phụ nữ Việt Nam giản dị, nhỏ bé, sinh ra cách đây 95 năm, nhưng số phận, cuộc đời bà là một hành trình đầy thử thách, phản chiếu bối cảnh lịch sử của Việt Nam vào thời kỳ đó. Vì thế, tôi muốn dành Giải thưởng này cho mẹ Loan của tôi, bởi đó là câu chuyện về chính cuộc đời đặc biệt của bà. Tôi chỉ là người ghi lại câu chuyện của mẹ mình mà thôi. Mẹ tôi mới là người thực sự xứng đáng nhận Giải thưởng về thông tin đối ngoại quan trọng này. Còn đối với cá nhân tôi, đây thực sự là một vinh dự lớn khiến tôi và gia đình rất vui. Tôi hạnh phúc khi thấy câu chuyện kể về những nỗ lực và ý chí mạnh mẽ của mẹ - người đã dám vượt qua những định kiến để vươn lên cuộc sống tốt hơn, để có quyền được học hành khi còn là một cô gái rất trẻ đã được độc giả Việt Nam đón nhận. Điều đó thật tuyệt vời! |
|
Cuốn sách này đã được tôi ấp ủ từ lâu và viết trong vòng 2 năm, với những câu chuyện hết sức chân thực về cuộc đời của một phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, một “con chim phượng hoàng" luôn tìm cách vượt qua khó khăn, những nỗi đau giằng xé cả trong thể xác và tâm hồn để vươn lên, xây dựng cuộc sống của riêng mình và chuyển đi thông điệp về sự lạc quan, biết ơn và không bao giờ từ bỏ của mẹ tôi. Tôi cũng rất vui vì tại Việt Nam, tác phẩm này đã được tái bản lần thứ tư. Điều đó cho thấy độc giả rất quan tâm đến cuốn sách và cuộc đời của mẹ Loan và thông điệp mà tôi và mẹ muốn truyền tải: Đó là tình yêu thương, sự tử tế và luôn hành động, dù là nhỏ nhất... Chắc hẳn bà đã dồn nhiều tâm huyết và tình cảm để kể những câu chuyện về cuộc đời của mẹ mình để chuyển tải những thông điệp từ trái tim không chỉ về gia đình của chính mình mà còn phản ánh một giai đoạn thăng trầm mà dân tộc Việt Nam đã trải qua? Vâng, tôi nghĩ đây thực sự là một câu chuyện mà chính cuộc đời đã viết nên. Không ai, kể cả mẹ tôi hay chính tôi, có ý định trở thành một “nhân vật lịch sử”, nhưng đó lại là điều đã xảy ra. Mẹ tôi chính là hình ảnh của một người phụ nữ bình dị, chỉ mong muốn được sống cuộc đời bình thường của riêng mình. Và tôi nghĩ bà đủ thông minh, đủ khác biệt để nhận ra vai trò của sự công bằng, của chính nghĩa. Mẹ tôi đã sống trong giai đoạn có nhiều biến cố lịch sử ở Việt Nam. Với bà, ở thời điểm đó, nhiều điều xảy ra có lẽ bà không hoàn toàn hiểu rõ. Bà chỉ đơn giản cố gắng tìm kiếm một nơi để sống bình yên. Nhưng thực tế, bà lại không thể nằm ngoài vòng xoáy của thời cuộc, của lịch sử. Và với tôi, việc theo dõi hành trình cuộc đời của bà là một điều đặc biệt thú vị. Khi tôi viết lại câu chuyện này, đó là một trải nghiệm thực sự lôi cuốn. Ví dụ, khi xung đột bắt đầu nổ ra ở Hải Phòng năm 1946, lúc mẹ tôi trở về sau một thời gian ở các vùng rất xa phía Bắc đất nước, đó là lần đầu tiên bà chứng kiến Hải Phòng bị người Pháp ném bom, bắt đầu cuộc chiến thực sự. Những điều đó, bà đã tận mắt chứng kiến và cảm nhận... Với tôi, việc kể lại cuộc đời của bà không chỉ là câu chuyện của riêng bà, mà còn là cơ hội để mô tả cách mà những người dân thường cảm nhận về thời cuộc. Bạn biết đấy, trong sách vở, người ta thường mô tả góc nhìn từ những những điều lớn lao, những nhân vật lịch sử nhưng lại ít mô tả cảm giác thực sự, kể câu chuyện của người dân bình thường. Đặc biệt, trong chiến tranh và xung đột, những người dân thường, các bà mẹ và những gia đình chính là những người phải chịu đau khổ nhiều nhất. Họ mất đi người thân, con cái, chồng, anh em… Chính những nỗi đau lớn lao này lại thường không được mô tả nhiều. Tôi nghĩ câu chuyện của mẹ tôi đã tái hiện được khá nhiều về bầu không khí và những gì diễn ra trong giai đoạn lịch sử khó khăn đó của người dân và quê hương Việt Nam.
