📞

Israel-Lebanon: Bên lợi đơn, phía lợi kép

Chính Dung 16:11 | 07/10/2020
TGVN. Mối quan hệ Israel-Lebanon sắp có diễn biến với ý nghĩa và tác động của bước chuyển giai đoạn và bước ngoặt lịch sử. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.
Khu vực có tranh chấp về khai thác tài nguyên trên biển giữa Israel và Lebanon. (Nguồn: Noble Energy Inc.)

Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng như tuyên cáo của hai bên thì mối quan hệ giữa Israel và Lebanon sắp có diễn biến với ý nghĩa và tác động của bước chuyển giai đoạn và bước ngoặt lịch sử. Theo đó, vào giữa tháng 10 này, hai bên sẽ tiến hành đàm phán với nhau về phân định biên giới trên biển.

Giữa Israel và Lebanon trên thực tế hiện vẫn dai dẳng tình trạng chiến tranh và từ hơn ba thập kỷ nay hai bên chưa lần nào đàm phán ngoại giao trực tiếp với nhau. Có nhất trí được với nhau về phân định biên giới trên biển thì từng bên mới có thể khai thác hoặc hợp tác cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khí đốt, ở vùng biển chung này.

Khai thác khí đốt hiện không chỉ trở thành vấn đề kinh tế và thương mại ở khắp vùng Địa Trung Hải và ven bờ Địa Trung Hải mà còn cả chuyện chính trị an ninh khu vực và địa chiến lược liên quan đến nhiều bên khác nữa. Lợi ích kinh tế và thương mại thiết thực từ việc khai thác nguồn khí đốt ở nơi đây thôi thúc Israel và Lebanon cùng nhau tự thoát ra khỏi cái bóng của chính mình để ngồi vào bàn đàm phán với nhau.

Tuy chỉ tập trung vào nội dung trên, đàm phán vẫn có tác động rất mạnh mẽ tới quan hệ chính trị giữa hai nước, vẫn giúp giảm thiểu đối địch thông qua gia tăng hợp tác. Quan hệ giữa Israel và Lebanon được cải thiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cục diện chính trị an ninh và quan hệ giữa nhiều bên với nhau ở khu vực Trung Đông, đặc biệt trong những chuyện có liên quan đến Iran và Hezbollah ở Lebanon cũng như Hamas ở Palestine. Vì thế, việc đàm phán với Lebanon có lợi đối với Israel gấp đôi gấp ba so với Lebanon. Israel đang từng bước cải thiện quan hệ với thế giới Ả rập và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với các thành viên của thế giới Ả rập. Chiều hướng diễn biến này như thế chẳng phải được tăng cường hay sao?