Vậy có phải chính cuộc đời đặc biệt của mẹ Loan và những mong ước của bà đã thôi thúc, truyền cảm hứng để bà thành lập Quỹ Loan mang tên mẹ mình và thường xuyên lặn lội đến các vùng sâu vùng xa, vùng cao hẻo lánh giúp đỡ các trẻ em nghèo và những người phụ nữ có cuộc sống rất khó khăn nơi đây? Như bạn biết đấy, có thể độc giả đã đọc nhiều bài viết nói về Quỹ Loan (LOAN Stiftung), về cách tôi thực hiện ước mơ của mẹ tôi – bà luôn muốn đóng góp điều gì đó cho quê hương và giúp đỡ trẻ em ở những nơi khó khăn nhất. Đó là lý do tôi nói “chúng tôi”- tôi và mẹ tôi cùng nhận được Giải thưởng này. Vào những năm 30 của thế kỉ trước, mẹ tôi khi còn ở quê hương Việt Nam, bà không được phép đến trường chỉ bởi vì là con gái. Trên con đường tìm kiếm tự do và hạnh phúc, với một ý chí không thể bị khuất phục và sự khao khát tri thức, bà đã mạo hiểm cả mạng sống của mình để được tiếp cận với giáo dục. Cuối cùng, vào năm 1955, bà đã phải rời quê hương bị chiến tranh tàn phá của mình theo chồng đến Pháp. Ở quê hương của chồng, bà đã vấp phải sự chối từ và nạn phân biệt chủng tộc vì màu da. Thế nhưng, dù nghèo khó cùng cực, bà vẫn kiên trì bươn chải, chăm lo cho năm đứa con trưởng thành, luôn luôn nhấn mạnh rằng giáo dục là một đặc ân to lớn. Là con út của mẹ Loan, tôi vẫn còn nhớ rất rõ về khoảng thời gian ấy, nhớ rõ cái sàn gạch phòng ngủ của chúng tôi lạnh và cứng như thế nào, bởi chúng tôi không có bất kì cái giường nào. Nhớ rõ sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, vì chúng tôi không thể theo kịp họ về mặt vật chất. Tôi nhớ rõ nó khó như thế nào để giữ lại chút danh dự còn lại và để đấu tranh với sự cô đơn đang dần làm tổ trong trái tim chúng tôi. Tuy nhiên cũng có những con người hoàn toàn xa lạ nhưng bằng sự xả thân, không vụ lợi và bằng tình thương đã đặt chân vào cuộc sống của chúng tôi, đã định hình nhân cách cho chúng tôi đến tận bây giờ và qua đó giúp chúng tôi một lần nữa lại có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự ấm áp của họ cho chúng tôi sức mạnh và nuôi dưỡng hy vọng của chúng tôi, rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể báo đáp những điều tốt đẹp mà chúng tôi đã được nhận và giúp đỡ những người gặp khó khăn khác. Từ những điều tốt đẹp, ý nghĩa đó và triết lý cuộc sống của mẹ tôi, Quỹ Loan đã được ra đời vào tháng 5/2016.
Thế nhưng, tôi chỉ có thể làm những gì trong khả năng của mình. Điều đó có nghĩa là, nếu không có đủ kinh phí, sẽ có ít dự án hơn, nhưng tôi luôn cố gắng hết sức mình, trăn trở để làm sao có thể huy động thêm được nguồn tài trợ cho Quỹ. Kể từ khi được thành lập năm 2016 đến nay, Quỹ Loan đã có nhiều chương trình học bổng dành cho các em nhỏ ở vùng xâu, vùng xa, những đối tượng không dễ dàng tiếp cận giáo dục như trẻ em ở thành phố. Hiện tại, chúng tôi đang gấp rút hoàn thành các công việc để có thể khởi công một khu nhà nội trú cho các em học sinh ở xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Đây là một xã miền núi rất xa xôi và chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành việc xây dựng vào tháng 9 năm sau. Thật tuyệt vời khi nghĩ đến ngày dự án này hoàn thành để có thêm nơi ở mới cho các em học sinh nơi đây. Ngoài ra, Quỹ Loan còn trao học bổng cho các học sinh, trong đó có 250 học sinh dân tộc học tập tại TP. Hồ Chí Minh và thực hiện các dự án giáo dục khác cho trẻ em vùng cao tại Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng... Những hoạt động này giúp các em học sinh có điều kiện học tập và có cơ hội thay đổi cuộc sống, từ đó tạo ra một tương lai tươi sáng hơn. |
|
Được biết, ngoài những hỗ trợ từ Quỹ Loan, bà còn có những dự án khác cho trẻ em nghèo ở vùng cao, đặc biệt sau ảnh hưởng nặng nề của cơ bão Yagi. Bà có thể chia sẻ về những dự án này không? Bạn biết không, tôi đã ở rất gần Phú Thọ khi một cây cầu ở tỉnh này bị sập sau cơn bão Yagi. Đó là một thời gian khủng khiếp và tôi có thể thấy sự tàn phá của cơn bão này ngay ở Hà Nội. Tôi cảm thấy rất đau lòng khi thấy những cây cổ thụ bật gốc, gãy đổ ngổn ngang… Tôi cảm nhận được rằng rất nhiều người đã trải qua cảm giác nuối tiếc đó giống như mình. Nhưng tôi cũng rất tự hào khi thấy Chính phủ đã triển khai rất nhanh chóng lực lượng quân đội giúp đỡ người dân và thấy mọi người khắp nơi tình nguyện mang nước uống, thức ăn giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn. Đó là một dấu hiệu lớn của sự đoàn kết và điều đó thật sự ấn tượng đối với tôi. Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi thấy cảnh tượng tàn phá của bão Yagi, là muốn giúp đỡ người dân ở tỉnh nào bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tôi không muốn chỉ làm một khoản quyên góp để bỏ vào một quỹ chung để phân phát ở đâu đó. Tôi muốn biết chính xác số tiền sẽ được sử dụng như thế nào, ai sẽ nhận tiền và làm gì. Và tôi đã mất khoảng ba tuần để tìm ra trường học và học sinh nơi nào cần sự giúp đỡ nhất bởi vì tôi biết rằng nhiều nước, các tổ chức và cá nhân khác đã quyên góp rất nhiều để giúp Việt Nam. Bởi thế, sự tập trung của tôi và Quỹ Loan là vào trẻ em. Tôi muốn giúp đỡ trực tiếp một số trường học và trẻ em, đặc biệt là các trường mầm non. Hiện nay, chúng tôi đang hỗ trợ năm trường mầm non tại tỉnh Lào Cai và cấp học bổng cho hai học sinh mồ côi do bão Yagi để các em có thể tiếp tục học tập. Chúng tôi đã tìm được những nhà tài trợ ở Đức với số tiền khoảng 32.000 euro cho dự án này và tất cả được hoàn thành trong vòng một tháng. Trong cuốn sách của mình, bà đã kể về câu chuyện về mẹ - một người phụ nữ thuộc thế hệ trước, đại diện cho tư duy truyền thống ở Việt Nam rằng phụ nữ không nên đi học hay theo đuổi con đường giáo dục cao hơn. Nhưng mẹ Loan đã nghĩ khác. Vậy có phải ngoài việc hỗ trợ về vật chất, tiền bạc, Quỹ Loan còn hướng tới việc giúp thay đổi tư duy về việc liệu các bé gái và phụ nữ trẻ để họ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn và theo đuổi con đường học vấn cao hơn? Bạn biết đấy, đây là một chủ đề cần bàn luận nhiều hơn nữa và thực tế tôi cũng không muốn thay đổi truyền thống. Tôi chỉ muốn những truyền thống đã quá cũ kỹ sẽ thay đổi để phù hợp hơn với hôm nay. Ý tôi là, truyền thống rất quan trọng bởi vì trong đó có những giá trị rất đáng trân quý như tôn trọng gia đình, tôn trọng người lớn tuổi, sống tốt bụng và biết đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau... Những giá trị này rất, rất đáng được trân trọng bất kể thời xưa hay ngày nay. Nhưng điều quan trọng là, nam giới và phụ nữ cần được đối xử bình đẳng. Đây là nguyên tắc cốt lõi, tất cả đều cần có quyền bình đẳng.
Phụ nữ đã chứng minh được rằng họ rất mạnh mẽ. Ví dụ, trong chiến tranh, nếu không có phụ nữ Việt Nam, có lẽ rất khó để giành được chiến thắng. Đó chỉ là một ví dụ. Tôi cũng nhìn thấy tiềm năng to lớn của phụ nữ, ngay cả trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Như bạn biết đấy, thời xưa, đã có những nhà văn, nhà khoa học rất nổi tiếng là phụ nữ, nhưng họ đã phải ẩn mình sau một cái tên nam giới vì vào thời điểm đó, việc thừa nhận phụ nữ bình đẳng với nam giới chưa được chấp nhận. Và thực tế cũng đã chứng minh, trong nhiều trường hợp, lĩnh vực, phụ nữ không chỉ giỏi mà đôi khi còn giỏi hơn cả đàn ông! Trong các quỹ của chúng tôi, tôi không tạo ra một "cuộc cách mạng phụ nữ" kiểu như "hãy xuống đường và đấu tranh". Không, không hề! Điều tôi muốn là phụ nữ và trẻ em gái cũng cần được bảo vệ và được nhìn nhận đúng đắn về sức mạnh của mình. Bởi thế, quỹ của chúng tôi không chỉ giúp trẻ em gái mà cả bé trai. Tôi giúp tất cả, muốn họ nhìn thấy một hình mẫu, giống như mẹ tôi từng là, một người chỉ mong muốn sự công bằng, bình đẳng và một cuộc sống tự chủ. Nhìn vào tôi, được sinh ra ở châu Âu, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, là một cô bé không có tiền nhưng lại nhận được học bổng của nhà nước Pháp để vào đại học. Tôi đã tận dụng cơ hội này để học ngôn ngữ, vì đó là con đường nhanh nhất để tôi hoàn thành và tìm được việc làm, trở nên độc lập. Nhờ vậy, tôi đã tự tạo con đường cho riêng mình, phát triển tiềm năng của mình và cố gắng đạt được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhìn vào tôi, các em có thể thấy rằng điều đó là khả thi, để tự phát triển khả năng của chính mình. Tôi nghĩ vậy! Bởi đó là một quy luật của cuộc sống. Một quy tắc có thể rất tốt trong một thời điểm nhất định, nhưng thời gian luôn vận động và phát triển, điều đó có nghĩa là bạn cần điều chỉnh các quy tắc cho phù hợp với thời đại. |
|
Chuyến trở về lần này có lẽ là lần thứ một trăm gì đó bà về Việt Nam để giúp sức cho quê hương? Bà cảm nhận thế nào về sự thay đổi đang diễn ra ở Việt Nam trong đó đã có những đóng góp rất thiết thực của bà và quê hương Việt Nam sẽ ở đâu trong tương lai như chúng ta đều mong ước? Việt Nam đã thay đổi ngoạn mục kể từ lần đầu tiên tôi về thăm lần đầu tiên vào những năm 90 sau khi các áp đặt cấm vận, trừng phạt kinh tế được rút khỏi Việt Nam. Vào thời điểm đó, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thực sự còn rất nghèo và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vào những năm ấy, trên đường chỉ có vài ba chiếc xe đạp và thi thoảng mới thấy một chiếc ô tô chạy trên phố. Khung cảnh lúc đó rất yên bình nhưng bạn vẫn cảm nhận được dư âm của chiến tranh hiện hữu. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã phát triển hơn rất nhiều! Hà Nội đã được phủ kín bởi các tòa nhà cao tầng và đường phố thì vô cùng tấp nập… Nhưng quả thực, tôi vẫn trân trọng, nhớ về những nét đẹp truyền thống, ngày xưa của Hà Nội hơn những thành phố hiện đại nhiều cao ốc khác như Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng bởi Hà Nội vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống xưa. Hà Nội đã phát triển hơn, sôi động và hiện đại hơn rất nhiều. Thành phố luôn nhộn nhịp, mọi người tấp nập ngược xuôi làm việc, buôn bán và cả thong dong dạo ngắm cảnh, dạo phố… Tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc của mọi người trên đường phố, trong các cửa hàng, dù thời điểm này vẫn còn những khó khăn. Tôi biết thu nhập bình quân của người Việt Nam chưa cao như nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng sự phát triển là rất đáng ghi nhận và tôi nhận thấy mọi người đón nhận những thay đổi này với niềm vui và hy vọng lớn vào những bước chuyển mới của đất nước.
Với đà phát triển này, tôi chắc rằng Việt Nam sẽ ở một vị thế khác trong tương lai, bởi người Việt Nam, giống như mẹ tôi, rất chăm chỉ và nỗ lực, đặc biệt là trong việc phát triển giáo dục. Tôi đã thấy những tiến bộ này trong các gia đình trẻ, các bậc phụ huynh thuộc thế hệ của tôi đã hiểu rằng chìa khóa của một tương lai tốt đẹp hơn chính là giáo dục. Vì vậy, nhiều gia đình đã cố gắng tiết kiệm tiền để đầu tư cho việc học hành của con cái họ. Một điều dễ nhận thấy nữa là những đứa trẻ tôi gặp ngày nay rất thông minh, biết cách phát huy tiềm năng và rất tự tin. Các em nhỏ đã có thể nói được hai hoặc ba ngôn ngữ. Khi tôi chứng kiến điều này, tôi biết rằng trong tương lai, các em sẽ có nhiều cơ hội phát triển kỹ năng của mình ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất vui mừng! Xin trân trọng cảm ơn bà! Thực hiện: Đức Khải, Phạm Hiền | Thiết kế: Lim Dim | Ảnh: Quỹ Loan, TGVN... |